Theo ước tính, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 6/2024 đạt khoảng 150 nghìn tấn, trị giá 238 triệu USD, tăng 77,6% về lượng và tăng 76,6% về trị giá so với tháng 5/2024; nhưng giảm 17% về lượng và giảm 0,7% về trị giá so với tháng 6/2023. Giá xuất khẩu cao su bình quân ở mức 1.586 USD/tấn, giảm 0,5% so với tháng 5/2024, nhưng tăng 19,6% so với tháng 6/2023.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su đạt khoảng 722 nghìn tấn, trị giá 1,09 tỷ USD, giảm 5,8% về lượng, nhưng tăng 4,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu cao su Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định nhờ giá cao su đang ở mức cao, cùng với mức tiêu thụ liên tục ổn định.
Dư địa lớn cho xuất khẩu nguyên liệu cao su
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), hiện Việt Nam có quy mô sản lượng mủ cao su đạt 1,3 triệu tấn mỗi năm từ 910.000 ha diện tích trồng cây cao su. Tuy nhiên, chỉ 70-75% trong số này là các cây cao su trưởng thành sẵn sàng khai thác. Hàng năm có hơn 300 nghìn tấn cao su được sử dụng trong sản xuất chế biến, còn lại một lượng lớn nguyên liệu cao su để xuất khẩu. Việc này đã mở ra một dư địa lớn cho xuất khẩu nguyên liệu cao su. Đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu có khả năng tiếp tục thiếu hụt trong giai đoạn 2024-2025.
Tăng trưởng tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu, dự kiến duy trì ở mức 4-6% hàng năm, chủ yếu nhờ sự phục hồi của ngành sản xuất ô tô và lốp xe, đặc biệt là ở Trung Quốc.
Các thị trường như Thái Lan, Ấn Độ cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực trong sản xuất và xuất khẩu lốp xe. Thời gian tới, nhu cầu của Trung Quốc vẫn là yếu tố chủ chốt tác động đến hoạt động xuất khẩu cao su của Việt Nam.
Giá xuất khẩu phần lớn các chủng loại cao su đều tăng mạnh
Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, trong 5 tháng đầu năm 2024, các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), Latex, SVR 10, SVR 3L, SVR CV60, RSS3, SVR 20, SVR CV50...
Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 54,44% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 311,52 nghìn tấn, trị giá 462,15 triệu USD, giảm 20,6% về lượng và giảm 14,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,53% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 310,04 nghìn tấn, trị giá 458,11 triệu USD, giảm 20,9% về lượng và giảm 14,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Nhìn chung trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu một số chủng loại cao su vẫn giảm cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2023 như: Hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), RSS3, cao su tổng hợp, cao su hỗn hợp (HS 4005).
Tuy nhiên, xuất khẩu một số chủng loại cao su vẫn tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2023, trong đó đáng chú ý như: Latex, SVR 10, SVR 3L, SVR CV60, SVR 20, SVR CV50…
Về giá xuất khẩu, trong 5 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân phần lớn các chủng loại cao su đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023 như: RSS1 tăng 20,7%; RSS3 tăng 18%; Skim block tăng 18%; SVR 10 tăng 17%; SVR CV40 tăng 16,8%; Latex tăng 16,4%; SVR 5 tăng 15,9%...
Tại báo cáo tháng 5/2024, Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) dự báo, năm 2024, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu dự kiến đạt 14,5 triệu tấn, tăng 1,1% so với năm 2023. Trong đó, sản lượng của Thái Lan dự kiến giảm 0,5%; Indonesia giảm 5,1%; trong khi sản lượng của Trung Quốc dự kiến tăng 6,9%; Ấn Độ tăng 6%; Việt Nam tăng 2,9%; Malaysia tăng 0,6% và các nước khác tăng 4,9%.
ANRPC cũng dự báo tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu năm 2024 sẽ đạt 15,75 triệu tấn, tăng 3,1% so với năm 2023. Trong đó, Trung Quốc tăng 5,5%; Ấn Độ tăng 3%; Thái Lan tăng 1%; Malaysia tăng 54,7%; Việt Nam tăng 6%; trong khi các nước khác dự kiến giảm 3,7%.
Đáng chú ý, so với dự báo đưa ra trước đó, ANRPC đã điều chỉnh dự báo triển vọng thị trường cao su tự nhiên toàn cầu trong năm 2024. Trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu giảm, sự quan tâm của nông dân trồng cao su đối với việc khai thác giảm tiếp tục làm chậm tốc độ tăng trưởng sản xuất, đặc biệt là ở các nước sản xuất cao su lớn như Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Ngoài ra, những thách thức như điều kiện khí hậu không thuận lợi, bệnh rụng lá cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của nông dân trồng cao su.