Mặc dù đã bước sang tuổi 93, những nếp nhăn đã hằn rõ trên khuôn mặt, mái tóc đã phủ trắng màu thời gian, nhưng không làm ông quên được những kỉ niệm của những ngày đầu tiên tiếp quản Nhà máy Bia Sài Gòn từ hãng BGI.
Nhà máy Bia Sài Gòn tiền thân là hãng Bia BGI được thành lập tại Sài Gòn vào năm 1875 bởi một sĩ quan hàng hải đã giải ngũ tên Victor Larue, BGI là viết tắt của Brasseries Glacières d’Indochine (Hãng bia và nước đá Đông Dương) có trụ sở chính tại 25 Général Foy - Paris, Chi nhánh tại số 6 Hai Bà Trưng, Q1, TP.Hồ Chí Minh.
Nhà máy gồm một số xưởng sản xuất như Xưởng chế biến malt; Xưởng chế biến bột dinh dưỡng trẻ em (Maltocop); Xưởng chế biến men, bánh mì; Xưởng chế biến sữa đậu nành Vinasoy; Sở vận tải Khánh Hội. Các trung tâm phân phối, các chi nhánh, đại lý từ Đà Nẵng đến Cà Mau; Các nhà máy sản xuất nước đá, nước ngọt như: Chương Dương, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Cần Thơ. Một số cơ sở sản xuất nước đá, kho trữ lạnh như: Thi Sách, Hàm Tử, Cần Thơ, Đà Nẵng…
Tổng số cán bộ công nhân viên của Hãng đến ngày 30/4/1975 là 2.102 người, trong đó cán bộ phụ trách công tác quản lý gồm 34 người nước ngoài và 69 người Việt Nam. Lương cao nhất dành cho người Việt Nam là 1.122 đồng/tháng, trung bình là 250 đồng/tháng, thấp nhất là lương công nhân từ 2 - 2,6 đồng/ngày (tương đương gần 80 đồng/tháng). Sản lượng bia đến năm 1974 là 127 triệu lít, nước ngọt có gaz là 24,5 triệu lít, nước đá đạt 240.000 tấn.
Tình hình sản xuất lúc đó cầm chừng, Hãng rút hết CBCNV người nước ngoài về nước, không bỏ vốn thêm kể cả vốn lưu động; đồng thời Hãng cũng tìm mọi cách đăng ký thêm tư cách pháp nhân để chuyển ngoại tệ và lãi về nước. Toàn bộ hoạt động của Hãng dựa vào hàng tồn kho và thế chấp.
Sau ngày 30/4/1975, Nhà nước đã quyết định thành lập Tổng cục Công nghiệp thực phẩm (CNTP) có nhiệm vụ tiếp quản tất cả các cơ sở sản xuất - kinh doanh thuộc ngành công nghiệp thực phẩm phía Nam.
Đầu năm 1976, Công ty Rượu Miền Nam được thành lập gồm một số đồng chí quân quản ngành Rượu từ Bắc vào (trực thuộc Tổng cục CNTP) có chức năng kiểm soát và tiếp quản các cơ sở sản xuất kinh doanh ngành Rượu - Bia - Nước giải khát ở phía Nam (văn phòng đặt tại số 650 Phạm Văn Chí - P.8, Q.6, TP. Hồ Chí Minh).
Đối với Hãng BGI, Nhà nước giao cho Công ty Rượu Bia Miền Nam tổ chức thực hiện kiểm soát toàn bộ hoạt động theo chủ trương chính sách hiện hành. Trong quá trình tổ chức kiểm soát mọi hoạt động của BGI, Công ty Rượu Bia Miền Nam đã phối hợp chặt chẽ với nhiều tổ chức, cơ quan có liên quan trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (Ban chỉ đạo Giải phóng, Ban cải tạo, Công an, cơ quan báo chí…), đồng thời được cấp trên (Bộ Lương thực Thực phẩm, Ban Cải tạo Trung ương, Văn phòng Thủ tướng) theo dõi chỉ đạo và đến ngày 25/6/1976, tại cuộc họp của Chính phủ đã thống nhất sớm có chủ trương chuyển toàn bộ Hãng BGI thành doanh nghiệp nhà nước.
Xuất phát từ chủ trương trên, Công ty Rượu Bia Miền Nam đã xúc tiến công tác chuẩn bị sẵn sàng tiếp quản, như: lên kế hoạch tiến hành khảo sát, kiểm tra toàn bộ tình hình tổ chức hoạt động của Hãng BGI.
Ngày 11/5/1977, Văn phòng Thủ tướng ra Văn bản số 1789/P.20 do Bộ trưởng Vũ Tuân ký, gửi Bộ Lương thực Thực phẩm, giao nhiệm vụ tiếp quản Hãng BGI.
Ngày 17/5/1977, ông Võ Tiến Kỷ nhận được Quyết định số 854/LTTP, của Bộ Lương thực Thực phẩm do Bộ trưởng Ngô Minh Loan ký, giao nhiệm vụ cho Công ty Bia - Rượu Miền Nam trực tiếp tiếp quản toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật, tài sản, tài liệu, nhân sự tổ chức bộ máy hiện có của Hãng BGI.
Sau khi thông qua kế hoạch tiếp quản Hãng BGI, Công ty đã tổ chức họp với các cơ quan, ngành có liên quan và báo chí tại TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ để thông báo chủ trương và tranh thủ sự giúp đỡ. Cán bộ phụ trách tiếp quản trực tiếp đến từng đơn vị, cơ sở tổ chức họp toàn thể CBCNV để truyền đạt chủ trương kế hoạch tiếp quản, đồng thời động viên mọi người chấp hành nghiêm chỉnh.
Ngày 01/6/1977, công tác tiếp quản tại các cơ sở kết thúc bằng các biên bản bàn giao và tiếp nhận giữa những người có trách nhiệm hai bên.
Ngày 02/6/1977 đến ngày 23/6/1977, Công ty Rượu Bia Miền Nam tổ chức phúc tra, đồng thời chuẩn bị biên bản bàn giao chung và tiến hành ký kết biên bản, tiếp nhận giữa đại diện Hãng BGI và đại diện Công ty Rượu Bia Miền Nam.
Đúng 7h30’ ngày 23/6/1977, tại số 6 Hai Bà Trưng, Q.1, TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Ngọc Lý - đại diện Hãng BGI đã ký biên bản bàn giao toàn bộ Hãng BGI cho Công ty Bia - Rượu Miền Nam chính thức tiếp quản từ ngày 01/6/1977.
Trong quá trình tiếp quản, Công ty Rượu Bia Miền Nam gặp rất nhiều khó khăn, như: khối lượng công việc nặng nề, diện bàn giao quá rộng (các cơ sở của Hãng ở rải rác các tỉnh, thành phố), tư tưởng của CBCNV BGI chưa thực sự yên tâm, tin tưởng vào chế độ mới, lực lượng tiếp quản rất mỏng, thời gian hoàn thành rất gấp. Tuy nhiên, công tác tiếp quản đã hoàn thành suất sắc, đảm bảo đạt yêu cầu: nhanh, gọn, đầy đủ, an toàn toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật có giá trị lớn. Đặc biệt là quá trình tiếp quản đã ổn định tư tưởng và tổ chức, nên hầu hết CBCNV của Hãng BGI đều an tâm, tích cực tham gia tiếp quản cùng cán bộ của Nhà nước.
Có một kỷ niệm vui mà ông Võ Tiến Kỷ còn nhớ, đó là việc trả lương cho cấp cán bộ quản lý Nhà máy Bia Sài Gòn. Khi còn làm việc ở Hãng BGI, lương cấp cán bộ quản lý được nhận là 1.122 đồng/tháng. Trong khi lương của Nhà nước ta đang trong thời kỳ bao cấp chỉ trả được mấy chục đồng. Công ty Rượu Bia Miền Nam đã đề nghị lên Bộ Lương thực Thực thực phẩm và rất may là đồng chí Bộ trưởng đã đồng ý trả mức lương 180 đồng/tháng cho cấp quản lý của Nhà máy Bia Sài Gòn (tương đương với lương của Bộ trưởng lúc bấy giờ).
Sau khi tiếp quản, Công ty Rượu Bia Miền Nam đã tiến hành xây dựng kế hoạch sản xuất, kỹ thuật, tài chính cho từng cơ sở. Đặt lại tên cho một số cơ sở trực thuộc BGI cũ theo địa danh, ví dụ Nhà máy Bia Chợ Lớn đổi thành Nhà máy Bia Sài Gòn... Phổ biến và tổ chức thực hiện một số chế độ chính sách hiện hành thuộc quyền lợi của CBCNV.
Những dấu mốc quan trọng của SABECO:
Ngày 01/06/1977 Công ty Rượu Bia Miền Nam chính thức tiếp nhận và quản lý Nhà máy Bia Chợ Lớn từ Hãng BGI và hình thành nên Nhà máy Bia Sài Gòn.
Năm 1981: Xí nghiệp Liên hiệp Rượu Bia NGK II được chuyển đổi từ Công ty Rượu Bia Miền Nam.
Năm 1988: Nhà máy Bia Sài Gòn trở thành đơn vị hạch toán độc lập trực thuộc Xí nghiệp Liên hiệp Rượu Bia NGK II.
Năm 1989: Ra mắt Bia lon 333 Expost.
Năm 1992: Ra mắt Bia Saigon Lager.
Năm 1993 Nhà máy Bia Sài Gòn thành Công ty Bia Sài Gòn.
Năm 1996: Ra mắt Bia Saigon Expost.
Năm 2000: Ra mắt Bia Saigon Special.
Năm 2003: Thành lập Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn SABECO.
Năm 2004: Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn chuyển sang tổ chức và hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con.
Năm 2008: Chuyển sang cơ chế Tổng công ty cổ phần.
Năm 2010: SABECO tiêu thụ đạt 1 tỷ lít Bia Sài Gòn các loại.
Năm 2015: Kỷ niệm 140 năm lịch sử hình thành và phát triển Bia Sài Gòn.
Năm 2016: chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn GDCK TP.HCM.
Năm 2017: Ra mắt Bia lon Saigon Gold.
Năm 2018: Thay đổi cấu trúc quản lý SABECO.
Năm 2019: Tái ra mắt thương hiệu Bia Saigon và 333.
Từ ngày tiếp quản Hãng BGI đến nay cũng đã qua gần nửa thế kỷ, SABECO đã có những bước tiến vượt bậc. Từ 127 triệu lít bia trước khi tiếp quản, đến nay tổng công suất các Nhà máy Bia Sài Gòn đã đạt 2 tỷ lít.
Lực lượng người lao động hùng hậu gần 12.000 người trong toàn hệ sinh thái SABECO cùng với hệ thống phân phối hàng trăm ngàn kênh tiêu thụ trải dài trên toàn quốc, đã đưa SABECO trở thành Nhà sản xuất bia số 1 của Việt Nam.
Với 2 loại bia chai Larue dung tích 610 ml và bia chai 33 dung tích 330 ml thời kỳ đầu tiếp quản, đến nay, SABECO đã phát triển 10 dòng sản phẩm là bia chai Saigon Lager 450, bia chai Saigon Export, bia chai Saigon Special, bia chai Saigon Lager 355, bia chai 333 Premium, bia chai Lạc Việt, bia lon 333, bia lon Saigon Special, bia lon Saigon Lager, bia lon Lạc Việt. Các sản phẩm của SABECO đã có mặt trên tất cả các tỉnh thành Việt Nam và xuất khẩu đến 38 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hiện nay, SABECO đứng vị trí thứ 17 trong số các tập đoàn sản xuất bia lớn nhất thế giới, nằm trong top 3 nhà sản xuất bia hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Top 3 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam do Forbes Việt Nam bình chọn năm 2019; Là 1 trong 7 đại diện Việt Nam được xướng danh trong bảng xếp hạng Top 200 doanh nghiệp tỉ đô tốt nhất châu Á do Forbes Asia bình chọn…