Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vừa diễn ra, ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Nhựa An Phát Xanh (mã cổ phiếu AAA - sàn HoSE) đã tiết lộ Nhà máy sản xuất nhựa và sản phẩm từ nhựa (Dự án Nhà máy Số 8) đã được mở rộng quy mô và tăng vốn đầu tư lên mức 1.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động trước ngày 31/5/2025.
Nhà máy Số 8 đã được Nhựa An Phát Xanh triển khai xây dựng từ năm 2018 và thay đổi mục tiêu dự án nhiều lần. Đến đầu tháng 1/2024, dự án đã chính thức được đổi tên, mở rộng quy mô và tăng tổng mức đầu tư theo Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Hải Dương.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Nhựa An Phát Xanh, mục tiêu lớn nhất của dự án Nhà máy Số 8 là sản xuất nhóm sản phẩm mới - sàn nhựa vật liệu xây dựng SPC và LVT (SPC chiếm chủ đạo). Công ty đang trong quá trình đầu tư máy móc và dự kiến chạy thử dây chuyển sản xuất sàn nhựa vào quý 4/2024.
Sản phẩm sàn nhựa chủ yếu sẽ được tiêu thụ qua kênh xuất khẩu với Mỹ là thị trường trọng điểm, và được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng kinh doanh mới, theo Nhựa An Phát Xanh.
Ván sàn SPC là dòng sản phẩm mới xuất hiện trên thế giới vào khoảng năm 2015 - 2016 nhưng nhanh chóng phát triển, thay thế các loại ván sàn truyền thống nhờ có nhiều ưu thế như dễ lắp đặt, độ bền cao, giá rẻ, không thấm nước,...
Về đầu vào, bột đá vôi (CaCo3) là nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 70%) trong thành phần sản xuất sàn nhựa vật liệu xây dựng. Do đó Nhựa An Phát Xanh sẽ tận dùng nguồn nguyên liệu bột đá sẵn có từ công ty con Công ty Cổ phần An Tiến Industries (mã cổ phiếu HII) để phục vụ cho hoạt động sản xuất sàn nhựa.
Đối với đầu ra của sản phẩm, sản lượng bán sàn SPC tại Mỹ đã tăng trưởng nhanh và dần thay thế các loại ván sàn truyền thống trong những năm gần đây. Tốc độ tăng trưởng trung bình kép (CAGR) doanh số bán sàn SPC tại Mỹ trong giai đoạn 2019 - 2023 lên đến gần 33%/năm, tương ứng tỷ trọng trong tổng sản lượng các loại ván sàn được tiêu thụ tăng từ 3,9% lên 13% trong cùng giai đoạn trên.
Hiện nay hơn 90% nhu cầu sàn SPC tại Mỹ đến từ nguồn hàng nhập khẩu. Trong đó, nguồn hàng từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất, hơn 61% trong năm 2023. Tuy nhiên, sàn SPC xuất xừ từ Việt Nam đang nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần từ đối thủ Trung Quốc do Mỹ đã áp thuế 25% từ tháng 1/2019 đối với sản phẩm sàn SPC và LVT của Trung Quốc. Mức thuế này có thể tiếp tục tăng lên trong đợt áp thuế vào tháng 8 tới đây của Mỹ.
Thay vào đó, Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất nhờ có trữ lượng đá vôi dồi dào, khi sản lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng mạnh với mức CAGR lên đến 164,7%/năm giai đoạn 2019-2023, tương ứng tỷ trọng trong tổng sản lượng nhập khẩu của Mỹ tăng từ 0,6% lên 18,6% trong giai đoạn trên.
Ngoài ra, Nhựa An Phát Xanh có khả năng tận dụng được nguồn lực, kinh nghiệm trong sản xuất và bán hàng từ công ty cùng thuộc hệ sinh thái An Phát Holdings (mã cổ phiếu APH) là An Cường Building Materials.
An Cường Building Materials cũng đang sản xuất loại ván sàn nhựa cứng tương tự với sản pẩm của Nhà máy Số 8, với công suất thiết kế đạt 3 triệu m2/năm và cũng tập trung xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Qua đó, cho thấy chất lượng sản phẩm đã được kiểm chứng cùng hệ thống khách hàng sẵn có.
Tuy nhiên, nhà máy của An Cường Building Materials hiện đã hoạt động tối đa công suất và chưa có kế hoạch tăng công suất. Do đó, dưới góc độ quản trị của An Phát Holdings, Nhà máy Số 8 như là một dự án mở rộng của An Cường Building Materials.