Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2024

Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2024 theo 7 phương thức xét tuyển, với tổng chỉ tiêu dự kiến là 647 chỉ tiêu

Trường Đại học Y Dược là trường Đại học thành viên của ĐHQGHN được Thủ Tướng Chính Phủ thành lập theo quyết định 1666/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2020 trên cơ sở kế thừa Khoa Y Dược, được Giám đốc Đại học Quốc Gia Hà Nội (ĐHQGHN) thành lập theo Quyết định số 1507/QĐ-TCCB ngày 20/5/2010, trên cơ sở truyền thống và tiếp nối lịch sử phát triển của Đại học Đông Dương – tiền thân của ĐHQGHN, trong đó có Trường Cao đẳng Y khoa (Ecole supérieure de Médecine - 1906) cũng như để đáp ứng yêu cầu phát triển của ĐHQGHN thành trung tâm đại học đa ngành, đa lĩnh vực theo xu thế hội nhập quốc tế của đất nước.

Mặc dù là một cơ sở đào tạo đại học y dược còn non trẻ, nhưng được sự quan tâm đầu tư và chiến lược phát triển dựa trên nguồn lực sẵn có về đội ngũ và cơ sở vật chất dùng chung của ĐHQGHN, chỉ sau 2 năm thành lập, Khoa Y Dược (tiền thân của Trường Đại Học Y Dược) đã hoàn thiện về cơ bản các điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đảm bảo chất lượng đào tạo, tuyển sinh và tổ chức giảng dạy các khóa đầu tiên của 2 ngành Y đa khoa (Bác sĩ) và Dược học (Dược sĩ).

Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài dựa vào nghiên cứu, trên nền tảng khoa học cơ bản vững chắc, công nghệ cao và kinh tế - xã hội mũi nhọn, đóng góp tích cực trong đổi mới hệ thống giáo dục đại học Y, Dược ở Việt Nam. Trường Đại Học Y Dược xác định mục tiêu phát triển thành trường đại học định hướng nghiên cứu, thuộc nhóm đại học tiên tiến trong khu vực, đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển nền khoa học sức khỏe của đất nước cũng như góp phần hoàn thiện mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực, dựa trên nền tảng khoa học cơ bản và công nghệ cao, hội nhập nhanh và toàn diện vào mái nhà chung của ĐHQGHN.

Năm 2012, Khoa Y Dược lần đầu tiên tổ chức thành công tuyển sinh khóa đầu tiên hai ngành Y Đa khoa và Dược học với chỉ tiêu 50 sinh viên mỗi ngành. Với đội ngũ giáo viên trình độ cao và là đối tác của rất nhiều các cơ sở bệnh viện lớn trên địa bàn, Khoa Y Dược là cơ sở để các sinh viên có được điều kiện đào tạo cũng như thực hành chất lượng.

Năm 2014, Sau hai năm học tập và làm việc tại các cơ sở đào tạo chung trong ĐHQGHN, Trường Đại Học Y Dược đã hoàn thiện cơ sở vật chất tại Nhà Y1, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, HN gồm 7 tầng với diện tích mặt sàn 4000 m2, với khối văn phòng, giảng đường và hệ thống PTN trang bị đầy đủ các trang thiết bị, máy móc hiện đại.

Năm 2017 là năm Khoa có sinh viên khóa đầu tiên Tốt nghiệp ngành Dược học, đánh dấu việc hoàn thiện công tác đào tạo từ đầu vào tới đầu ra chất lượng, cung cấp nguồn nhân lực đầu tiên trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ra cộng đồng và xã hội. Đây cũng là năm Khoa Y Dược bắt đầu tuyển sinh ngành Răng hàm mặt (Chất lượng cao) – hệ đại học chính quy.

Năm 2018, Khoa kiện toàn nhân sự lãnh đạo với Chủ nhiệm Khoa là GS.TS. NGND. Lê Ngọc Thành, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện E. Bên cạnh đó, Khoa tiếp tục thành lập hơn 15 bộ môn và tiếp nhận thêm nhiều đội ngũ PGS, TS về công tác tại Khoa tạo tiền đề cho Khoa phát triển thành Trường ĐH Y Dược trong tương lai. Đây cũng là năm sinh viên Y đa khoa khóa đầu tiên tốt nghiệp ra trường.

Năm 2019, Khoa tiếp tục mở thêm 02 ngành Đào tạo mới là Kỹ thuật Hình ảnh Y học và Kỹ thuật Xét nghiệm Y học với chỉ tiêu 50 sinh viên mỗi ngành. 

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1666/QĐ-TTG ngày 27/10/2020 Thành lập Trường ĐH Y Dược. Kỷ niệm 10 năm Thành lập và Phát triển Khoa Y Dược - Trường ĐH Y Dược, Phó Thủ tướng chính Phủ Vũ Đức Đam cùng nhiều lãnh đạo Bộ, Ban ngành đã về trao quyết định và chứng kiến sự trưởng thành của đơn vị. Trường tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Y Dược lần thứ II, nhiệm kỳ 2020-2025.

Về đào tạo, năm 2020 là năm thành công vượt bậc của thầy và trò nhà trường khi tuyển sinh thành công ngành đào tạo mới: Điều dưỡng, nâng tổng số chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường lên gần 500 sinh viên/khóa. Bên cạnh đó Trường được phê duyệt đào tạo Sau đại học 03 ngành: Mắt (nhãn khoa), Nhi Khoa, Răng - Hàm - Mặt.

Năm 2022, Trường Đại học Y Dược lần đầu tiên có Hội đồng Trường. Cùng năm này, Trường thành lập Khoa Răng Hàm Mặt với 09 Bộ môn trực thuộc và Phòng khám Răng Hàm Mặt phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học cho sinh viên, học viên, cán bộ và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Năm 2023, Trường thành lập Khoa Dược với 08 Bộ môn trực thuộc.

Năm 2023 cũng là năm đặc biệt quan trọng khi Trường chính thức kiện toàn cơ cấu tổ chức Ban giám hiệu gồm 01 Hiệu trưởng, 02 Phó Hiệu trưởng và 01 Phó Hiệu trưởng lâm thời. Với sự dẫn dắt, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban giám hiệu, tính đến thời điểm năm 09/2023, Trường đã đạt được những mốc quan trọng như hình thành cơ cấu tổ chức các Khoa/Đơn vị trực thuộc; thu hút được đội ngũ cán bộ, giảng viên chính nhiệm và kiêm nhiệm trình độ cao; cơ sở vật chất được mở rộng, cải tạo và nâng cấp; đời sống cán bộ được cải thiện; mở rộng quy mô và trình độ đào tạo với 6 mã ngành Đại học, 10 mã ngành Thạc sỹ và 13 mã ngành Bác sỹ nội trú đã được phê duyệt; công tác nghiên cứu khoa học đi vào nề nếp và thu hút được thêm các nguồn lực dành cho nghiên cứu; mở rộng các mối quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế, đặc biệt là khối các bệnh viện thực hành, các công ty dược.


Phương thức tuyển sinh Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2024

Phương thức 1: Xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (35% chỉ tiêu) theo tổ hợp A00 đối với ngành Dược học; tổ hợp B00 đối với các ngành: Y khoa, Răng- Hàm- Mặt, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học và Điều dưỡng.

- Thí sinh phải đạt ngưỡng đầu vào đối với ngành xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và của ĐHQGHN.

Phương thức 2: Xét tuyển dựa theo kết quả thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐHQGHN tổ chức năm 2024 (35% chỉ tiêu), thí sinh phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Điểm thi ĐGNL phải đạt tối thiểu 100 điểm đối với ngành Y khoa, Dược học và Răng- Hàm- Mặt; điểm thi ĐGNL phải đạt tối thiểu 80 điểm đối với các ngành còn lại.

- Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt ngưỡng đầu vào đối với ngành xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT và của ĐHQGHN.

- Điểm thi tốt nghiệp THPT môn Hóa học đạt tối thiểu 8 điểm đối ngành Dược học, điểm thi tốt nghiệp THPT môn Sinh học đạt tối thiểu 8 điểm đối ngành Y khoa; Răng Hàm Mặt; điểm thi tốt nghiệp THPT môn Sinh học đạt tối thiểu 7 điểm đối với các ngành KT Xét nghiệm y học, KT Hình ảnh y học và Điều dưỡng.

Nguyên tắc xét theo điểm thi ĐGNL cộng với điểm ưu tiên (nếu có) được quy đổi về thang điểm 30, xét từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu, những thí sinh cùng mức điểm ở cuối danh sách sẽ xét theo tổng điểm tổ hợp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Phương thức 3: Xét tuyển đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS hoặc chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương (6% chỉ tiêu).

Điểm IELTS phải đạt từ 6.5 trở lên đối với ngành Y khoa, Răng- Hàm- Mặt và Dược học, hoặc từ 5.5 trở lên đối với ngành còn lại và phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Chứng chỉ phải còn hạn sử dụng trong thời gian 02 năm kể từ ngày dự thi đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển.

- Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt ngưỡng đầu vào đối với ngành xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT và của ĐHQGHN.

- Tổng điểm 2 môn trong tổ hợp xét tuyển tương ứng với ngành học (bắt buộc phải có môn Toán) tối thiểu 16 điểm (đối với ngành Y khoa, Dược học và Răng hàm mặt) hoặc tối thiểu 14 điểm (đối với các ngành KT xét nghiệm y học, KT hình ảnh y học và Điều dưỡng).

Nguyên tắc xét tuyển: Xét theo thứ tự ưu tiên

- Thí sinh có điểm IELTS từ 8.0 trở lên: Xét theo điểm IELTS từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu. Trường hợp vượt chỉ tiêu thì những thí sinh ở cuối danh sách sẽ xét điểm tổng 2 môn trong tổ hợp xét tuyển (bắt buộc phải có môn Toán).

- Nếu còn chỉ tiêu tiếp tục xét những trường hợp điểm IELTS dưới 8.0: Điểm xét tuyển bằng tổng của điểm IELTS quy đổi cộng với điểm 2 môn trong tổ hợp xét tuyển (bắt buộc phải có môn Toán). Xét từ điểm cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu.

Phương thức 4: Xét tuyển thẳng; ưu tiên xét tuyển (5% chỉ tiêu).

1. Xét tuyển thẳng: Dành 2% chỉ tiêu xét tuyển thẳng cho đối tượng theo quy định của Bộ GD&ĐT với các thí sinh đáp ứng một trong các điều kiện theo thứ tự ưu tiên sau:

- Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học.

- Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế do Bộ GD&ĐT tổ chức với các đề tài thuộc lĩnh vực phù hợp với ngành xét tuyển. Hội đồng tuyển sinh của trường sẽ xem xét đề tài mà thí sinh đoạt giải để quyết định.

2. Ưu tiên xét tuyển: Dành 3% chỉ tiêu cho ưu tiên xét tuyển đối với các thí sinh thuộc đối tượng xét tuyển thẳng ở trên (mục a) nhưng không dùng quyền xét tuyển thẳng. Thí sinh diện ưu tiên xét tuyển phải có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt ngưỡng đầu vào đối với ngành xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT và của ĐHQGHN.

Nguyên tắc xét tuyển: xét theo thứ tự ưu tiên từ giải cao xuống giải thấp cho đến hết chỉ tiêu, trường hợp cùng mức ưu tiên ở cuối danh sách sẽ xét theo tổng điểm tổ hợp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Phương thức 5: Xét tuyển theo cơ chế đặc thù của ĐHQGHN tại quyết định số 4412/QĐ-ĐHQGHN ngày 31/12/2021 (17% chỉ tiêu)

1. Dành 5% chỉ tiêu cho đối tượng là học sinh các trường THPT chuyên toàn quốc đoạt giải Nhất hoặc Huy chương Vàng các cuộc thi sáng tạo, triển lãm khoa học kỹ thuật khu vực, quốc tế có đề tài dự thi phù hợp với ngành xét tuyển và phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Có hạnh kiểm 3 năm THPT đạt loại tốt.

- Có học lực 3 năm THPT đạt loại giỏi.

- Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt ngưỡng đầu vào đối với ngành xét tuyển theo quy định của Bộ GĐ&ĐT và của ĐHQGHN.

- Thí sinh phải báo cáo tóm tắt đề tài dự thi bằng tiếng Anh trước tiểu ban đánh giá đề tài và phải đạt tối thiểu 7/10 điểm.

Nguyên tắc xét theo điểm đánh giá đề tài từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu, trường hợp cùng mức điểm ở cuối danh sách sẽ xét theo tổng điểm tổ hợp xét tuyển trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

2. Dành 6% chỉ tiêu cho đối tượng tham dự kỳ thi Olympic bậc THPT của ĐHQGHN đạt giải chính thức các môn thi: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Ngoại ngữ (tiếng Anh) và phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Có hạnh kiểm 3 năm THPT đạt loại tốt.

- Có điểm trung bình chung học tập bậc THPT đạt từ 8,5 trở lên (đối với ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt và Dược học); đạt từ 7.5 trở lên (đối với ngành KT xét nghiệm y học, KT hình ảnh y học và Điều dưỡng).

- Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt ngưỡng đầu vào đối với ngành xét tuyển theo quy định của Bộ GĐ&ĐT và của ĐHQGHN.

Nguyên tắc xét theo thứ tự ưu tiên từ giải cao xuống giải thấp cho đến hết chỉ tiêu, trường hợp cùng mức giải ở cuối danh sách sẽ xét theo tổng điểm tổ hợp của kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

3. Dành 6% chỉ tiêu cho đối tượng học sinh các trường THPT trên toàn quốc tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi bậc THPT cấp ĐHQGHN hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học đạt giải nhất, nhì, ba và đáp ứng các điều kiện sau:

- Có hạnh kiểm 3 năm THPT đạt loại tốt.

- Có điểm trung bình chung học tập bậc THPT đạt từ 8,5 trở lên (đối với ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt và Dược học); đạt từ 7.5 trở lên (đối với ngành KT xét nghiệm y học, KT hình ảnh y học và Điều dưỡng).

- Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt ngưỡng đầu vào đối với ngành xét tuyển theo quy định của Bộ GĐ&ĐT và của ĐHQGHN.

Nguyên tắc xét tuyển theo thứ tự ưu tiên từ giải cao xuống giải thấp cho đến hết chỉ tiêu, trường hợp cùng mức ưu tiên ở cuối danh sách sẽ xét thêm tổng điểm tổ hợp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Phương thức 6: Xét tuyển đối tượng học sinh dự bị đại học (dành 2% chỉ tiêu).

Học sinh các trường dự bị đại học (đã được Nhà trường phân bổ chỉ tiêu bằng văn bản) phải có điểm thi tốt nghiệp THPT đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng của Bộ GD&ĐT và của ĐHQGHN năm 2023 đối với ngành đăng ký xét tuyển theo năm thí sinh tốt nghiệp THPT, cụ thể: Ngành Y khoa và Răng Hàm Mặt 22 điểm, ngành Dược học 21 điểm, các ngành còn lại 20 điểm.

Phương thức 7: Xét tuyển đối tượng theo Đề án thu hút và đào tạo sinh viên Nam Trung Bộ và Nam Bộ tại ĐHQGHN.

Theo kế hoạch phân bổ và hướng dẫn của ĐHQGHN.

* Tùy theo số lượng thí sinh đăng ký vào từng phương thức xét tuyển, số lượng thí sinh trúng tuyển vào các phương thức xét tuyển sớm. Hội đồng tuyển sinh có thể xem xét chuyển đổi chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển để đảm bảo tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh.

Chỉ tiêu tuyển sinh Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2024

Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội
Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội
Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội

 

Thùy Dương