Chiều ngày 12/4/2024, tại Hà Nội, Ban soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi) tổ chức Hội nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập góp ý dự thảo 2 Luật Điện lực (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi) chủ trì Hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và đại diện các Bộ, ngành, tổ chức, viện nghiên cứu, hiệp hội, doanh nghiệp và chuyên gia là thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi) cho biết, Luật Điện lực (sửa đổi) đã được Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2024. Theo đó Luật sẽ được đưa ra thảo luận, đóng góp ý kiến lần 1 vào kỳ họp tháng 10 năm nay và dự kiến sẽ thông qua vào tháng 5/2025.
Với kế hoạch như vậy, Chính phủ đã đồng ý và Bộ Công Thương cũng đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập và đã tiến hành xây dựng bản sơ thảo, đồng thời họp phiên thứ nhất của Ban soạn thảo, Tổ biên tập vào ngày 15/3/2024.
Trong hai tuần, thường trực Ban biên soạn, Tổ biên tập đã nỗ lực tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tại phiên họp thứ nhất và đã hoàn thành bản dự thảo lần 1, chính thức đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương từ ngày 29/3/2024 đến nay được gần nửa tháng.
"Theo kế hoạch đến ngày 29/5 chúng ta sẽ hoàn thành 60 ngày lấy ý kiến theo quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật và có thể tổng hợp tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân, các đối tượng chịu tác động để hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định", Bộ trưởng cho biết.
Sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, dự thảo Luật sẽ trình Chính phủ thông qua và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội theo kế hoạch.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: "Nội dung phiên họp lần thứ hai tiếp tục thảo luận làm sâu sắc thêm những nội dung cần có trong dự thảo sửa đổi, nhất là chương về năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Đây là một nguồn điện chưa được cụ thể trong Luật Điện lực hiện hành, kể cả Luật Điện lực (sửa đổi) vừa qua mới chỉ sửa đổi ở chương liên quan đến vấn đề truyền tải. Ở lần sửa đổi một cách toàn diện Luật Điện lực này, chương về năng lượng tái tạo sẽ phải được thể hiện đậm nét nhất bởi vì đó là xu hướng tất yếu của thế giới, cũng đồng thời là một giải pháp để Việt Nam có thể đạt được trung hòa carbon vào năm 2050 theo cam kết của Hội nghị COP 26".
Bên cạnh đó, hàng loạt những vấn đề phải tiếp tục thảo luận như: cơ chế giá, giá thành điện năng, phát triển năng lượng tái tạo thế nào để bảo đảm đạt trung hòa carbon nhưng phải cân đối hệ thống điện quốc gia…
Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Thành viên Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật Điện lực (sửa đổi) báo cáo các công việc đã triển khai theo kết luận tại cuộc họp lần thứ nhất của Ban soạn thảo và giới thiệu tổng quan về Dự thảo 2 của Luật Điện lực (sửa đổi).
Ông Hòa cho biết, sau khi có sự thống nhất và chỉ đạo của Ban soạn thảo, Bộ Công Thương đã xây dựng Kế hoạch triển khai và tổ chức các cuộc họp của Ban soạn thảo theo quy định.
Theo Kế hoạch, Ban soạn thảo sẽ tổ chức 5 hội nghị chính với những nội dung cụ thể. Sau hội nghị lần 2 này, dự kiến Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tổ chức 3 hội nghị tiếp theo, dự kiến từ ngày 27 đến ngày 31/5/2024 Ban soạn thảo sẽ họp lần thứ 3 để tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý về dự thảo 2; cuộc họp lần thứ 4 nhằm tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Tư pháp để hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng từ 17 đến 21/6/2024. Cuộc họp cuối cùng để tiếp thu, giải trình đối với các ý kiến góp ý của các thành viên Chính phủ dự kiến sẽ được tổ chức trong tháng 7/2024 sau khi đã có ý kiến của Chính phủ.
Thực hiện Chương trình công tác của Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Tổ biên tập đã họp và thống nhất chia thành ba nhóm theo lĩnh vực chuyên môn gồm 03 đầu mối là 03 đơn vị thuộc Bộ Công Thương là trưởng nhóm. Cụ thể, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo là Trưởng nhóm liên quan đến đầu tư phát triển điện lực và năng lượng chế tạo, quy hoạch; Nhóm về giá điện và thị trường điện lực vận hành hệ thống điện cấp phép do Cục Điều tiết điện lực là Trưởng nhóm và Nhóm về an toàn điện, an toàn hồ thủy điện, an toàn môi trường do Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp là Trưởng nhóm.
Về tiếp thu những ý kiến góp ý của thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập và các đơn vị có liên quan đến dự thảo, ông Trần Việt Hòa cho biết, tính đến ngày 20/3/2024, Tổ biên tập đã nhận được 19 văn bản góp ý từ các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội, địa phương, các doanh nghiệp… với tổng số 367 ý kiến. Nội dung các góp ý chủ yếu tập trung vào các vấn đề: Quy định chung; Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; mua bán điện và dịch vụ cung cấp điện theo hợp đồng; giá điện; vận hành và điều độ hệ thống điện quốc gia; an toàn điện và an toàn hồ chứa thủy điện…
Đến nay, Ban soạn thảo đã tiếp thu và hiệu chỉnh nội dung 218 ý kiến; đề nghị giữ nguyên như dự thảo hoặc có phản hồi làm rõ đối với 138 ý kiến; 11 ý kiến đang được nghiên cứu để tiếp tục có hướng tiếp thu, giải trình và làm rõ.
Đại diện các nhóm biên tập đã báo cáo các nội dung tại Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) về chuyên đề Quy hoạch - đầu tư phát triển điện lực và chuyên đề Điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; chuyên đề An toàn Điện và an toàn đập, hồ chứa thủy điện; đồng thời đề xuất các ý kiến với Ban soạn thảo Dự thảo Luật liên quan tới các nội dung này.
Tại phiên thảo luận của Hội nghị, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu thảo luận xung quanh các nội dung của Dự thảo Luật, bao gồm: Quy hoạch đầu tư phát triển điện lực; phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới; An toàn điện, an toàn hồ chứa đập thủy điện;…
Các đại biểu, chuyên gia đại diện các cơ quan Bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam… đã đóng góp trực tiếp nhiều ý kiến liên quan tới các vấn đề: vai trò của điện lực là cơ sở hạ tầng; những vấn đề đặc thù trong đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới; cơ cấu thành phần giá trong hợp đồng mua bán điện; nghiên cứu cơ chế thưởng phạt đối với tiến độ xây dựng công trình điện; tính toán giá 2 thành phần với dự án nguồn điện; giảm bớt tối đa thủ tục về giấy phép điện lực; làm rõ nội dung kiểm định an toàn thiết bị điện…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Hoàng An - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhận định dự thảo phiên bản 2 rất dày dặn với 94 điều, bao gồm cả điều khoản trực tiếp và đã tuân thủ, bám tương đối sát theo chính sách đã đề xuất.
Góp ý thêm cho dự thảo 2, ông Đặng Hoàng An đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập làm rõ hơn, sâu hơn về các vấn đề, nội dung lớn như: đầu tư các công trình, nguồn và lưới điện; vấn đề về các dự án chuỗi.
Vấn đề thứ ba về Tiết kiệm điện, ông Đặng Hoàng An kiến nghị cần giữ lại nội dung này trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) và cần làm sâu sắc thêm nội dung theo hướng có chế tài, quy định lượng hóa được các quy định liên quan. Vấn đề thứ tư về phát triển năng lượng tái tạo; vấn đề thứ năm là giá điện.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết việc lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được tiến hành thông qua các hội nghị, phiên họp của Ban soạn thảo, Tổ biên tập kết hợp lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, ngành hàng, ý kiến của các đối tượng chịu tác động của Luật, tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận của nhân dân.
Bộ trưởng đề nghị đại diện các bộ ngành là thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tham gia đóng góp ý kiến vừa với tư cách thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Luật vừa thể hiện trách nhiệm đại diện cho ngành, lĩnh vực tham gia ý kiến về dự thảo Luật.
"Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp thu ngay và xác đáng những ý kiến đóng góp, thể hiện trong dự thảo lần 2; chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng những vấn đề, nội dung tham chiếu trước khi gửi dự thảo Luật cho Bộ Tư pháp thẩm định", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý.
Dự thảo 2 Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 94 điều.
Chương I. Quy định chung bao gồm 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8);
Chương II. Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực bao gồm 04 mục với 14 điều
Chương III. Phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới bao gồm 05 điều (từ Điều 23 đến Điều 27).
Chương IV. Giấy phép hoạt động điện lực bao gồm 08 điều (từ Điều 28 đến Điều 35)
Chương V. Hoạt động mua bán điện ( từ Điều 36 đến Điều 60)
Chương VI. Vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia bao gồm 12 điều (từ Điều 61 đến Điều 72)
Chương VII. Bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện (từ Điều 73 đến Điều 89)
Chương VIII. Trách nhiệm quản lý nhà nước về điện lực gồm 02 điều (Điều 90 và Điều 91).
Chương IX. Điều khoản thi hành gồm 03 điều (Điều 92, 93 và Điều 94).