Cùng tham dự buổi làm việc liên quan đến Dự án Luật Điện lực (sửa đổi), về phía Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (Ủy ban) có ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban; ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban; bà Nguyễn Thị Lệ Thuỷ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban; ông Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban; ông Vương Quốc Thắng - Ủy viên chuyên trách Ủy ban.
Về phía Bộ Công Thương có Thứ trưởng Trương Thanh Hoài; Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Việt Hoà. Về phía EVN có ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc EVN cùng đại diện các đơn vị liên quan.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cho biết, Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, dự kiến diễn ra vào tháng 11/2024. Trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường được giao phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức khảo sát một số cơ quan, đơn vị điển hình cũng như tổ chức toạ đàm, hội nghị, hội thảo để lắng nghe tối đa ý kiến của các bên liên quan, đặc biệt là các đối tượng chịu tác động trực tiếp của Dự án này.
“Trên tinh thần đó, Ủy ban lựa chọn EVN là đơn vị đầu tiên để khảo sát, bởi nếu Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) sắp tới được Quốc hội thông qua thì đây là đơn vị ảnh hưởng sâu rộng nhất, tác động trực tiếp nhất cũng là đơn vị triển khai Luật và đưa Luật đi vào cuộc sống.” - Phó Chủ nhiệm Tạ Đình Thi nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ kỳ vọng, thông qua buổi làm việc sẽ nắm bắt được tình hình và thu được nhiều kết quả để giúp cho công tác thẩm tra cũng như chỉnh lý và hoàn thiện Dự thảo Luật.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc EVN cho biết, trong quá trình tổng kết Luật Điện lực hiện hành, xây dựng chính sách, Đề cương Luật Điện lực sửa đổi; các Dự thảo Luật, EVN đã có báo cáo, ý kiến góp ý để Bộ Công Thương xem xét tổng hợp, tiếp thu bổ sung các quy định nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc. EVN và các đơn vị cũng được tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật này.
Số ý kiến của EVN cho các lần Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) là 394 ý kiến. Ngoài ra, EVN và các đơn vị còn phối hợp tổ chức, tham gia ý kiến trực tiếp tại các hội nghị, hội thảo, toạ đàm góp ý Luật Điện lực (sửa đổi). Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) trên cơ sở 06 chính sách đã được Chính phủ thông qua. EVN cũng thống nhất với các nội dung chính sách và các nội dung khác nêu trong Tờ trình của Bộ Công Thương trình Chính phủ.
“Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định để giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động điện lực, trong đó có EVN và đơn vị trong thời gian qua, góp phần trong việc hoàn thành các nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao và bảo đảm cho việc quản lý, sản xuất kinh doanh phù hợp; lựa chọn nhà đầu tư công trình điện; phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới; thị trường điện,…” - Ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Trao đổi tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, đến nay, Chính phủ đã thông qua 6 khung chính sách và Dự thảo Luật gồm 9 chương và 119 Điều. Trong quá trình xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công Thương đã tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, đặc biệt là các ý kiến của EVN và các đơn vị trực thuộc để có cái nhìn đa chiều và đảm bảo Luật Điện lực (sửa đổi) sau khi ban hành sẽ thực sự đi vào đời sống.
Riêng đối với các góp ý của EVN, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài cho rằng đây hầu hết là những ý kiến tương đối xác đáng, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề liên quan đến việc lựa chọn các nguồn điện đầu tư, quy hoạch điện, giá điện,… chưa được làm rõ. Bộ Công Thương sẽ cố gắng nghiên cứu, tiếp thu ở mức cao nhất để hoàn thiện Dự án Luật.
Tại buổi làm việc, đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Bộ Công Thương; và EVN đã có những ý kiến, trao đổi về những nội dung chính liên quan đến Luật Điện lực (sửa đổi).
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đánh giá cao việc ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành, hướng dẫn tuyên truyền thực hiện quy định pháp luật về điện lực mà EVN đã triển khai trong thời gian qua; cũng như các kết quả sản xuất kinh doanh và thực hiện các chức năng nhiệm vụ được giao.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường bày tỏ nhiều kỳ vọng vào lần sửa đổi Luật Điện lực này với 6 nhóm chính sách cơ bản như Chính phủ và Bộ Công Thương đã nêu tại các Tờ trình.
"Về tinh thần, Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ thông qua tại 2 kỳ họp nhưng nếu được sự đồng thuận, thống nhất có thể được Quốc hội thông qua ngay tại 1 kỳ họp", ông Lê Quang Huy cho biết.
Mặc dù vậy, ông Lê Quang Huy cũng đề nghị Ban soạn thảo và EVN lưu ý một số vấn đề trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật. Cụ thể:
Thứ nhất, Dự thảo Luật cần xét đến việc giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong thời kì chuyển giao giữa các giai đoạn của đất nước, đặc biệt là hướng xử lý các dự án chậm tiến độ trong giai đoạn trước đó.
Thứ hai, cần đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của toàn bộ hệ thống pháp luật; hướng đến xây dựng và hoàn thiện toàn diện hệ thống văn bản thể chế hóa đường lối, chủ trương và định hướng chính sách của Đảng trong lĩnh vực điện lực cũng như các văn bản tổ chức điều hành thực hiện ở các cấp.
Thứ ba, cần xét đến việc phấn đấu thực hiện các cam kết về chuyển dịch năng lượng của Việt Nam gắn với đảm bảo nguồn lực của nền kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ông Lê Quang Huy cũng đề nghị EVN xây dựng báo cáo, tổng hợp các ý kiến tại buổi làm việc, tiếp tục đồng hành cùng Bộ Công Thương cũng như Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong chỉnh lý, hoàn thiện Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) này.