Ngày 29/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài chủ trì cuộc họp rà soát, nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các đơn vị liên quan để hoàn thiện Luật Điện lực (sửa đổi).
Tham gia buổi họp có đại diện Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Điện lực (sửa đổi); đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương (Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Vụ Pháp chế); đại diện lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 9 chương, 119 điều, tập trung vào 6 nhóm chính sách đã được Chính phủ phê duyệt.
Trong quá trình xây dựng Luật, Bộ Công Thương đã tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, đặc biệt là các ý kiến của EVN và các đơn vị trực thuộc để có cái nhìn đa chiều và đảm bảo Luật Điện lực (sửa đổi) sau khi ban hành sẽ thực sự đi vào đời sống.
Trên cơ sở các ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực điện lực, Bộ Công Thương đã tổ chức tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Dự thảo Luật và được Bộ Tư pháp thẩm định trong tháng 6/2024. Ngày 5/7/2024, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ Luật Điện lực (sửa đổi) tại Tờ trình số 4742/TTr-BCT.
Theo kế hoạch, Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội trong tháng 8/2024. Sau khi được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10/2024, Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ chính thức được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025. Tuy nhiên, tại kỳ họp tháng 10 tới, nếu như đạt được thống nhất cao rất có thể dự thảo Luật sẽ được đề xuất ban hành trong một kỳ họp.
Tại cuộc họp sáng nay, các đại biểu đã bổ sung thêm nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), tập trung vào các nội dung như công tác đảm bảo an ninh năng lượng, cơ chế mua bán điện, hợp đồng mua bán điện (PPA), thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) cho các dự án điện, quy định về tỷ lệ nội địa hoá,...
Đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, Chính phủ đã cơ bản thống nhất với hồ sơ mà Bộ Công Thương trình. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo tiến độ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 8 này theo đúng kế hoạch.
Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập tập trung nghiên cứu những ý kiến được nêu tại cuộc họp, rà soát và cập nhật các nội dung liên quan tới công tác đảm bảo an ninh năng lượng, cơ chế tự chủ năng lượng; chương trình phát triển hạ tầng năng lượng; xã hội hoá đầu tư lưới điện truyền tải; lựa chọn nhà đầu tư, phát triển năng lượng xanh; khoa học công nghệ; nhập khẩu năng lượng… trong dự thảo Luật.
Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nhấn mạnh, quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cần bám sát tinh thần Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, cần đảm bảo phù hợp với các chính sách, quy định đã được ban hành liên quan đến lĩnh vực điện lực tại Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu,…