Từ năm 2019, để nắm bắt các cơ hội từ chính sách ưu đãi phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã cổ phiếu HDG - sàn HoSE) đã đẩy mạnh chuyển hướng từ hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng và bất động sản và lĩnh vực này.
Tính đến hiện tại, tập đoàn này đang vận hành 5 nhà máy thủy điện, 2 nhà máy điện mặt trời và 1 nhà máy điện gió với tổng công suất thiết kế là 460 MW. Các dự án của Tập đoàn Hà Đô đều ghi nhận suất đầu tư thấp hơn trung bình ngành.
Tuy nhiên, theo đánh giá mới đây của VNDirect Research, mặc dù hai dự án nhà máy điện mặt trời của Tập đoàn Hà Đô, gồm Hồng Phong 4 (48 MWp) và SP Infra 1 (50 MWp), đều đang đạt hiệu suất hoạt động cao nhưng cả hai dự án này đều đối diện rủi ro điều chỉnh giá bán.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, cả hai dự án này đều gặp mắc các sai phạm pháp lý.
Cụ thể, Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4 tại huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận được xây dựng trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia mà không có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ theo quy định. Đối với Nhà máy điện mặt trời SP Infra 1 tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, dự án này được xác định không đủ điều kiện hưởng giá FiT 1. Hiện Tập đoàn Hà Đô nắm giữ 100% vốn tại cả hai dự án trên.
Theo chia sẻ của đại diện Tập đoàn Hà Đô, dự án Hồng Phong 4 sẽ phải điều chỉnh giảm giá bán điện, ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính. Tuy nhiên, Tập đoàn Hà Đô nhấn mạnh dự án sẽ không buộc phải di dời và đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn đang hoạt động bình thường. Tập đoàn hiện đang chờ phương án xử lý từ các cơ quan chức năng.
VNDirect Research hiện nhận định giá bán điện dự kiến của dự án SP Infra 1 sẽ được các cơ quan chức năng điều chỉnh giảm mạnh khoảng 24%, từ 9,35 cent/kWh xuống còn 7,09 cent/kWh từ năm 2025 trở đi.
Trong khi đó, theo đánh giá thận trọng của MBS Research, giá bán điện của dự án này có thể được áp dụng theo khung chuyển tiếp là 5,1 cent/kWh từ năm 2025 trở đi.
Tuy nhiên, nhóm phân tích của VNDirect Research đánh giá diễn biến giá cổ phiếu HDG của Tập đoàn Hà Đô trên thị trường chứng khoán trong thời gian qua đã phản ánh quá mức đối với thông tin vi phạm của hai dự án điện mặt trời trên. Hiện cả hai dự án điện mặt trời nêu trên dự kiến tiếp tục ghi nhận sản lượng cao, đạt 92% - 93% sản lượng thiết kế trong năm nay.
Đối với mảng điện gió, công suất turbine tại dự án Nhà máy điện gió 7A (50 MW) tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận của Tập đoàn Hà Đô được kỳ vọng sẽ cải thiện tích cực trong những năm tới đây. Sản lượng tại dự án này trong năm 2023 đã tăng 23% so với năm 2022 khi các sự cố kỹ thuật được khắc phục.
Dự kiến tỷ lệ công suất sử dụng turbine tại dự án 7A sẽ tăng từ mức 73,7% trong năm 2023 lên 77,4% trong năm nay, và đạt 81,2% vào năm 2025. Qua đó, giúp doanh thu mảng điện gió của Tập đoàn Hà Đô năm nay tăng thêm 5,4% so với năm 2023, theo VNDirect Research.
Đại diện Tập đoàn Hà Đô cho biết, tập đoàn sẽ tập trung đánh giá việc phát triển 5 dự án điện gió đã có trong Quy hoạch Điện VIII, gồm: Ea H'leo (20 MW) tại tỉnh Đắk Lăk, Phước Hữu (50 MW) tại tỉnh Ninh Thuận, Hướng Phùng (30 MW) tại tỉnh Quảng Trị, Sóc Trăng (40 MW) và dự án điện gió lớn An Phong (300 MW).
Hiện Tập đoàn Hà Đô vẫn duy trì mục tiêu nâng công suất điện trong giai đoạn 2025 - 2030 lên gấp đôi so với mức công suất hiện tại là 462 MW. Đối với dự án Phước Hữu, Trong trường hợp mức giá cho năng lượng tái tạo mới được ban hành trong năm nay ở mức “đủ khả thi”, dự án sẽ được triển khai ngay sau đó, đại diện Tập đoàn Hà Đô cho biết
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 1/3, thị giá cổ phiếu HDG đạt 28.400 đồng/cổ phiếu.