Nhiều yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng Luật điện lực (sửa đổi)
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi) cho biết, triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã xây dựng chương trình và kế hoạch hành động cụ thể, trong đó có việc ban hành Quy hoạch điện VIII.
Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030 tổng công suất đặt toàn hệ thống đạt khoảng hơn 150.000 MW, gấp đôi so với công suất đặt hiện nay; đến năm 2050 tổng công suất đạt khoảng 256.000MW, gấp gần 4 lần so với hiện nay.
Trong khi đó, Việt Nam cũng đã có tuyên bố chính thức về mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Như vậy, thách thức đối với ngành điện nói riêng và ngành năng lượng nói chung của Việt Nam trên lộ trình đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vừa nằm ở việc phát triển quy mô các nguồn điện, vừa ở việc cơ cấu lại các nguồn điện đảm bảo mục tiêu Net Zero năm 2050.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, việc xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) là nhiệm vụ quan trọng, vừa phải phát huy được những thành tựu đã đạt được trong quá trình thực thi Luật Điện lực thời gian qua, vừa phải cập nhật được tinh thần mới theo quan điểm của Đảng được nêu tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; đồng thời thể hiện được cam kết của Việt Nam với quốc tế hướng đến mục tiêu trung hòa carbon thông qua các nội dung liên quan đến năng lượng mới, năng lượng sạch, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
Giải quyết các vấn đề cũ còn tồn tại
Theo Tổ Biên tập Luật Điện lực (sửa đổi), trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành, Bộ Công Thương nhận thấy một số nội dung của Luật Điện lực 2004 đã không còn phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia có một số vướng mắc trong triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện.
Luật Điện lực được ban hành từ năm 2004 tại thời điểm mà nguồn điện năng lượng tái tạo còn ít, chưa có, thậm chí không phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Do đó, quy định tại Luật Điện lực về phát triển năng lượng tái tạo còn sơ sài; chưa thể hiện được chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 55-NQ/TW và luật hóa các cam kết của Chính phủ tại COP 26 và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới về phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo.
Các quy định về thủ tục hành chính cần tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng tối đa yêu cầu của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với yêu cầu quản lý trong môi trường công nghệ số cần sửa đổi, bổ sung để tăng cường tính chuyên nghiệp, minh bạch và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.
Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng việc triển khai cấp độ về thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, cơ chế giá điện theo thị trường.
Việc quản lý, vận hành hệ thống điện quy định tại Luật Điện lực 2004 chưa đầy đủ và chưa phù hợp với hiện trạng cũng như định hướng ngành điện lực Việt Nam
Luật Điện lực hiện hành chưa có quy định cụ thể về kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện, quản lý vận hành công trình thủy điện; quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện còn quy định ở các văn bản quy phạm khác, chưa đáp ứng được tính đặc thù chuyên ngành điện.
Do vậy, để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về phát triển các ngành năng lượng, trong đó có điện lực, khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Điện lực năm 2004, việc sửa đổi toàn diện Luật Điện lực năm 2004 là rất cần thiết.
6 nhóm chính sách định hướng
Để giải quyết 6 nhóm vấn đề khó khăn, vướng mắc nêu trên, Bộ Công Thương đề xuất 6 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi).
Chính sách 1: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước
Xây dựng một số quy định có tính nguyên tắc chung về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực, tránh chồng chéo và đảm bảo tính thống nhất với các quy định về quy hoạch, đầu tư, đất đai,...
Chính sách 2: Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới
Xây dựng 01 Chương tại Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng mới, điện năng lượng tái tạo: Khuyến khích phát triển NLTT nói chung, điện NLTT có quy mô nhỏ, tiêu thụ tại chỗ, cho mục đích tự sử dụng, tự sản và tự tiêu; quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn không qua lưới điện quốc gia; sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trong Luật Đầu tư làm cơ sở thực hiện điện gió ngoài khơi, đề xuất quy định thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với một số dự án và tăng cường phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án trên địa bàn.
Chính sách 3: Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực
Quy định điều kiện chung về cấp giấy phép hoạt động điện lực (mang tính bắt buộc với tất cả các loại hình); các trường hợp miễn trừ giấy phép và thu hồi giấy phép hoạt động điện lực tại Luật Điện lực (sửa đổi); giao Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện cấp giấy phép đối với từng loại hình hoạt động điện lực; hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, thu hồi và miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực phù hợp với từng thời kỳ phát triển.
Chính sách 4: Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường
Bổ sung quy định về giá điện hai thành phần; quy định về việc không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền theo định hướng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW, thực hiện chính sách giá điện công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực; bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện; bổ sung quy định về áp dụng hợp đồng kỳ hạn là một hình thức dịch vụ tài chính phái sinh khi mua bán điện trên thị trường điện lực cạnh tranh và không thuộc đối tượng chịu VAT; sửa đổi chính sách giá điện nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia; việc mua bán điện với nước ngoài; sửa đổi quy định về thẩm quyền điều hành giá điện.
Chính sách 5: Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện
Quy định về vận hành, điều hành hệ thống điện, các quy định kỹ thuật trong hệ thống điện Việt Nam. Quy định về quản lý nhu cầu điện và thực hiện điều chỉnh phụ tải theo yêu cầu của hệ thống điện và đáp ứng mục tiêu tiết kiệm điện.
Chính sách 6: An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện
Bổ sung quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị điện, dụng cụ điện; sửa đổi các quy định về nội dung quản lý sử dụng điện an toàn trong sinh hoạt, dịch vụ; bổ sung quy định về an toàn công trình điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới; bổ sung quy định về công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và giai đoạn vận hành.
Các nội dung này được thể hiện rõ tại 9 Chương, 89 Điều của Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết đề cương Luật Điện lực (sửa đổi) về cơ bản đã được các thành viên Ban soạn thảo thông qua. Bộ trưởng giao Tổ Biên tập tiếp nhận, tổng hợp và thực hiện, tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo để hoàn thiện dự thảo Luật, sớm đăng tải lấy ý kiến rộng rãi vào cuối tháng 3/2024. Trên cơ sở nội dung Dự thảo 1 đã hoàn thiện, khẩn trương xây dựng Dự thảo Tờ trình Chính phủ, đồng thời tiếp tục tổ chức hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học và hoàn thiện Dự thảo 2 Luật Điện lực (sửa đổi).