Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC - sàn HoSE) vừa công bố doanh số tiêu thụ 6 tháng đầu năm đạt 95 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Qua đó, hoàn thành 45% kế hoạch cả năm.
Tính riêng tháng 6, doanh số tiêu thụ của Thực phẩm Sao Ta ước đạt 13,46 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ.
Trong nửa đầu năm nay, sản lượng sản xuất và tiêu thụ tôm thành phẩm chế biến của Thực phẩm Sao Ta lần lượt đạt 11.255 tấn và 8.449 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 26% so với cùng kỳ năm 2023.
Về nông sản, nông sản sản xuất 705 tấn, nông sản tiêu thụ 626 tấn tấn, giảm lần lượt 27%, 11% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Đại diện Thực phẩm Sao Ta cho biết, sản lượng tôm chế biến và tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm tăng chủ yếu nhờ vào sản lượng tôm tự nuôi và hoạt động tiêu thụ ổn định.
Về nuôi trồng, Thực phẩm Sao Ta cho biết vùng nuôi, vụ chính đang trong tiến trình thu hoạch tỉa và kéo dài hết tháng 8, sau đó công ty sẽ thả nuôi vụ tiếp theo. Công ty đánh giá vụ này năng suất tốt nhưng giá tôm thương phẩm thấp.
Các kết quả của Thực phẩm Sao Ta hiện đang tốt hơn đáng kể so với mặt bằng chung toàn ngành. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm mang về hơn 1,6 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm chân trắng đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng 3%; tôm sú đạt trên 200 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ.
Hiện nhiều tổ chức tài chính đánh giá hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm nay sẽ hồi phục tích cực khi lạm phát tại các thị trường trọng điểm “hạ nhiệt” rõ rệt và các hoạt động kinh tế dần phục hồi, kích thích nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại.
Tuy nhiên, TPS Research lưu ý, ngành tôm Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức trong thời gian tới, bao gồm rủi ro Mỹ có thể chính thức áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với tôm Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung tôm thế giới vẫn trong trạng thái dư cung.
Ngày 25/3/2024, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ vụ điều tra chống trợ cấp đối với nhiều sản phẩm Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador. Theo đó, từ ngày 1/4/2024, thuế suất áp dụng toàn quốc đối với Ấn Độ là 4,36% và Ecuador là 7,55% và Việt Nam là 2,84%. Đồng nghĩa với việc ngành tôm sẽ phải gánh thêm chi phí trong bối cảnh nhu cầu chưa phục hồi hoàn toàn, điều này sẽ gây áp lực lên sự phục hồi của tôm Việt Nam.
Xem thêm: "Xuất khẩu cá tra “sáng cửa” nửa cuối năm nay" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Dự kiến trong cuối quý 3 hoặc đầu quý 4/2024, các kết luận chính thức sẽ được đưa ra. Với việc Việt Nam có nhiều kinh nghiệm từ các cuộc điều tra, rà soát trước đó và nhiều lần chứng minh không bán phá giá và trợ cấp thành công; đồng thời, giá tôm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ cao hơn đáng kể so với Ecuador, Indonesia và Ấn Độ sẽ mang lại kết quả tích cực cho ngành tôm Việt Nam.
Ngoài ra, việc Mỹ xem xét công nhân Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong thời gian tới sẽ giúp tháo gỡ những rào cản thuế chống trợ cấp với xuất khẩu tôm Việt Nam.
Chia sẻ về vấn đề trên, đại diện Thực phẩm Sao Ta cho biết, để chuẩn bị cho vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm từ Mỹ, công ty đã chuẩn bị tài liệu tốt nhất giải trình cho phía DOC nếu bị yêu cầu. Đồng thời, công ty cũng nộp đơn lên DOC xin làm bị đơn bắt buộc cho vụ kiện chống trợ cấp nhằm tạo an toàn cho công ty và tiếp đoàn kiểm tra của Chính phủ Hoa Kỳ qua kiểm tra Nhà máy Tin An.
Đồng thời, Thực phẩm Sao Ta tập trung khai thác thị trường Nhật Bản, vốn có khoảng cách địa lý gần và ưa chuộng các sản phẩm chế biến vốn là thế mạnh của công ty. Việc chuyển hướng sang khai thác thị trường Nhật Bản giúp Thực phẩm Sao Ta không phải cạnh tranh trực tiếp với tôm giá rẻ của Ecuador tại thị trường Mỹ và EU.