Hiện nay, Trường Cao đẳng điện lực miền Bắc đào tạo 3 cấp trình độ: Cao đẳng, trung cấp, sơ cấp với các chuyên ngành: Hệ thống điện, QLVH, SC ĐZ và TBA, Đo lường điện, Thí nghiệm điện, Vận hành nhà máy thủy điện, Vận hành nhà máy nhiệt điện, Quản lý kinh doanh điện, Lắp đặt đường dây tải điện và TBA, Điện công nghiệp. Nhà trường có 25 chương trình đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn (QLVH TBA, Thi công cáp ngầm, Điện dân dụng, Sửa chữa máy biến áp, Kiểm tra và phát hiện vi phạm sử dụng điện, Văn hóa trong doanh nghiệp …). Đặc biệt, Nhà trường liên kết đào tạo liên thông đại học ngành Hệ thống điện, Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử.
Từ năm 2018, Trường được EVNNPC tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ giảng viên các lĩnh vực chuyên môn như, sửa chữa hotline lưới điện trung thế 22kV, vệ sinh cách điện lưới điện đang mang điện bằng nước áp lực cao, lắp đặt quản lý vận hành hệ thống điện năng lượng mặt trời… Do đó sinh viên, học viên Nhà trường được đào tạo và thực hành đúng với yêu cầu của thực tế công việc. Các học viên được tham gia thực tập thi công cải tạo hệ thống điện hạ áp, thực hành lắp đặt hòm công tơ và xóa bán tổng tại các đơn vị thuộc Tổng công ty Điện lực Hà Nội, EVNNPC.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Đỗ Nguyệt Ánh khẳng định, Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của EVNNPC. Do đặc thù của Tổng công ty thuộc khối phân phối điện nên lao động làm công tác trực tiếp trên lưới chiếm phần lớn trong tổng số CBCNV. Tuy nhiên, nhiều cán bộ trẻ dù tốt nghiệp các trường đại học lớn song vẫn bỡ ngỡ với những công việc trên lưới, vì vậy trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc chính là cơ sở chuyên đào tạo và đào tạo lại các công việc trực tiếp trên lưới điện phù hợp với yêu cầu thực tế của EVNNPC
Trong những năm gần đây, bên cạnh việc đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, Tổng công ty cũng dành nhiều chi phí đào tạo giúp đội ngũ giảng viên của Trường nâng cao trình độ, tiếp cận công nghệ mới. Riêng năm 2020, EVNNPC đã phê duyệt dự án đầu tư cải tạo cơ sở vật chất cho Nhà trường gồm 1 nhà học 4 tầng với 16 phòng học, ký túc xá 5 tầng có diện tích xây dựng 522 m2 và ký túc xá 3 tầng diện tích xây dựng 611m2 cải tạo thành nhà ở phục vụ học viên... Đặc biệt cải tạo TBA 110kV sang mô hình TBA 110kV tích hợp điều khiển máy tính phục vụ đào tạo xử lý sự cố và điều khiển xa TBA không người trực... Dự kiến sau khi các hạng mục này hoàn thành vào năm 2021, Trường sẽ trở thành một trung tâm đào tạo khang trang hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất cũng như chất lượng giảng dạy.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân đánh giá cao công tác đào tạo và cơ sở vật chất của Nhà trường trong những năm qua. Tổng Giám đốc EVN mong muốn Nhà trường sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy, chú trọng tổ chức đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cho ngành Điện, chủ động mở rộng đào tạo cho các doanh nghiệp khác, đón đầu thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Về sát hạch tay nghề, thi nâng bậc, Nhà trường cần phải tổ chức nghiêm túc, giữ thương hiệu đào tạo chất lượng.
"EVNNPC cần phát huy hiệu quả vai trò của Trường nhiều hơn nữa, cần có chính sách cụ thể về tuyển dụng sinh viên ưu tú vào làm việc tại EVNNPC, trong đó cần tuyển chọn người giỏi, cho phép những người trẻ tiếp cận công nghệ mới, đầu tư thiết bị" - ông Trần Đình Nhân nhấn mạnh.
Bà Đỗ Nguyệt Ánh cho biết, Tổng công ty phấn đấu đưa Trường trở thành một trong những trung tâm đào tạo nghề điện hàng đầu ở miền Bắc, đáp ứng nhu cầu về nguồn lực chất lượng cao cho ngành điện nói chung và EVNNPC nói riêng.