Hiệp hội Môi giới bất động sản quốc gia Mỹ (NAR) vừa cho biết doanh số bán nhà tại Mỹ trong tháng 5/2024 đã giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng thị trường thứ cấp, vốn chiếm phần lớn doanh số giao dịch bất động sản ở quốc gia này, doanh số giảm tới 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân chủ yếu do lãi suất bình quân cho các khoản vay mua nhà tại Mỹ kỳ hạn 30 năm đã lên tới 7,22%/năm vào đầu tháng 5/2024 - mức cao nhất 6 tháng qua. Đến đầu tháng 6 này, lãi suất đã giảm xuống dưới 7%.
Đáng chú ý, lượng bất động sản tồn kho ở Mỹ đã tăng 6,7% lên 1,28 triệu căn trong tháng 5/2024 - mức cao nhất từ tháng 8/2022. NAR nhận định, doanh số bán nhà yếu đã làm giảm số lượng công trình khởi công, cũng như lượng giấy phép xây dựng cấp mới trong tháng trước. Điều này phần nào phản ánh tác động của lãi suất tăng trở lại đã làm mất đà phục hồi của thị trường bất động sản Mỹ.
Trong khi đó, một số tổ chức tài chính lớn hiện nhận định thị trường bất động sản tại Mỹ khó có thể xoay chuyển tình thế cho đến khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất. Năm ngoái, doanh số bán nhà ở Mỹ chỉ khoảng hơn 4 triệu căn - mức thấp nhất trong 28 năm.
Điều này có thể khiến con đường phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp niêm yết trong lĩnh vực xuất khẩu đồ gỗ nội thất, đá nhân tạo của Việt Nam, điển hình là Công ty Cổ phần Vicostone (mã cổ phiếu VCS - sàn HNX).
Công ty Vicostone hiện thuộc top 3 doanh nghiệp hàng đầu thế giới về đá nhân tạo gốc thạch anh cao cấp. Hiện sản phẩm của công ty đang được xuất khẩu đến 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Xuất khẩu đóng góp 90% tổng doanh thu của công ty Vicostone; trong đó, riêng thị trường Mỹ chiếm 80% doanh thu xuất khẩu.
Nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Mỹ yếu đã thể hiện rõ rệt trên kết quả kinh doanh của công ty Vicostone trong thời gian qua. Mặc dù công ty đã duy trì công suất sản xuất các nhà máy ở mức tối ưu nhưng số ngày vòng quay hàng tồn kho trong quý 1/2024 lên tới 301 ngày, so với mức 262 ngày của quý 1/2023. Đồng thời, số ngày vòng quay tiền mặt của công ty đạt 416 ngày, so với 259 ngày của quý 1/2023.
Qua đó phản ánh những khó khăn của công ty Vicostone trong bối cảnh phải nới lỏng chính sách công nợ với các đại lý, nhà nhập khẩu, và duy trì công suất sản xuất ở mức tối thiểu trong bối cảnh thị trường tiêu thụ kém.
Bên cạnh đó, ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch HĐQT Công ty Vicostone cho biết, với áp lực cạnh tranh từ các sản phẩm của Ấn Độ và Trung Quốc, công ty đã phải giảm giá bán trung bình 20% trong giai đoạn 2019 - 2023.
Chủ tịch HĐQT Vicostone đánh giá hiện nay nhu cầu xây dựng không tăng nên triển vọng kinh doanh của công ty sẽ phụ thuộc vào nhu cầu từ hoạt động cải tạo nhà cũ tại Mỹ. Đồng thời, khó lòng kỳ vọng bài toán hiệu quả như giai đoạn trước năm 2019 bởi khi ấy phân khúc cao cấp ít cạnh tranh hơn.
Về chiến lược kinh doanh thời gian tới, ông Hồ Xuân Năng cho biết, công ty sẽ không chạy theo chiến lược giảm giá thay vào đó sẽ đầu tư mạnh vào hoạt động nghiên cứu, chế tạo để tạo lợi thế cạnh tranh đặc biệt, tập trung vào phân khúc cao cấp; đồng thời, ưu tiên duy trì được thị phần và hiệu quả hoạt động của các nhà máy.
Đồng thời, công ty Vicostone sẽ tiến hành việc mua lại Nhà máy sản xuất polyester resin từ tập đoàn mẹ - Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Tập đoàn Phenikka) nhằm tăng mức chủ động nguyên liệu đầu vào lên 95%. Qua đó, tối ưu chi phí đầu vào và cải thiện biên lợi nhuận gộp. Nhà máy này có công suất 25.000 tấn/năm trong giai đoạn 1 và đang hoạt động trên 80% công suất.
Theo ước tính mới đây của hãng chứng khoán KB Securities Vietnam, với động thái trên, biên lãi gộp của công ty Vicostone năm nay có thể đạt 29,5%, cải thiện 47 điểm phần trăm cơ bản so với năm 2023. Ngoài ra, giá đá ốp lát xuất khẩu trung bình hiện đã có tín hiệu tạo đáy xong trong quý 1/2024 và dần phục hồi trở lại.