Trường Đại học Khoa học tự nhiên được thành lập vào ngày 30/3/1996, trên cơ sở tách ra từ Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh và là thành viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Trường Đại học Khoa học tự nhiên là trung tâm đào tạo, nghiên cứu, phát triển và triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, cung cấp nguồn nhân lực và sản phẩm khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Năm 2024, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh dự kiến tuyển sinh theo 06 phương thức.
Phương thức tuyển sinh của Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
Phương thức 01
- Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh đại học chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo (tối đa 5% chỉ tiêu).
Phương thức 02
- Ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Đại học Quốc gia (1% - 5% chỉ tiêu theo ngành/nhóm ngành).
- Ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (10% - 20% chỉ tiêu theo ngành/nhóm ngành).
Đối tượng:
- Học sinh giỏi nhất trường được Hiệu Trưởng trường THPT giới thiệu đối với phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
- Học sinh các trường THPT chuyên, năng khiếu của các trường đại học, tỉnh, thành phố trên toàn quốc đối với phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (danh sách các Trường THPT theo công bố của Đại học Quốc gia năm 2024).
- Học sinh các trường THPT thuộc nhóm các trường có điểm trung bình trong kỳ thi THPT cao hoặc trường có nhiều thí sinh đã đăng ký vào Đại học Quốc gia đối với phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (danh sách các Trường THPT theo công bố của Đại học Quốc gia năm 2024).
Phương thức 03
- Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (15% - 40% chỉ tiêu theo ngành/nhóm ngành).
Phương thức 04
- Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2024 do Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức (45% - 55% chỉ tiêu theo ngành/nhóm ngành).
Phương thức 05
Gồm hai đối tượng như sau:
- Đối với thí sinh người Việt Nam học Trường nước ngoài tại Việt Nam hay tại nước ngoàivới chương trình đào tạo được công nhận tại nước sở tại, xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung bình GPA của 03 năm học cuối cấp (lớp 10, lớp 11, lớp 12 đối với hệ 12 năm học phổ thông hay lớp 11, lớp 12, lớp 13 đối với hệ 13 năm học phổ thông) kết hợp điều kiện là có chứng chỉ IELTS hay TOEFL iBT.
Lưu ý chứng chỉ phải còn thời hạn tính đến thời điểm nộp hồ sơ xét tuyển.
- Đối với thí sinh người nước ngoài học THPT tại nước ngoài hay tại Việt Nam, xét tuyển dựa trên điểm học bạ tích lũy GPA của 03 năm học cuối cấp (lớp 10, lớp 11, lớp 12 đối với hệ 12 năm học phổ thông hay lớp 11, lớp 12, lớp 13 đối với hệ 13 năm học phổ thông) kết hợp điều kiện là có chứng chỉ năng lực tiếng Việt đối với thí sinh đăng ký học chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt hoặc có chứng chỉ IELTS hay TOEFL iBT (chứng chỉ phải còn thời hạn tính đến thời điểm nộp hồ sơ xét tuyển) hay có quốc tịch là nước sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính nếu đăng ký học chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh.
- Chỉ tiêu tối đa 2% theo ngành/nhóm ngành.
Phương thức 06
- Xét tuyển dựa trên kết quả các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế kết hợp với kết quả học tập THPT.
Áp dụng đối với xét tuyển vào chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến: nếu thí sinh người Việt Nam học THPT theo chương trình 12 năm của Bộ GDĐT, là học sinh đạt kết quả học tập xếp loại giỏi trở lên (đối với chương trình tăng cường tiếng Anh, chương trình tiên tiến) trong 03 năm lớp 10, 11, 12 và thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS từ 5.5 (hoặc 6.0 đối với ngành Công nghệ thông tin và tiên tiến) trở lên hoặc TOEFL iBT từ 46 (hoặc từ 65 đối với ngành Công nghệ thông tin và tiên tiến) trở lên.
Lưu ý chứng chỉ phải còn thời hạn tính đến thời điểm nộp hồ sơ xét tuyển.
- Chỉ tiêu 8% - 20% theo ngành/nhóm ngành.