Sau sáp nhập, trường hiện gồm 9 phòng, khoa, với 140 cán bộ, CNVLĐ. Trường tập trung đào tạo các ngành nghề thuộc lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật; kỹ thuật điện, điện tử; nông- lâm nghiệp; du lịch, khách sạn và dịch vụ cá nhân; kế toán, kiểm toán, quản trị doanh nghiệp và lĩnh vực sư phạm...
Những năm qua, Trường Cao đẳng Bắc Kạn được quan tâm, đầu tư từ các nguồn vốn trong và ngoài nước. Trong đó, vốn tài trợ giai đoạn II của Chính phủ Luxembourg là 2,5 triệu EURO. Cùng với đó là nguồn vốn hỗ trợ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho các nghề trọng điểm lĩnh vực nông-lâm nghiệp… Trường Cao đẳng Bắc Kạn sẽ trở thành địa chỉ dạy nghề tin cậy cho thanh niên trong và ngoài tỉnh- nhất là thanh niên người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Ông Trịnh Tiến Long, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện Trường đang đào tạo trực tiếp và liên kết đào tạo cho 616 học viên hệ trung cấp nghề và 411 học viên hệ sơ cấp nghề. Số học viên học các ngành liên quan đến lĩnh vực cơ khí, điện, công nghiệp khi ra trường chủ yếu đi làm việc ngoài tỉnh. Chiếm số đông hơn cả là các học viên theo học những ngành khối nông-lâm nghiệp. Hầu hết các học sinh đều đã xác định cho mình hướng đi cụ thể sau khi tốt nghiệp ra trường. Việc đảm bảo đào tạo được 13 ngành nghề khác nhau cùng với 1 trung tâm chuyên đào tạo lái xe cơ giới đường bộ các hạng, quá trình đào tạo, nhà trường thường xuyên có sự liên kết với các đơn vị sử dụng lao động nhằm tạo cơ hội việc làm sớm cho mỗi học viên, sinh viên khi tốt nghiệp.
Bên cạnh việc đào tạo hệ chính quy, nhà trường còn tham gia vào công tác đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đặc biệt ưu tiên cho đối tượng nông dân, với hình thức đào tạo gắn với sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, giúp bà con có chuyên môn vững chắc, có kiến thức về sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững. Vào cuối khoá học, nhà trường còn tổ chức 1 chuyến học tập ngoại khoá (3 ngày), giúp học viên tiếp cận các mô hình sản xuất thực tế và hiểu thêm về chuỗi “sản xuất - bán hàng - tiêu thụ sản phẩm” khép kín tại địa bàn có nhiều mô hình HTX phát triển như ở TP. Hà Nội hay ở một số siêu thị lớn như Gorden plaza, BigC,...
Giai đoạn tới, Nhà trường có kế hoạch khai thác hiệu quả 2 cơ sở với tổng diện tích sử dụng đất trên 11ha, đáp ứng đầy đủ điều kiện phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đào tạo nhiều ngành nghề trong đó trọng điểm là phát triển mạnh các nghề nông - lâm nghiệp gắn với dịch vụ nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Với những bước tiến mới, Trường Cao đẳng Bắc Kạn đã và đang tạo ra sức hút mới trong lĩnh vực dạy nghề, góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội- nhất là cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.