Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản
Ngày 24/8, Chính phủ Trung Quốc đã có thông báo chính thức về việc cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm thuỷ sản từ Nhật Bản trong bối cảnh Nhật Bản bắt đầu xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima ra Thái Bình Dương. Trung Quốc cũng không nêu rõ hiện lệnh cấm nhập khẩu này sẽ kéo dài đến thời gian nào.
"Quyết định nhằm ngăn chặn toàn diện các rủi ro an toàn thực phẩm do ô nhiễm phóng xạ từ nước thải hạt nhân Fukushima gây nên. Chúng tôi bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng Trung Quốc và đảm bảo an toàn cho thực phẩm nhập khẩu”, Cơ quan Hải quan Trung Quốc nêu rõ.
Trước đó, Chính phủ Trung Quốc đã cấm nhập khẩu thực phẩm từ 10 trên 47 tỉnh Nhật Bản kể từ tháng 7/2023. Theo Văn phòng Thống kê Nhật Bản, Trung Quốc nhập khẩu lượng thuỷ sản trị giá khoảng 600 triệu USD từ Nhật Bản trong năm 2022; qua đó, trở thành quốc gia nhập khẩu thuỷ sản lớn nhất của Nhật Bản.
Khối lượng thuỷ sản được Trung Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản chủ yếu là các loại giáp xác và động vật thân mềm, như cua, sò điệp và mực, với kim ngạch lên tới 370 triệu USD, phần còn lại chủ yếu là cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương. Đặc biệt, phần lớn cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương được Trung Quốc nhập khẩu là đến từ Nhật Bản.
So với tổng kim ngạch thuỷ sản được Trung Quốc nhập khẩu năm 2022 là 19,13 tỷ USD thì nguồn cung từ Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 3% trong năm 2022. Các quốc gia cung ứng thuỷ sản chủ chốt cho Trung Quốc hiện nay là Ecuador (chiếm 18,6% tổng kim ngạch), Nga (chiếm 14,4%), Việt Nam (chiếm 8,8%), và Ấn Độ (chiếm 6,6).
Xét về cơ cấu sản phẩm nhập khẩu, Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất là các loại giáp xác, như cua, tôm các loại, ốc… (có mã HS 0306 và 1605) với kim ngạch nhập khẩu đạt 9,8 tỷ USD (chiếm 51,2% tổng kim ngạch nhập khẩu). Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các sản phẩm tôm nước ấm (chủ yếu là tôm được nuôi trồng) lên tới 5,65 tỷ USD.
Các sản phẩm cá đông lạnh là loại thuỷ sản được Trung Quốc nhập khẩu nhiều thứ hai với kim ngạch nhập khẩu đạt 5,1 tỷ USD (chiếm 26,6% tổng kim ngạch nhập khẩu).
Mặt hàng thuỷ sản nào của Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhất?
Trung Quốc (Trung Quốc đại lục và Hồng Kông) hiện là thị trường nhập khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm nay với kim ngạch nhập khẩu đạt 716 triệu USD, chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Hiện có 7 sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: tôm, cua, cá hồi, mực, cá minh thái, cá tuyết và cá tra.
Trong đó, tôm là sản phẩm được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất với kim ngạch đạt 338 triệu USD (chiếm 47% tổng kim ngạch xuất khẩu) trong 7 tháng đầu năm nay. Hơn 90% khối lượng thuỷ sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc là sản phẩm đông lạnh.
Theo đánh giá của một số chuyên gia ngành hàng thuỷ sản, việc Trung Quốc cấm nhập khẩu thuỷ sản từ Nhật Bản sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngành thuỷ sản Việt Nam nhưng mức độ tác động có thể sẽ “không quá lớn” do cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam và Nhật Bản có nhiều sự khác biệt.
Tôm được kỳ vọng là mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất từ câu chuyện này khi các loại thuỷ sản giáp xác của Nhật Bản vắng bóng trên thị trường sẽ kích thích người tiêu dùng Trung Quốc tìm đến các sản phẩm thay thế của những quốc gia khác, bao gồm Việt Nam.
Dữ liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, lượng tôm nước ấm được Trung Quốc nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 502.600 tấn với kim ngạch đạt 2,84 tỷ USD, tăng 49% về khối lượng và tăng 29% về mặt giá trị. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ tôm của Trung Quốc vẫn ở mức cao bất chấp nền kinh tế nước này đang đối mặt nhiều khó khăn.
Xem thêm: "Kỳ vọng xuất khẩu cá tra phục hồi từ quý 3" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Theo các chuyên gia ngành hàng thuỷ sản, hiện giá tôm đã chạm đáy và nguồn cung tôm từ nhiều nước sản xuất chính trên thế giới suy giảm; trong khi đó, thị trường đang chuẩn bị bước vào mùa lễ hội cuối năm - mùa cao điểm tiêu thụ tôm nói riêng và các loại thuỷ sản nói chung. Điều này sẽ thúc đẩy các nhà nhập khẩu tăng cường mua tôm. Bên cạnh đó, các mặt hàng chế biến sâu - vốn là thế mạnh của sản phẩm tôm Việt Nam - thường có xu hướng được tiêu thụ tốt hơn trong mùa lễ hội.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam từ năm 2020 đến nay với tốc độ tăng trưởng cao. Sau giai đoạn liên tục giảm từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023, giá cá tra xuất khẩu trung bình sang thị trường Trung Quốc đã dần ổn định nhưng vẫn ở mức thấp.
Theo dữ liệu của SSI Research, giá cá tra xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay chỉ ở mức 2 USD/kg, so với mức 2,5 USD/kg của cả năm 2022.
Hiện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Tuỷ sản Việt Nam dự báo kể từ tháng 8 trở đi đến cuối năm nay, nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam của Trung Quốc sẽ tăng mạnh nhằm phục vụ dịp Trung Thu, Quốc Khánh và các dịp lễ hội cuối năm.
Trên thị trường chứng khoán, phản ứng trước thông tin Trung Quốc dừng nhập khẩu thuỷ sản từ Nhật Bản, nhóm cổ phiếu thuỷ sản đã tăng “nóng” với nhiều mã cổ phiếu có lúc tăng kịch biên độ trong phiên giao dịch.
Đóng cửa thị trường ngày 25/8, ở nhóm cổ phiếu cá tra, cổ phiếu ANV của Công ty Cổ phần Nam Việt tăng 4,8% và cổ phiếu IDI của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I tăng 6,8%. Ở nhóm cổ phiếu tôm, cổ phiếu CMX của Công ty Cổ phần Camimex Group tăng 3,9% và cổ phiếu FMC của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta tăng 2,2%.