Collagen - Mỏ vàng tiềm năng của Thuỷ sản Vĩnh Hoàn
Collagen là một loại protein có chức năng xây dựng cơ quan xương, da, cơ, gân và dây chằng. Collagen được ứng dụng trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B), thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, và dược phẩm.
Sản phẩm collagen được sản xuất từ nguồn động vật, gia cầm, thủy sản và thực vật. Trong đó, bò, heo, thủy sản và thực vật được sản xuất thông dụng hơn do nguồn cung phong phú. Có 3 hình dạng collagen phổ biến là nước, viên và bột. Trong đó, dạng bột chiếm hơn 65% doanh thu trong năm 2023, theo hãng nghiên cứu thị trường GrandviewResearch.
Hiện tại, Mỹ, Đức, Nhật, Canada là những nước đứng đầu về nhập khẩu về cả sản phẩm collagen và gelatin (C&G) dạng bột trong khi Trung Quốc là nước xuất khẩu C&G dạng bột nhiều nhất. Giá bán C&G dao động trong khoảng 7 - 9 USD/kg ở các nước nhập khẩu chính.
Dữ liệu của GrandviewResearc cho thấy, thị trường C&G dạng bột có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2013 - 2022 đạt 5%, trong đó, sản lượng nhập khẩu C&G dạng bột của Top 5 nước (Mỹ, Hà Lan, Đức, Nhật, Canada) cũng tăng trưởng kép 5% giai đoạn 2013 - 2022.
Dự báo nhu cầu về C&G sẽ đạt mức tăng trưởng CAGR lên đến 9,6% trong giai đoạn 2024 - 2030 khi thu nhập người dân tăng dần sẽ thúc đẩy chi tiêu cho sản phẩm chăm sóc sức khỏe nhiều hơn, trong đó có collagen để cải thiện xương khớp và làn da.
Tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Thuỷ sản Vĩnh Hoàn, mã cổ phiếu VHC - sàn HoSE) là doanh nghiệp đầu tiên chiết suất thành công collagen từ da cá tra. Thuỷ sản Vĩnh Hoàn cũng là nhà sản xuất collagen đầu tiên trên thế giới đạt chứng nhận bền vững quốc tế ASC với sản phẩm có 100% tự nhiên, không chứa màu nhân tạo, không phụ gia và chất bảo quản, hướng tới bảo vệ môi trường - xã hội.
Nhà máy sản xuất C&G với công suất 2.000 tấn/năm do Thuỷ sản Vĩnh Hoàn sở hữu 90% vốn bắt đầu hoạt động từ năm 2015 với sản phẩm chủ yếu là collagen dạng bột.
Sau đó, nhà máy này được nâng công suất lên mức 3.500 tấn/năm vào năm 2020. Ban lãnh đạo Thuỷ sản Vĩnh Hoàn cho biết do nhà máy đã hoạt động tối đa công suất nên công ty quyết định tiếp tục mở rộng công suất nhà máy lên mức 7.000 tấn/năm trong năm 2023, dự kiến phần công suất mở rộng sẽ đi vào hoạt động trong năm nay.
Hiện Thuỷ sản Vĩnh Hoàn kinh doanh collagen trên cả 2 phương diện: bán nguyên liệu và bán sản phẩm với thế mạnh có vùng nguồn nguyên liệu cá đủ đáp ứng 60 - 70% nhu cầu phế phẩm cho nhà máy.
Doanh thu mảng C&G của công ty ghi nhận mức tăng trưởng CAGR lên tới 21% trong giai đoạn 2018 - 2023; qua đó, đóng góp 7% vào tổng doanh thu của Thuỷ sản Vĩnh Hoàn trong năm 2023.
Sở hữu loạt lợi thế, kỳ vọng mảng collagen tiếp tục tăng trưởng hai chữ số
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Thuỷ sản Vĩnh Hoàn, mặc dù đã có thêm một số doanh nghiệp tham gia sản xuất collagen tại Việt Nam nhưng công ty đang sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh chiến lược.
Cụ thể, Thuỷ sản Vĩnh Hoàn đang chiết xuất collagen từ nguồn cá tra do công ty chủ động nguyên liệu. Việc này đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc nguyên liệu được tuân thủ tối đa. Một số doanh nghiệp khác đã bắt đầu tham gia vào thị trường này, nhưng không chủ động vùng nguyên liệu, ban lãnh đạo Thuỷ sản Vĩnh Hoàn cho biết.
Trong khi đó, vùng nguyên liệu chính là cá tra thì Thuỷ sản Vĩnh Hoàn đứng đầu cả nước trong nhiều năm trở lại đây. Việc khép kín chuỗi giá trị và sản xuất các sản phẩm gia tăng giúp Thuỷ sản Vĩnh Hoàn đạt hiệu quả kinh tế cao.
Bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT Thuỷ sản Vĩnh Hoàn cho biết: “Đối với người trong ngành chế biến thuỷ sản nói riêng, việc tối ưu hoá được sản xuất, khép kín hết, không để tồn cặn là điều quý giá nhất bởi nó giúp doanh nghiệp tối ưu hoá được lợi nhuận. Khi đó, các chi phí khác như lao động, điện nước… có thể tăng nhưng tổng hoà chi phí không tăng. Như vậy mới có thể cạnh tranh được”.
Chủ tịch Thuỷ sản Vĩnh Hoàn chia sẻ trước đây công ty chỉ cá tra size tiêu chuẩn (size cá từ 0,8 - 1 kg) để phục vụ cho xuất khẩu. Còn với size nhỏ hoặc cỡ lớn thì giá rất rẻ. Thế nhưng với hệ sinh thái các nhà máy chế biến các sản phẩm phụ, giá trị gia tăng cao, cá ở tất cả loại size đều có thể dùng, từ đó giúp công ty tối ưu được lợi nhuận.
Ông Võ Phú Đức - Giám đốc Công ty TNHH MTV Vĩnh Hoàn Collagen cho biết thêm: “Nếu bán bột cá, mỡ cá thì chỉ có giá 1,2 -1,5 USD/kg, nhưng sản xuất collagen có thể thu về từ 15-20 USD/kg thành phẩm”.
Ông Võ Phú Đức ước tính, việc tận dụng phụ phẩm có thể gia tăng 15 -25% giá trị cho toàn bộ chuỗi nuôi và chế biến cá tra của Thuỷ sản Vĩnh Hoàn.
Ngoài ra, so với sản phẩm collagen chiết xuất từ các loại da khác, như da bò, da heo… thì da cá biển có tính hấp thụ cao, khả năng sinh học tốt, rủi ro thấp trong lây truyền bệnh. Đặc biệt, sản phẩm này không có rào cản tôn giáo, nhất là khu vực có người theo đạo Hồi, nên thị trường rất rộng. Trong khi đó, Thuỷ sản Vĩnh Hoàn đang xuất khẩu 100% sản phẩm của mình và tệp khách hàng hiện nay bao gồm nhiều khách hàng lớn, có tiềm năng mở rộng cao.
Theo dự phóng mới đây của hãng Chứng khoán Rồng Việt, mảng C&G của Thuỷ sản Vĩnh Hoàn sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng CAGR hai chữ số cho giai đoạn 2024 - 2032, cao hơn tiềm năng tăng trưởng chung của thị trường collagen khi công ty tăng công suất nhà máy để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.