Khắc phục các tồn tại, hạn chế mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được
Phát biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, Luật Điện lực năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2018, 2022, 2023) đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, bảo vệ được lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực điện lực, đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Sau khi Luật Điện lực năm 2004 có hiệu lực, nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước liên quan đến phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam (trong đó có lĩnh vực điện lực) được ban hành như Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (trong đó, yêu cầu xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa); Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Nghị quyết số 36- NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (trong đó yêu cầu thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác)...
Theo Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 4 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, đến giai đoạn hiện nay còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng, đặc biệt là mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia như: Chất lượng xây dựng, tổ chức, triển khai thực hiện quy hoạch ngành điện chưa cao; cơ chế, chính sách đối với ngành điện còn thiếu đồng bộ; Chưa có cơ chế pháp lý đầy đủ đảm bảo chuyển dịch từ chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, điện gió ngoài khơi sang chính sách cạnh tranh để hướng tới cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; Việc công khai, minh bạch, đơn giản hóa về thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền; Chưa triển khai đầy đủ các cấp độ về thị trường điện cạnh tranh; Một số quy định trong Luật hiện hành chưa đầy đủ, cần sửa đổi, bổ sung như về vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia; khuyến khích tiết kiệm điện và quản lý nhu cầu điện, an toàn điện, an toàn đập và hồ chứa thuỷ điện...
Theo Thứ trưởng, nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước (đặc biệt là Nghị quyết số 55-NQ/TW) tại Luật Điện lực, tổ chức triển khai và thực hiện các nhiệm vụ của Quốc hội và Chính phủ về rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và khắc phục các tồn tại, hạn chế mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, Bộ Công Thương đã tham mưu để Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Điện lực năm 2004.
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) có 9 chương, 121 điều, trong đó, kế thừa và có sửa đổi chủ yếu 62 điều, bỏ 4 điều, gộp 4 điều vào các điều khác, bổ sung 59 điều, giữ nguyên 1 điều so với Luật hiện hành.
Việc sửa đổi Luật Điện lực nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển điện lực với tính chất là ngành kết cấu hạ tầng kỹ thuật quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, phát triển bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, với chất lượng ổn định, an toàn và kinh tế, dịch vụ văn minh, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; khắc phục các khó khăn, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Luật Điện lực năm 2004.
Bổ sung các nội dung về chính sách của Nhà nước đối với phát triển điện lực
Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với việc bổ sung các nội dung về chính sách của Nhà nước đối với phát triển điện lực, các quy định tại Điều 5 cơ bản kế thừa các quy định tại Luật Điện lực hiện hành.
Tuy nhiên, để hoàn thiện quy định tại Điều 5, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ việc cụ thể hóa các chính sách quy định tại Điều này trong dự thảo Luật hoặc các luật khác có liên quan để bảo đảm tính khả thi trong việc thực hiện các chính sách của Nhà nước. Đặc biệt các nội dung về giá điện, về việc xóa bỏ bù chéo; nghiên cứu bổ sung một số chính sách lớn liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển tổng thể nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành điện; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng; bổ sung chủ trương bảo đảm mục tiêu phát triển ngành điện gắn liền với an ninh năng lượng.
Về phạm vi, điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch (từ Điều 9 đến Điều 14): Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí quy định về phạm vi, điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch được quy định trong dự thảo luật. Tuy nhiên, để hoàn thiện các quy định dự thảo Luật, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo không quy định lại những quy định chung đã được quy định tại Luật Quy hoạch; rà soát, sửa đổi để không phát sinh thêm quy trình, thủ tục hành chính, gây khó khăn, chồng chéo, trùng lặp, khó thực hiện và áp dụng pháp luật.
Đồng thời, nghiên cứu, rà soát và chỉnh sửa một số quy định: về thời gian định kỳ đánh giá việc thực hiện kế hoạch thực hiện quy hoạch, làm rõ trách nhiệm cụ thể để làm cơ sở kịp thời điều chỉnh khi cần thiết; bổ sung quy định với các nguồn dự phòng có trong quy hoạch, nếu đủ điều kiện có thể xem xét triển khai huy động để bảo đảm an ninh năng lượng; rà soát và phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc sửa đổi, cập nhật thông tin của các dự án điện lực; nghiên cứu, bổ sung căn cứ điều chỉnh Kế hoạch thực hiện quy hoạch liên quan đến địa điểm thực hiện, phương án đấu nối dự án do thực tế cho thấy các vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ thường liên quan đến 02 nội dung này.
Về cơ chế xử lý đối với các dự án nguồn điện chậm tiến độ (Điều 17): Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, các nội dung quy định tại Điều 17 dự thảo luật nằm ngoài nội dung của chính sách về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo về sự cần thiết đưa quy định về xử lý các dự án chậm tiến độ vào Luật này hay quy định tại các văn bản chỉ đạo, điều hành về xử lý các tình huống cụ thể. Bên cạnh đó, đề nghị giải trình rõ việc xử lý các dự án chậm tiến độ cần bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật về đầu tư.
Về đầu tư xây dựng dự án, công trình điện lực (Mục 2, từ Điều 18 đến Điều 26): Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản thống nhất với các quy định chung về đầu tư xây dựng dự án, công trình điện lực tại Điều 18. Tuy nhiên, để hoàn thiện các nội dung tại Điều này, đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát, làm rõ đối với quy định tại khoản 4 Điều 18 trong trường hợp dự án, công trình điện lực sử dụng vốn đầu tư công thì có thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định tại Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan hay không. Đối với các trường hợp đầu tư xây dựng dự án công trình điện khẩn cấp, đề nghị rà soát, làm rõ các nội dung quy định tại Điều 19 dự thảo Luật để tránh tình trạng lạm dụng cơ chế này trong việc đầu tư các dự án, công trình điện.
Về phát triển điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Điều 25): Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, cung cấp thêm thông tin về việc xây dựng, triển khai Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo theo tinh thần của Quy hoạch điện VIII; làm rõ mối quan hệ giữa Chương trình này với quy định tại Điều 25 của dự thảo Luật, theo đó, dự thảo Luật đang luật hóa quy định của Quy hoạch điện VIII hay là một chính sách khác được tiến hành song song.
Về lựa chọn nhà đầu tư (Điều 27, Điều 28): Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết thêm, Thường trực Ủy ban đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ, ngành trong việc chậm lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án điện. Đồng thời, quy định rõ tiêu chí về lựa chọn chủ đầu tư các công trình điện (nguồn điện, lưới điện) thông qua phương thức đấu thầu; trong đó, quy định rõ cơ sở, phương pháp xác định tiêu chí giá điện (theo giá thấp nhất), trách nhiệm của chủ thể quyết định tiêu chí giá điện để đấu thầu. Trường hợp lựa chọn chủ đầu tư theo phương thức đấu thầu cần quy định rõ về nguyên tắc huy động cũng như giải pháp về kinh tế phù hợp nếu giá điện trúng đấu thầu quá cao gây thiệt hại cho bên mua điện.
Về phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới (Chương III): Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới là cần thiết, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các nguyên tắc như bảo đảm an ninh cung cấp điện và an toàn hệ thống điện; đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng của hệ thống điện; đồng bộ kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Về giấy phép hoạt động điện lực (Chương IV): Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, cấp giấy phép hoạt động điện lực là nội dung quan trọng, quy định về thủ tục hành chính mà tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện khi tham gia hoạt động điện lực, do đó, cần quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch. Do đó, cần quy định cụ thể, đánh giá kỹ hơn việc xem xét miễn trừ, thu hồi giấy phép, điều kiện cấp phép đối với từng hoạt động (như phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ điện...), từng trường hợp cụ thể (như cấp lại, gia hạn, cấp mới,...) để đảm bảo phù hợp và đồng bộ với quy định của Luật Đầu tư.
Về thị trường điện cạnh tranh (từ Điều 51 đến Điều 61): Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, quá trình tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường điện cạnh tranh rất chậm so với tiến độ đã được quy định. Do vậy, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ, bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc liên quan đến lộ trình phát triển thị trường điện; kế hoạch tái cơ cấu ngành điện; kế hoạch cải cách giá bán lẻ điện và tuân thủ chỉ đạo tại Nghị quyết 55-NQ/TW.
Đối với hợp đồng mua bán điện và dịch vụ cung cấp điện (từ Điều 62 đến Điều 75): Về thanh toán tiền điện trong hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng sử dụng điện (Điều 67), đề nghị cân nhắc việc xác định cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức việc hòa giải tranh chấp về thanh toán tiền điện là Sở Công Thương quy định tại khoản 8 Điều 67 của dự thảo Luật, bảo đảm thống nhất với Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Trọng tài thương mại.
Về quyền và nghĩa vụ của đơn vị phân phối điện (Điều 71): Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị bổ sung nội dung “Hướng dẫn về an toàn điện cho khách hàng sử dụng điện” tại khoản 2 Điều 71 dự thảo Luật để phù hợp với quy định về quyền của người tiêu dùng tại khoản 8, Điều 4 và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng tại khoản 2, Điều 14 Luật tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
Về giá điện và giá các dịch vụ về điện (từ Điều 76 đến Điều 78): Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về việc đảm bảo cơ cấu giá điện ổn định; quy định nguyên tắc, lộ trình rõ ràng về cải cách giá điện như: xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, thực hiện giá điện hai thành phần, giá điện cho khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, giá điện nhập khẩu, xuất khẩu... để tạo tín hiệu tốt, thu hút đầu tư vào ngành điện. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giá điện.