Theo Đề án tuyển sinh đại học năm 2023 đã được Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (mã trường: DTE) - Đại học Thái Nguyên công bố, tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy của Nhà trường năm nay là 2.600; chỉ tiêu tuyển sinh hệ liên thông và đại học vừa làm vừa học là 940.
Chỉ tiêu tuyển sinh và các phương thức xét tuyển
Với tổng số 2.600 chỉ tiêu hệ đại học chính quy, Nhà trường sẽ tuyển sinh thông qua 4 phương thức: xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả học tập cấp THPT (học bạ), xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và xét tuyển kết quả thi Đánh giá năng lực năm 2023 của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thứ nhất, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo chiếm 1% tổng chỉ tiêu;
Thứ hai, xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 chiếm 50% chỉ tiêu dựa vào điểm thi của thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, đạt điểm đảm bảo chất lượng đầu vào được Nhà trường xác định và công bố theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Thứ ba, xét tuyển theo kết quả học tập cấp THPT (học bạ) chiếm 47%; ngưỡng đảm bảo chất lượng là thí sinh đã tốt nghiệp THPT và có tổng điểm trung bình cả năm lớp 12 của 3 môn theo tổ hợp đăng ký xét tuyển đạt từ 17 điểm trở lên (chưa tính điểm ưu tiên đối tượng và khu vực); điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình chung lớp 12 của 3 môn theo tổ hợp đăng ký xét tuyển cộng với điểm ưu tiên đối tượng và khu vực theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà trường lấy điểm từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu;
Thứ tư, xét tuyển dựa vào kết quả thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội; ngưỡng đảm bảo chất lượng là thí sinh có điểm thi Đánh giá năng lực năm 2023 của Đại học Quốc gia Hà Nội đạt từ 80 điểm trở lên; điểm xét tuyển quy về thang 30 được xác định: Điểm tuyển sinh = Điểm Đánh giá năng lực * 30/150 + Điểm ưu tiên (nếu có).
Kế hoạch xét tuyển và học phí dự kiến
Từ ngày 02/7/2023 đến 17h ngày 06/7/2023: Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển thắng, xét tuyển theo kết quả học tập THPT và ưu tiên xét tuyển. Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh tổ chức xét tuyển sớm theo các phương thức xét học bạ THPT, tuyển thẳng, xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
17h00 ngày 06/7/2023: Thí sinh hoàn thành nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm.
Ngày 07/7/2023: Tổ chức xét tuyển sớm và thông báo kết quả cho thí sinh để đăng ký xét tuyển trên hệ thống, cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm lên hệ thống (xét tuyển lần 1).
Từ ngày 05/7/2023 đến 17h ngày 15/8/2023 xét tuyển thẳng, xác nhận nhập học trên hệ thống (nếu có).
Từ ngày 10/7 đến ngày 30/7/2023 thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn số lần trong thời gian xét tuyển).
Từ ngày 31/7/2023 đến 17h ngày 06/8/2023 thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trước 17h ngày 22/8/2023 thông báo thí sinh trúng tuyến đợt 1. Trước 17h ngày 06/9/2023 xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống; từ ngày 07/9/2023 thông báo tuyển sinh đợt bổ sung.
Từ tháng 10 đến tháng 12/2023 xét tuyển các đợt tiếp theo (nấu có), cập nhật danh sách trúng tuyển và nhập học.
Học phí dự kiến với sinh viên chính quy, với chương trình học bằng Tiếng Việt học phí năm học 2023-2024 đối với sinh viên đại học chính quy từ 375.000 - 454.000 đồng/tín chỉ (tương đương từ 12.000.000 - 14.500.000 đồng/sinh viên/năm học). Từ những năm học sau học phí có thể thay đổi, nếu tăng thì không quá 13%.
Với chương trình dạy và học bằng tiếng Anh, học phí khóa học Tiếng Anh dự kiến 7.500.000đ/kỳ. Ở khóa học chính thức, đối với các học phần được giảng dạy bằng Tiếng Việt mức thu dự kiến bằng với mức học phí chương trình đào tạo đại học chính quy dạy và học bằng Tiếng Việt là 375.000đ - 454.000 đồng/tín chỉ; đối với các học phần được giảng dạy bằng Tiếng Anh là 710.000đ/tín chỉ.
Đáng chú ý, Nhà trường có chính sách ưu tiên trao học bổng cho các thí sinh thuộc diện tuyển thẳng và thí sinh học tại các trường THPT đăng ký xét tuyển vào Trường đợt 1 cho thí sinh đạt học lực giỏi 3 năm lớp 10, lớp 11, lớp 12 và đạt chứng chỉ quốc tế 5.5 IELTS (tương đương) còn thời hạn hoặc đạt giải ba trở lên trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh; thí sinh đạt giải ba trở lên trong cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia.
Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh thuộc Đại học Thái Nguyên được thành lập theo Quyết định số 136/2004/QĐ-TTg ngày 02/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại các đơn vị đào tạo thuộc lĩnh vực Kinh tế, Quản lý và Quản trị kinh doanh trong Đại học Thái Nguyên.
Những năm qua Nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, nhất là trang bị phục vụ cho công tác đào tạo chất lượng cao và nghiên cứu khoa học, hướng đến đào tạo nhân lực trình độ cao trong các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực hội nhập quốc tế.
Nhà trường hiện có 16 ngành học, chương trình đào tạo gồm: Kế toán, Kinh tế, Kinh tế đầu tư, Kinh tế phát triển, Marketing, Quản trị Marketing (học bằng tiếng Anh), Kinh doanh quốc tế, Luật kinh tế, Quản lý công (Quản lý kinh tế), Quản trị kinh doanh, Quản trị kinh doanh (học bằng tiếng Anh), Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Tài chính - Ngân hàng, Tài chính (học bằng tiếng Anh), Quản trị du lịch và khách sạn (học bằng tiếng Anh).
Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cũng là một thế mạnh của Nhà trường. Nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Tỉnh đã được triển khai và ứng dụng thành công, có hiệu quả vào thực tiễn cuộc sống, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực miền núi phía Bắc.