Australia vừa trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng lệnh cấm sản xuất và sử dụng các loại đá nhân tạo nhằm cải thiện môi trường làm việc của các công nhân xây dựng tại nước này. Lệnh cấm này có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Cơ quan An toàn Lao động Australia thuộc Chính phủ Australia cho biết việc chế tạo và sử dụng đá nhận tạo thải ra lượng lớn bụi silic (tinh thể silic tự do), đặc biệt là ở các công đoạn cắt và mài đá, khiến công nhân xây dựng có nguy cơ cao mắc bệnh bụi phổi silic với tỷ lệ tử vong cao. Tổ chức Phổi Australia ước tính, khoảng 600.000 công nhân tại Australia đã tiếp xúc thường xuyên với bụi silic trong năm 2023 thông qua các công việc sử dụng đến đá nhân tạo.
Theo đánh giá sơ bộ của một số tổ chức tài chính, động thái trên của Australia có thể tác động đến hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp sản xuất đá nhân tạo của Việt Nam, đặc biệt là Công ty Cổ phần Vicostone (mã cổ phiếu VCS - sàn HNX).
Công ty Vicostone hiện thuộc top 3 doanh nghiệp hàng đầu thế giới và số 1 tại Việt Nam về đá nhân tạo gốc thạch anh cao cấp. Xuất khẩu đóng góp 90% tổng doanh thu của công ty Vicostone. Bên cạnh Mỹ và Liên minh châu Âu, thị trường Australia là 1 trong 3 thị trường mang lại doanh thu cao nhất cho công ty.
Trong quá trình sản xuất đá nhân tạo của công ty Vicostone, Cristobalite đóng vai trò quan trọng nhằm tạo ra độ trắng tự nhiên, làm nên sự độc đáo của đá nhân tạo thương hiệu Vicostone. Cristobalite là một trong ba dạng tinh thể silic tự do, có nguy cơ gây ra bệnh bụi phổi silic.
Hiện tại, nguồn đầu vào Cristobalite cho công ty Vicostone được cung cấp bởi Công ty Đầu tư và Chế biến Khoáng sản Phenikaa Huế - một đơn vị thành viên thuộc sở hữu của công ty Vicostone. Theo đó, chủ yếu sản lượng của nhà máy này đang sử dụng cho nội bộ giúp đáp ứng hoàn toàn nhu cầu sử dụng của công ty Vicostone và khoảng 10% công suất nhà máy là bán ra bên ngoài. Công suất của nhà máy Phenikka Huế khoảng 72.000 tấn/năm.
Do đó để tiếp tục duy trì xuất khẩu sang Australia, công ty Vicostone sẽ cần phải chuyển sang sử dụng các vật liệu khác để tuân thủ quy định kiểm soát chất lượng bụi silic. Điều này sẽ gây áp lực lên chi phí, khiến quá trình hồi phục kinh doanh của công ty thêm “gập ghềnh”.
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, việc tiêu thụ đá nhân tạo tại thị trường Mỹ, nơi đóng góp đến 80% tổng doanh thu của công ty Vicostone, cũng đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường bất động sản và hoạt động xây dựng ở đây vẫn trầm lắng.
Theo Hiệp hội Môi giới bất động sản quốc gia Mỹ (NAR), lượng bất động sản tồn kho ở Mỹ đã tăng 6,7% lên 1,28 triệu căn trong tháng 5/2024 - mức cao nhất từ tháng 8/2022. NAR nhận định, doanh số bán nhà yếu đã làm giảm số lượng công trình khởi công, cũng như lượng giấy phép xây dựng cấp mới trong tháng 5/2024.
Năm ngoái, doanh số bán nhà ở Mỹ chỉ khoảng hơn 4 triệu căn - mức thấp nhất trong 28 năm, kéo theo đó là sự suy giảm mạnh nhu cầu về các nguyên vật liệu xây dựng, bao gồm đá nhân tạo.
Bên cạnh yếu tố nhu cầu yếu, công ty Vicostone còn chịu áp lực cạnh tranh “dữ dội” từ các đối thủ khác. Ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch HĐQT Công ty Vicostone cho biết, với áp lực cạnh tranh từ các sản phẩm của Ấn Độ và Trung Quốc, công ty đã phải giảm giá bán trung bình 20% trong giai đoạn 2019 - 2023.
Đáng chú ý, phần lớn các nhà máy sản xuất đá nhân tạo tại Việt Nam sử dụng công nghệ đến từ Trung Quốc với chi phí rẻ. Ngoài ra, các nhà máy Trung Quốc cũng đặt tại Việt Nam để lẩn tránh xuất xứ do thuế chống bán phá giá Mỹ áp cho nước này rất cao (khoảng 45%). Tất cả điều này có thể dẫn tới rủi ro Mỹ áp thuế đối với sản phẩm Việt Nam trong bối cảnh sản lượng nhập khẩu đá thạch anh nhân tạo nước ta vào Mỹ đã tăng đáng kể từ 2019, đe doạ đến triển vọng kinh doanh của công ty Vicostone.