Nhà trường xây dựng mô hình đào tạo định hướng ứng dụng gắn với thực tế theo nhu cầu doanh nghiệp để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công Thương và đất nước.
Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo
Với những yêu cầu khắt khe về chất lượng nguồn nhân lực tiêu chuẩn mới, Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật - Công nghiệp đã chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý các cấp, chuyển đổi mô hình đào tạo theo xu hướng đào tạo theo nhu cầu của thị trường. Hiện nay, Nhà trường có đội ngũ giảng viên chất lượng với 360 thạc sĩ và 116 tiến sĩ, nghiên cứu sinh, 23 phó giáo sư trên tổng số 680 CB,VC, NLĐ.
Ngoài ra, Trường có 300 Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, cùng đội ngũ kỹ sư có bề dày kinh nghiệm của các viện, trường đại học và doanh nghiệp danh tiếng thường xuyên tham gia thỉnh giảng. Đội ngũ này về cơ bản đã đáp ứng mô hình đào tạo mới, giúp chất lượng đào tạo của Nhà trường ngày càng được nâng cao.
Việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 (thay thế cho Nghị định số 16/2015/NĐ-CP) đã giúp Nhà trường linh hoạt hơn trong quản lý nguồn lực, cải thiện chất lượng đào tạo, nghiên cứu và các hoạt động khác, góp phần vào sự phát triển và cải thiện chất lượng đào tạo. Công tác đầu tư cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học của Nhà trường có trọng tâm trọng điểm, tập trung vào các dự án xây dựng cơ bản; mua sắm thêm trang thiết bị mới hiện đại; đầu tư công nghệ mới, hiện đại,...
Trên cơ sở đó, Nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ các giải pháp để công tác tuyển sinh đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, Nhà trường còn chú trọng công tác nghiên cứu, dự báo để mở ngành, nghề mới đáp ứng yêu cầu xã hội. UNETI đang nỗ lực mở thêm ngành Sư phạm công nghệ hệ đại học; đồng thời xây dựng thêm 3 chuyên ngành mới, đó là: Công nghệ tài chính, Kỹ thuật Robot và AI, Kỹ thuật thiết kế và chế tạo vi mạch.
Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật - Công nghiệp đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ giáo dục vào giảng dạy, học tập, như đào tạo trực tuyến và đào tạo kết hợp (blended learning - kết hợp đào tạo trực tuyến với đào tạo truyền thống); Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo; Tăng cường các điều kiện đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học trực tuyến, dạy học kết hợp và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.
Trong nhiều năm qua, Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật - Công nghiệp tiếp tục duy trì và mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhờ đó chất lượng đào tạo tăng lên. Sinh viên được tăng cường kỹ năng nghề nghiệp, tiếp cận doanh nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng mềm. Hiện nay, Nhà trường đã thiết lập được mạng lưới hợp tác đối ngoại Nhà trường - Doanh nghiệp, với: Tập đoàn Hồng Hải (Trung Quốc); Tập đoàn Quanta (Đài Loan - Trung Quốc); Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Goertek Vina; Trường Cao đẳng Điện tử Nhật Bản, Tập đoàn Giáo dục Denshi Gakuen, Trường Đại học HOSEO Hàn Quốc...
Thông qua việc hợp tác, sinh viên của UNETI được đào tạo sát với thực tế nghề nghiệp và có nhiều cơ hội tiếp cận doanh nghiệp tuyển dụng; nhiều sinh viên đã trở thành cán bộ chủ chốt của các Tập đoàn Hồng Hải, Tập đoàn Quanta, Tập đoàn Huewei... Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, uy tín của Đại học Kinh tế Kỹ thuật - Công nghiệp ngày càng được nâng cao trong hệ thống các trường đại học và cộng đồng doanh nghiệp.
Hướng tới quản trị đại học 4.0
Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, đòi hỏi giáo dục đại học phải trang bị cho người học những kỹ năng và kiến thức nền tảng, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi trước yêu cầu mới.
Nhà trường tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực quản trị đại học hướng tới quản trị đại học 4.0, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực kỹ thuật - công nghệ, đáp ứng nhu cầu nhân lực của CMCN 4.0; đẩy mạnh đề án “Vườn ươm tiến sĩ” để tăng cường quy hoạch, bồi dưỡng, bổ sung đội ngũ cán bộ, giảng viên có đủ trình độ về mọi mặt, phù hợp với định hướng phát triển Đại học Kinh tế Kỹ thuật - Công nghiệp theo xu thế hội nhập với các trường đại học trong nước và quốc tế; từng bước nâng cao hoạt động NCKH, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ,...
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hợp tác quốc tế về giáo dục - đào tạo là xu thế tất yếu đối với các trường đại học, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thời gian tới, Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật - Công nghiệp triển khai hợp tác đào tạo chuyên sâu và mở rộng các chương trình hợp tác với Tập đoàn Quanta (Đài Loan), Willtec (Nhật Bản), Ooka Giken (Nhật Bản) thông qua việc kết nối thường xuyên và bám sát các kế hoạch kế hoạch của đối tác để phối hợp hỗ trợ công tác tuyển dụng, mở rộng các chương trình đào tạo, hợp tác đào tạo nhân sự; Triển khai liên kết đào tạo song bằng/đơn bằng, với các trường đại học quốc tế uy tín của Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Australia,…
Đồng thời tổ chức các chương trình trao đổi sinh viên ngắn hạn (thời gian 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng), dài hạn (2 đến 4 năm); Thu hút các du học sinh Trung Quốc, CHDCND Lào hoặc các nước trong khu vực; Hợp tác đào tạo và tổ chức các khóa học ngắn hạn liên quan đến chuyên ngành Bán dẫn;...
Hướng tới quản trị đại học 4.0, Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật - Công nghiệp tiếp tục kiên định mục tiêu đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo, tạo môi trường giảng dạy và học tập năng động, giữ vững vị thế, uy tín là cơ sở đào tạo đại học định hướng ứng dụng hàng đầu của Bộ Công Thương và hệ thống các trường đại học trong cả nước.