Đoàn công tác nhằm thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 3110/QĐ-BCT ngày 30/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và Quyết định số 3376/QĐ-BCT ngày 29/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (các tháng 4, 5, 6, 7) trong năm 2024.
Tham gia đoàn công tác có đại diện Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp thuộc Bộ Công Thương; đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1), Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0).
Tăng cường kỷ luật vận hành, xây dựng các kịch bản nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố
Theo ông Phạm Quang Hòa - Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1), trong các tháng đầu năm 2024, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn, trên lưới PTC1 xuất hiện tình trạng điện áp cao ở phía 500kV và 220kV. Tuy nhiên tình trạng điện áp cao xuất hiện ở phía 220kV giảm thời gian duy trì cũng như giá trị điện áp so với năm 2022 ở khu vực Lào Cai, Tương Dương. Nguyên nhân điện áp cao trong thời gian Tết Nguyên đán Giáp Thìn do phụ tải giảm thấp, công suất phản kháng các đường dây 110kV đấu nối vào trạm biến áp 220kV đẩy ngược qua các MBA 220kV.
Tại khu vực Lào Cai (trạm 500kV và 220kV) xuất hiện điện áp cao còn do khu vực có nhiều các đường dây 110kV, 220kV mang tải thấp sinh ra lượng Q tự nhiên lớn.
Bên cạnh đó dự án mạch 3 đường dây 500kV hiện nay đã đóng điện đấu nối đến trạm 500kV Vũng Áng, trong khi dự án lắp kháng bù ngang để tối ưu lượng bù công suất sau khi đóng điện mạch 3 tại Vũng Áng vẫn chưa đóng điện làm cho điện áp lưới điện phía 500kV cao.
Để chuẩn bị cung ứng điện mùa khô năm 2024, PTC1 đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lập và thực hiện phương án ngăn ngừa, giảm sự cố, giảm tổn thất điện năng cho từng đường dây và từng trạm biến áp; quán triệt chỉ đạo của EVN và EVNNPT về quản lý vận hành lưới điện truyền tải và việc triển khai công tác đảm bảo điện đặc biệt đảm bảo vận hành mạch 500kV Trung Bắc.
Tính đến ngày 20/2/2024, PTC1 đã thực hiện được 8031/11946 hạng mục thí nghiệm định kỳ năm 2024, đạt 67,23% và dự kiến sẽ thực hiện hoàn thành trước tháng 6/2024.
PTC1 đã đưa vào kế hoạch sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn bảo dưỡng thiết bị nhất thứ như MBA, MC, DCL…theo yêu cầu của nhà sản xuất. Chủ động phối hợp với Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Truyền tải điện (NPTS) kiểm soát tình trạng vận hành MBA thông qua kết quả thí nhiệm định kỳ, kết quả giám sát hàm lượng khí trong dầu, sớm đưa ra biện pháp ngăn ngừa sự cố MBA. Triển khai lắp lèo phụ tại tại các vị trí xung yếu, đầu cực dao, Pooctic đầu trạm… đến thời điểm hiện tại toàn bộ các vị trí có nguy cơ phát nhiệt cơ bản đều đã được lắp lèo phụ, kết hợp vệ sinh các điểm tiếp xúc.
Đối với tụ bù ngang năm 2024, PTC1 cho biết sẽ phối hợp với Ban Quản lý dự án truyền tải điện (NPTPMB) thực hiện dự án lắp đặt 8 giàn tụ bù ngang tại các TBA 220kV Long Biên, Kim Động, Vĩnh Tường, Hải Hà, Thanh Nghị, Quang Châu, Yên Mỹ, Bắc Ninh 3 với tổng dung lượng là 375MVAr. Đồng thời, rà soát vật tư thiết bị dự phòng để nâng dung lượng các bộ tụ 110kV đang vận hành tại TBA 220kV Vân Trì, Mai Động và dự kiến hoàn thành trước 30/4/2024.
PTC1 cũng đã tổ chức rà soát, thống kê chi tiết vật tư dự phòng theo chủng loại để sẵn sàng đáp ứng khi có yêu cầu, đảm bảo điều động đặt dự phòng tại các vị trí xung yếu trên cung đoạn Trung - Bắc hoàn thành trước 15/4/2024. Triển khai điều động, vận chuyển các MBA cần thiết trong tháng 3/2024.
Để vận hành lưới điện Trung - Bắc nhằm đảm bảo cấp điện cho miền Bắc mùa khô năm 2024, PTC1 đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, triển khai thực hiện nhiều giải pháp trong đợt cắt điện cuối năm 2023 và đầu năm 2024 đường dây 500kV Vũng Áng - Hà Tĩnh – Nghi Sơn – Nho Quan - Thường Tín. Toàn bộ các vị trí xung yếu, đầu cực dao cách ly, lèo pooctic đầu trạm biến áp cung đoạn Trung - Bắc tại các TBA 500kV Vũng Áng, Hà Tĩnh, Nho Quan, Thường Tín đã được lắp bổ sung lèo phụ để tăng cường khả năng dẫn dòng và ngăn ngừa phát nhiệt.
Đối với mạch sa thải đặc biệt theo công suất chiều Bắc - Nam cung đoạn Hà Tĩnh - Đà Nẵng/Vũng Ánh tại Hà Tĩnh và thiết lập mạch sa thải đặc biết đáp ứng yêu cầu dự phòng đúp trên lưới điện truyền tải theo cả 2 chiều Nam - Bắc, Bắc - Nam, PTC1 đã hoàn thành đưa vào vận hành vào ngày 6/1/2024.
Đối với dự án thay thế bộ phận dẫn dòng cho các dao cách ly tại TBA 500kV Nho Quan, Hà Tĩnh, Vũng Áng, dự kiến đầu tháng 4/2024 có vật tư thiết bị PTC1 sẽ thực hiện thay thế.
Liên quan đến các tụ bù dọc tại các TBA, PTC1 đã thực hiện lắp bổ sung khung định vị sứ xuyên của các tụ bù dọc, đã thực hiện vệ sinh, kiểm tra siết chặt các đầu cốt, kiểm tra mạch dòng, thiết bị trên sàn tụ và tủ bảng nhất nhị thứ, cáp quang trong tháng 12/2023 và tháng 1/2024, đến thời điểm hiện tại đảm bảo vận hành. Hiện tại PTC1 đang dự phòng 30 bình tụ (đã phối hợp NPTS kiểm tra, thí nghiệm đảm bảo sẵn sàng đưa vào vận hành khi cần thiết); đang thực hiện mua sắm card PFOI và GFOI để phục vụ công tác vận hành.
Tuy nhiên, đại diện các đơn vị truyền tải cho rằng, còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra như thời tiết miền Bắc có đặc điểm rất khắc nghiệt, địa hình quản lý phức tạp; nhiều đường dây và TBA vận hành đầy tải và quá tải, có tình trạng điện áp cao/điện áp thấp trên lưới điện; phương thức vận hành bất lợi trong điều kiện miền Bắc thiếu nguồn phải huy động từ miền Trung, miền Từ đó, các bên đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để đảm bảo vận hành an toàn lưới truyền tải điện, góp phần đảm bảo cung ứng điện mùa khô và cả năm 2024.
Nhấn mạnh vai trò của công tác truyền tải đối với việc đảm bảo cung cấp điện, Phó Cục trưởng Nguyễn Thế Hữu đề nghị PTC1, Truyền tải điện Hòa Bình và các đơn vị truyền tải quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN, thực hiện một cách tích cực và hiệu quả các giải pháp nhằm đảm bảo vận hành an toàn lưới điện truyền tải, đặc biệt là cho mùa khô năm 2024, các tháng cao điểm 4, 5, 6, 7, 8.
Lực lượng vận hành cần quán triệt kỷ luật vận hành và tăng cường công tác đào tạo, diễn tập, thao tác xử lý sự cố nhằm không để xảy ra những sự sự cố do bản thân người vận hành, đặc biệt là trong những giai đoạn sửa chữa, lắp đặt mới, bổ sung thiết bị dẫn tới thay đổi phương thức vận hành và cần sử dụng các sơ đồ tạm thời, có thêm người tham gia vào công tác giám sát, vận hành, có nguy cơ xảy ra sai sót nhiều hơn.
Đồng thời, cần có giải pháp tăng cường lực lượng ứng trực gắn với tăng cường trách nhiệm trong giám sát, vận hành lưới điện. Rà soát lại phương thức vận hành để tính toán các kịch bản tình huống, phòng ngừa, hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố trong hệ thống.
Bên cạnh việc dự phòng vật tư, trang thiết bị, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cũng đề nghị PTC1 và các đơn vị truyền tải xây dựng kịch bản về xử lý sự cố để đào tạo, diễn tập cho đội ngũ trực vận hành, đặc biệt tại những vị trí xung yếu như TBA 500kV Hòa Bình.
Đối với vấn đề vi phạm hành lang tuyến, các đơn vị điện lực tăng cường kiểm tra các tuyến đường dây và hành lang an toàn lưới điện, phối hợp với địa phương đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp theo Công điện số 441/CĐ-TTg ngày 22/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.
Đối với công tác đầu tư xây dựng, cần sớm kiến nghị bổ sung tăng công suất của máy biến áp tại TBA 500kV Hòa Bình, góp phần phát huy hiệu quả trong lâu dài, tăng cường hỗ trợ của lưới 500kV huy động từ miền Nam, miền Trung ra miền Bắc để giảm áp lực cho các nhà máy điện miền Bắc, dự trữ cho giai đoạn cao điểm mùa nắng nóng.
Chủ động phương án vận hành linh hoạt, hiệu quả nhà máy thủy điện Hòa Bình
Đối với thủy điện Hòa Bình, báo cáo tại buổi làm việc cho thấy năm 2023 tình hình thủy văn trên lưu vực sông Đà diễn biến hết sức bất thường, đầu mùa lũ thời tiết nắng nóng kéo dài làm mực nước nhiều hồ chứa thủy điện bậc thang trên Sông Đà về dưới mực nước chết, thủy diện Hòa Bình phải phát điện cầm chừng, giữ cột áp nhằm đảm bảo dự phòng sản lượng và công suất cho hệ thống. Tổng lượng nước về hồ Hòa Bình cả năm 2023 đạt 34,83 tỷ m3, chỉ bằng 64% so cùng kỳ TBNN, mực nước hồ Hòa Bình đến 31/12 đạt ở mức 117m.
Nhà máy luôn thực hiện đúng phương thức huy động tổ máy và công suất; đáp ứng yêu cầu duy trì ổn định vận hành hệ thống điện (về điều tần, chạy bù đồng bộ điều chỉnh điện áp...). Hệ thống thiết bị được vận hành tuân thủ theo đúng quy trình, quy phạm hiện hành. Các khiếm khuyết thiết bị, hiện tượng bất thường được phát hiện và xử lý kịp thời. Các tổ máy thủy điện Hòa Bình luôn đáp ứng yêu cầu về độ sẵn sàng.
2 tháng đầu năm 2024, Thủy điện Hòa Bình đã thực hiện 2 đợt phát điện tăng cường xả nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2024 khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc bộ, với tổng lưu lượng nước xả xuống hạ du 1,426 tỷ m3. Các tổ máy vận hành an toàn ổn định theo yêu cầu của điều độ, không có sự cố, sản lượng phát 2 tháng là 585,5 triệu kWh. Dù vậy, do phải giữ nước đảm bảo cung cấp điện mùa khô năm 2024 nên việc tuân thủ quy định về lượng nước xả xuống hạ du có một số ngày không đảm bảo yêu cầu. Mực nước thượng lưu tính đến 13h ngày 1/3 là 113,74m.
Trước những dự báo về khó khăn trong công tác cung ứng điện năm 2024, lãnh đạo Thủy điện Hòa Bình cho biết sẽ thực hiện đúng phương thức làm việc các tổ máy, bảo đảm công suất và sản lượng huy động theo yêu cầu của hệ thống; theo dõi, vận hành các hệ thống thiết bị tuân thủ đúng quy trình, quy phạm và hướng dẫn của nhà chế tạo. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch Tập đoàn giao, trong đó chỉ tiêu điện sản xuất là 9.226 triệu kWh.
Công tác sửa chữa bảo dưỡng các thiết bị tổ máy trước mùa lũ sẽ được hoàn thành trước 30/4/2024, bao gồm SCL tổ máy H1, H2; tiểu tu tổ máy H3, H7, H8; Kiểm tu hàn nứt BXCT tổ máy H4. ii) Sửa chữa bảo dưỡng sau mùa lũ: Đại tu thay BXCT, thay cáp dầu 220kV tổ máy H4; SCL thay cáp dầu 220kV tổ máy H6; tiểu tu tổ máy H5.
Hoàn thành SCL cụm van xả tràn vận hành số 3,4; tiểu tu cụm van xả tràn vận hành số 1, 2, 5, 6 trước 31/5/2024. Các thiết bị 220kV tuyến tổ máy được thực hiện sửa chữa bảo dưỡng theo kế hoạch của tổ máy; tiểu tu 12 máy cắt nối thanh cái xong trước 31/5/2024; các thiết bị còn lại thực hiện sau mùa lũ 2024.
Ngoài ra, Thủy điện Hòa Bình đã thực hiện tốt các quy định, quy trình phối hợp sửa chữa giữa Công ty và EVNPSC. Tổ chức lực lượng kỹ thuật bảo đảm yêu cầu công tác giám sát, nghiệm thu sửa chữa, do đó đảm bảo các thiết bị sau sửa chữa vận hành an toàn, tin cậy, rút ngắn thời gian sửa chữa. Phối hợp cùng điều độ A0, A1 bố trí phương thức vận hành tối ưu, đảm bảo chế độ làm việc các tổ máy trong giới hạn định mức và đáp ứng ổn định vận hành hệ thống; duy trì dòng chảy tối thiểu trong mùa cạn theo đúng Quy trình.
Bên cạnh đó, duy trì việc phối hợp với Ban quản lý dự án điện 1 theo dõi ảnh hưởng của thi công dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng đến công trình hồ đập hiện hữu. Thực hiện đầy đủ các nội dung quan trắc tình trạng công trình.
Ghi nhận những nỗ lực của thủy điện Hòa Bình thời gian qua, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu cho rằng việc vận hành thủy điện Hòa Bình năm 2024 sẽ khác biệt với các năm trước đây, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo cung cấp điện, việc điều tiết hồ chứa Hòa Bình và các hồ thủy điện khác sẽ có nhiều thay đổi, sẽ xuất hiện những vướng mắc, do đó cần có hướng xử lý chủ động, linh hoạt đối với các vấn đề thực tiễn đặt ra.
Thứ nhất, liên quan đến vấn đề đảm bảo nước cho hạ du, cần phối hợp chặt chẽ hơn với địa phương để từ phía địa phương có giải pháp chủ động điều chỉnh lịch sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của hạ du nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu giữ nước cho sản xuất điện. Trên cơ sở thống nhất với địa phương, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có các điều chỉnh cần thiết, trong đó đảm bảo tuân thủ các quy định, quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa.
Thứ hai, chủ động hơn trong triển khai công tác sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị để đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả nhà máy.
“Nếu ở các năm trước đây, một vài sự cố có thể không ảnh hưởng đến tổng thể chung công tác cấp điện. Nhưng năm 2024 này, với tình hình mực nước không khả quan, nếu 1, 2 tổ máy gặp sự cố trong thời điểm cần huy động cao thì nhà máy sẽ gặp khó khăn ngay lập tức”, Phó Cục trưởng Nguyễn Thế Hữu nhấn mạnh.
Do đó, Thủy điện Hòa Bình cần tích cực rà soát, kiểm tra thiết bị nhà máy, chủ động làm việc với các nhà thầu để nâng cao khả năng phát điện của các tổ máy, rút ngắn thời gian bảo dưỡng, sửa chữa, đảm bảo vận hành an toàn, ổn định liên tục.
Thứ ba, đối với dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, việc hạ mực nước sẽ ảnh hưởng đến công tác vận hành của cả một mùa khô, cũng tức là sẽ ảnh hưởng đến việc vận hành của cả năm 2025, khi phối hợp với mục tiêu cung cấp điện của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0). Vì vậy, cần thường xuyên trao đổi với Ban Quản lý dự án, EVN, A0 và chủ động xây dựng, đề xuất các kế hoạch vận hành phù hợp.
Thứ tư, do diễn biến thủy văn hết sức phức tạp và khó lường, không loại trừ trường hợp sẽ xảy ra lũ cao khi bước vào mùa lũ, do đó Thủy điện Hòa Bình cần chủ động chuẩn bị các phương án thiết bị, đội ngũ vận hành, đảm bảo sẵn sàng hoạt động của tổ máy và phương án xử lý sự cố.
Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cũng đề nghị EVN đốc thúc việc mua sắm thiết bị, tránh để ra trường hợp không đủ thiết bị để thay thế, sửa chữa các tổ máy kịp thời. Đề nghị A0 rà soát việc đáp ứng tần số sơ cấp của các nhà máy trong hệ thống điện, làm việc với các nhà máy để đảm bảo trách nhiệm của các nhà máy tham gia vào hệ thống, giảm tải áp lực cho các thủy điện đa mục tiêu như Hòa Bình, Sơn La, Ialy,…
“Hy vọng trong mùa mùa khô sắp tới cũng như cả năm 2024, các nhà máy điện sẽ chủ động hơn nữa, tích cực hơn nữa và và thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN để vận hành hệ thống an toàn, đáp ứng mục tiêu cung cấp điện ổn định cho kinh tế - xã hội”, Phó Cục trưởng Nguyễn Thế Hữu bày tỏ.
Ngày 5/3/2024, đoàn công tác của Cục Điều tiết điện lực sẽ tiếp tục chương trình đến làm việc và kiểm tra thực tế tại nhà máy Thủy điện Sơn La.