Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG - sàn HoSE) vừa thông qua phương án chào bán thêm 131,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1, tương ứng cổ đông sở hữu 02 cổ phiếu sẽ có quyền mua thêm 01 cổ phiếu mới với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 51% so với giá kết phiên ngày 5/7.
Thép Nam Kim dự kiến sẽ triển khai phương án trên từ quý 3 - quý 4/2024 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Toàn bộ số cổ phiếu trên sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng sau khi phát hành.
Nếu phương án được thực hiện thành công, Thép Nam Kim sẽ thu về gần 1.580 tỷ đồng. Thép Nam Kim cho biết, dự kiến sẽ dùng toàn bộ số tiền này để góp vốn vào Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ để đầu tư dự án Nhà máy Nam Kim Phú Mỹ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tôn Nam Kim Phú Mỹ hiện là công ty con của Thép Nam Kim với tỷ lệ sở hữu là 100% vốn điều lệ.
Dự án Nhà máy Nam Kim Phú Mỹ có quy mô 1,2 triệu tấn/năm với tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 là 4.500 tỷ đồng. Dự án này gồm dây chuyền mạ kẽm công suất 350.000 tấn/năm; hai dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm với công suất lần lượt là 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm; dây chuyền mạ màu công suất 150.000 tấn/năm.
Dự kiến Nhà máy Nam Kim Phú Mỹ có thể đi vào sản xuất thương mại từ quý 1/2026 và đạt 100% công suất từ năm 2027. Tính đến thời điểm 31/3/2024, Thép Nam Kim đã góp 500 tỷ đồng vào dự án trên.
Bên cạnh phương án chào bán cổ phiếu, Thép Nam Kim cũng có kế hoạch phát hành 52,6 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Tỷ lệ thực hiện quyền là 100:20, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 20 cổ phiếu.
Nếu được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, Thép Nam Kim dự kiến sẽ triển khai kế hoạch trong quý 3 - quý 4/2024. Qua đó, thu về 526 tỷ đồng.
Như vậy, nếu hoàn thành cả hai phương án trên, vốn điều lệ của Thép Nam Kim sẽ được nâng lên mức hơn 4.700 tỷ đồng, tương ứng tăng 80%.
Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, hoạt động kinh doanh của Thép Nam Kim trong thời gian tới sẽ ở mức tích cực với động lực chính đến từ kênh xuất khẩu.
Cụ thể, các thị trường trọng điểm của Thép Nam Kim (Bắc Mỹ, châu Âu) hiện đang chuẩn bị bước vào chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ kể từ nửa cuối năm nay. Qua đó, góp phần thúc đẩy nhu cầu của ngành bất động sản và xây dựng.
Trong khi đó, giá thép tại Việt Nam vẫn đang thấp hơn đáng kể so với các thị trường khác, tạo điều kiện cho hoạt động nhập và tích trữ hàng; đồng thời gia tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu của Thép Nam Kim còn được kỳ vọng hưởng lợi từ việc áp dụng biện pháp tự vệ tại thị trường châu Âu. Cụ thể, Ủy ban châu Âu đã giảm hạn ngạch tự do hóa từ 4% xuống 1%/năm và giới hạn lượng nhập khẩu tối đa là 15% trên mỗi quốc gia của hạn ngạch miễn thuế hiện có vào đầu quý đối với các loại sản phẩm thuộc nhóm 1 và nhóm 16.
Các điều chỉnh trên sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 - 30/6/2026. Theo đánh giá của hãng Chứng khoán Maybank, với chính sách trên, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chỉ có thể xuất khẩu khoảng 140.000 tấn thép HRC/quý, tương đương 560.000 tấn/năm, thấp hơn nhiều so với mức 1,16 triệu tấn của năm 2023.
Việc nguồn cung thép HRC tại thị trường châu Âu giảm sẽ khiến mặt bằng giá thép HRC tại đây neo cao. Qua đó thúc đẩy biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ Việt Nam, trong đó có Thép Nam Kim.