Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Tổ trưởng Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) cho biết, Luật Điện lực năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực năm 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018 và Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự) đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, bảo vệ được lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện lực, đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 3 lần sửa đổi, bổ sung một số điều (năm 2012, năm 2018 và năm 2022), đến giai đoạn hiện nay cần thiết phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Do đó, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ Đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi).
Tại Nghị quyết số 203/NQ-CP ngày 1/12/2023 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2023 nêu rõ, Chính phủ đánh giá cao Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, lập hồ sơ Đề nghị Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với các chỉ đạo của Quốc hội, Chỉnh phủ.
Theo đó, Chính phủ cơ bản thống nhất 6 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật như đề xuất của Bộ Công Thương, bao gồm:
- Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước;
- Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới;
- Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực;
- Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường;
- Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện;
- An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.
Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) theo hướng trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại một kỳ họp (Kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024), trong đó làm rõ tính cấp thiết phải đẩy nhanh quá trình xây dựng, ban hành dự án Luật này theo quy trình một kỳ họp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi), tập trung tối đa nguồn lực, khẩn trương tổ chức soạn thảo dự án Luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng, trình Chính phủ trước ngày 1/7/2024.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật năm 2024 theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngày 6/12/2023, Bộ Công Thương đã có Công văn số 8731/BCT-ĐTĐL gửi Bộ Tư pháp về việc đề nghị đưa dự án Luật Điện lực (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024 kèm theo hồ sơ đề nghị Luật Điện lực (sửa đổi).
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Văn bản số 1111/VPCP-PL ngày 21/02/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc thành lập Ban soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi), ngày 4/3/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 462/QĐ_BCT về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và Quyết định ban hành quy chế hoạt động của Ban soạn thảo Dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Tại cuộc họp lần đầu của Tổ biên tập, đại diện Cục Điều tiết điện lực đã công bố quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và quy chế hoạt động; lấy ý kiến và thông qua bản phân công nhiệm vụ cho các thành viên Tổ biên tập theo nhóm nội dung; thống nhất về cách thức hoạt động của Tổ biên tập như phương thức liên lạc, trao đổi giữa các thành viên và một số nội dung khác. Đồng thời, các thành viên Tổ biên tập đã tham gia góp ý cho Dự thảo 1 Luật Điện lực (sửa đổi).
Sau cuộc họp, Tổ biên tập sẽ khẩn trương hoàn thiện Dự thảo 1 Luật Điện lực (sửa đổi) trên cơ sở các ý kiến góp ý của thành viên trong Tổ, báo cáo Ban soạn thảo triển khai các bước tiếp theo tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật, đảm bảo chất lượng và tiến độ.