Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế (IOC) hoạt động từ đầu năm 2019, được xây dựng trên mô hình hợp tác điển hình giữa Nhà nước và doanh nghiệp.
Sau hơn 6 tháng vận hành, bước đầu IOC đã phát huy vai trò là đầu mối tiếp nhận, phân phối thông tin điều hành, tạo ra sự kết nối trực tuyến giữa công dân, doanh nghiệp với cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, điều hành và nâng cao chất lượng các hoạt động hành chính.
Tiêu biểu nhất là chức năng phản ánh hiện trường được triển khai ban đầu gắn với hoạt động "Ngày Chủ nhật xanh", thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của cả cộng đồng.
10 dịch vụ đang được triển khai tại IOC gồm: phản ánh hiện trường; nhóm giải pháp camera giám sát đô thị (giám sát vi phạm giao thông; giám sát trật tự đô thị; giám sát an toàn đô thị; tổng hợp hỗ trợ quy hoạch, phát triển giao thông); thông tin cảnh báo; giám sát thông tin báo chí địa phương; thẻ điện tử công chức, viên chức; giám sát dịch vụ hành chính công; giám sát quảng cáo điện tử; giám sát môi trường; giám sát an toàn thông tin; giám sát tàu cá.
Đến nay, IOC đã triển khai đồng thời 10 dịch vụ đô thị thông minh, hướng đến hiện đại hóa hoạt động quản lý nhà nước, hạn chế giấy tờ hành chính, giảm công tác điều hành qua nhiều cấp quản lý, công khai, giám sát một cách minh bạch thời gian, kết quả xử lý, người dân được tham gia tương tác với hoạt động nhà nước, bước đầu xây dựng nền hành chính thân thiện, phục vụ, hiệu lực và hiệu quả.
Với cách làm đó, giải pháp phát triển dịch vụ đô thị thông minh Thừa Thiên - Huế được Ban tổ chức giải thưởng Viễn thông châu Á năm 2019 vinh danh với hạng mục giải pháp thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, đây là một mô hình hiệu quả, thể hiện sự quyết tâm của Lãnh đạo, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh hướng đến xây dựng một môi trường sống và làm việc hiệu quả, chất lượng, an toàn.
Đây như là một trong những sản phẩm quyết tâm tạo ra sự "khác biệt, đột phá" của tỉnh trong lĩnh vực ứng dụng CNTT vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển.
"Việc phát triển các dịch vụ đô thị thông minh là sự khẳng định cho sự đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy thuận lợi làm mục tiêu, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển. Đây cũng là sự cam kết mạnh mẽ của Lãnh đạo tỉnh về một sự quyết tâm đối mặt với tất cả các vấn đề của xã hội nhằm đưa tỉnh nhà phát triển về mọi mặt; đặc biệt là tăng cường sự vào cuộc của toàn dân trong việc xây dựng Thừa Thiên Huế "Xanh, Sạch, Sáng", xây dựng môi trường sống hạnh phúc, môi trường làm việc thân thiện với tự nhiên", ông Thọ nhấn mạnh.
Phát biểu chúc mừng, Thứ trưởng Bộ Thông tn và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh về xây dựng đô thị thông minh. Trong một thời gian ngắn triển khai, tỉnh có một số kết quả nổi bật, đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả rõ rệt.
Nổi bật là việc quản lý, giám sát tập trung kết hợp việc theo dõi xử lý dịch vụ công trực tuyến với các dịch vụ đô thị thông minh tại một trung tâm... Đây là mô hình điển hình để các bộ, ngành, địa phương học tập kinh nghiệm về xây dựng đô thị thông minh và Chính phủ điện tử.
“Thừa Thiên Huế đã tạo được môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cộng với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, với nguồn nhân lực tốt về CNTT và các chương trình, chính sách thu hút đầu tư, tin tưởng rằng đây chính là thời điểm rất tốt để các doanh nghiệp CNTT nghiên cứu, đầu tư vào Thừa Thiên Huế”, ông Hưng nhấn mạnh.