Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, theo yêu cầu của Chính phủ, trong tháng 7 cần hoàn thiện Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) để báo cáo Chính phủ. Quốc hội cũng đang xem xét để chỉnh sửa chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó bổ sung vào Chương trình cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp đối với dự án Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8 dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới, với điều kiện dự án Luật được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo và có tính đồng thuận cao.
“Do vậy, công tác chuẩn bị của chúng ta là hết sức quan trọng”, Thứ trưởng nhấn mạnh, đề nghị các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đóng góp bổ sung thêm các ý kiến để hoàn thiện Dự thảo, kịp thời gian gửi Bộ Tư pháp thẩm định (dự kiến trong tuần từ ngày 10-14/6/2024).
Trước đó, triển khai quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc lấy ý kiến đối với Dự án luật trong quá trình soạn thảo, Bộ Công Thương đã thực hiện đăng tải toàn văn Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) trên Trang Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương để lấy ý kiến rộng rãi trong thời hạn 60 ngày (từ ngày 29/3/2024); tổ chức hội thảo 3 miền (trong tháng 5/2024) và thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan, tổ chức có liên quan.
Tính đến ngày 30/5/2024, Bộ Công Thương đã gửi văn bản lấy ý kiến tới 139 cơ quan, đơn vị và nhận được 118 văn bản và ý kiến góp ý (1 văn bản của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; 17 văn bản của Bộ, cơ quan ngang Bộ; 59 văn bản của cơ quan cấp tỉnh; 13 văn bản của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương; 27 văn bản của các hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động điện lực và 1 ý kiến trên Cổng thông tin điện tử).
Tại ba hội thảo do Bộ Công Thương tổ chức, đã có 176 đơn vị tham dự và 201 phát biểu đóng góp ý kiến.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến góp ý đối với Dự án Luật Điện lực (sửa đổi), các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Công Thương đã đề xuất dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến.
Dự thảo 2 của Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 107 điều. Các Chương của luật được sắp xếp, bố cục lại cụ thể như sau:
a) Chương I: Quy định chung, gồm 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8).
b) Chương II: Quy hoạch phát triển dự án điện lực và đầu tư xây dựng dự án điện lực, gồm 04 mục với 12 điều:
- Mục 1: Quy hoạch phát triển điện lực, gồm 03 điều (Từ Điều 9 đến Điều 11);
- Mục 2: Đầu tư dự án điện lực, gồm 05 điều (Từ Điều 12 đến Điều 16);
- Mục 3: Lựa chọn nhà đầu tư dự án nguồn điện, lưới điện, gồm 02 điều (Từ Điều 17 đến Điều 18);
- Mục 4: Xử lý các dự án nguồn điện chậm tiến độ, gồm 02 điều (Từ Điều 19 đến Điều 20).
c) Chương III: Phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, gồm 11 điều (từ Điều 21 đến Điều 31).
d) Chương IV. Giấy phép hoạt động điện lực, gồm 08 điều (từ Điều 32 đến Điều 39).
đ) Chương V. Hoạt động mua bán điện, gồm 03 mục:
- Mục 1: Thị trường điện cạnh tranh, gồm 07 điều (từ Điều 40 đến Điều 46);
- Mục 2: Mua bán điện và dịch vụ cung cấp điện, gồm 15 điều (từ Điều 47 đến Điều 61);
- Mục 3: Giá điện gồm 04 điều (từ Điều 62 đến Điều 65).
e) Chương VI: Vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia, gồm 13 điều (từ Điều 66 đến Điều 78).
g) Chương VII: Bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện, gồm 03 mục:
- Mục 1: Bảo vệ công trình điện lực, gồm 08 điều (từ Điều 79 đến Điều 86);
- Mục 2: An toàn điện, gồm 9 điều (từ Điều 87 đến Điều 95);
- Mục 3: An toàn đập, hồ chứa thủy điện (từ Điều 96 đến Điều 101).
h) Chương VIII: Trách nhiệm quản lý nhà nước về điện lực, gồm 02 điều (từ Điều 102 đến Điều 104).
i) Chương IX: Điều khoản thi hành, gồm 03 điều (từ Điều 105 đến Điều 107).