[Truyền thống Công Thương] Đại công trường “luộc máy” đêm 30 Tết

Ông Hiền chia công nhân ra 4 bộ phận làm theo dây chuyền: luộc máy xong đến sấy khô, hiệu chỉnh, rồi thử cách điện và sơn phủ. Công việc xen kẽ nhau nhằm không để thời gian chết, nên chỉ sau 15 ngày đã hoàn thành giao cho chủ tàu.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Điện lực, nay là Bộ Công Thương Vũ Hiền
Nguyên Thứ trưởng Bộ Điện lực, nay là Bộ Công Thương Vũ Hiền 

 

Chuyện xảy ra đã hơn sáu thập kỷ trước. Vào một ngày giáp Tết năm 1958, ông Vũ Hiền, nguyên thứ trưởng Bộ Điện Lực (nay là Bộ Công Thương), khi ấy là giám đốc một nhà máy điện ở Hải Phòng, nhận được công văn hỏa tốc của Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng mời họp khẩn cấp. Cùng dự có giám đốc của các nhà máy Xi măng, Đóng tàu, Sửa chữa tàu biển, cơ khí Duyên Hải, Cảng Hải Phòng.

Thì ra, có một tàu của Đan Mạch vào Cảng Hải Phòng, không may bị đắm, được trục vớt lên, nhưng các máy phát điện và động cơ đều hỏng do ngâm nước mặn. Chủ tàu nhờ thành phố sửa giúp trong vòng 1 tháng. Các giám đốc Đóng tàu và Sửa chữa tàu biển đều nói rằng, là nhà máy đóng tàu, sửa tàu, nhưng phần hỏng thuộc về điện, nên không rành. Giám đốc nhà máy Xi măng cũng có ý kiến, tuy làm xi măng, có mảng cơ khí khá mạnh nhưng không biết làm điện, việc này nên nhờ ông Vũ Hiền, giám đốc Nhà máy điện sửa chữa là hợp lý nhất. Tất cả đều vỗ tay hoan hô. Cuối cùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng kết luận: Giao cho Nhà máy điện thay mặt ngành công nghiệp Hải Phòng thực hiện trong 1 tháng.

Lúc đầu ông Hiền cũng hoang mang, vì trong đầu chưa tính ra phương án nào cả. Máy phát điện và động cơ nhiễm mặn đã hỏng thì thay dây, quấn lại cũng mất hàng năm, vì khi ấy chưa có máy quấn, phải làm thủ công. Song ông lại nghĩ, mình chịu nhưng tập thể Nhà máy không chịu thì sao?

Nhận nhiệm vụ về, ông triệu tập cuộc họp khẩn cấp. Các ý kiến: dùng bơm áp lực phun vào kẽ hở của thiết bị; dùng hơi nóng của lò hơi xì vào mọi ngóc ngách… đều không đứng vững với những ý kiến phản biện. Đã vậy, một chuyên gia kỹ thuật có tầm cỡ còn “bồi” thêm: “Thiết bị điện nhiễm mặn, trên thế giới chưa có phương pháp nào ngoài tháo ra, mua dây mới quấn lại”.

Cuộc họp đi vào bế tắc thì bỗng nhiên, ông Nguyễn Văn Hồ, một công nhân lâu năm cho biết, hồi còn Pháp thuộc, có cơn bão lớn đổ bộ vào Hải Phòng kèm theo sóng lớn. Một động cơ của xưởng phát điện Cửa Cấm không kịp che chắn, bị nhiễm mặn hỏng. Ông đã xử lý bằng cách đem luộc lên, sau vài lần thay nước luộc, động cơ nhạt dần nước biển và hết hẳn, đem sấy khô, đến nay động cơ vẫn chạy tốt.

Giám đốc trẻ Vũ Hiền phấn khởi kết luận, giao cho quản đốc và phó quản đốc phân xưởng đường dây của Nhà máy đảm nhiệm việc sửa chữa. Quản đốc đến gặp chủ tàu nhận làm. Họ cũng chưa chưa hoàn toàn tin tưởng Nhà máy làm được nên chỉ giao cho 3 động cơ loại trung bình về chữa thử.

3 động cơ được cho vào 3 goòng đẩy than luộc sôi sùng sục. Sau một thời gian lại thay nước, luộc đi luộc lại cho bao giờ nếm thấy không mặn nữa mới thôi. Hôm sau sấy khô, hiệu chỉnh, đo cách điện, sơn phủ rồi đem giao cho chủ tàu. Họ lắp vào chạy thử thấy máy chạy vù vù thì mừng quá, giao toàn bộ 3 bộ máy phát điện và hàng trăm động cơ các loại cho Nhà máy.

Ông Hiền quyết định tổ chức “đại công trường luộc máy” ở sân sau của Sở Điện lực bây giờ. Anh em bố trí vài chục bếp luộc. Riêng roto của 3 máy phát điện to quá, nên mới nảy ra sáng kiến dùng tôn đen dây 3 ly hàn lại làm thành nồi lớn. Hai bên cạnh nồi làm 2 pa-li-ê gỗ, đặt trục máy nằm ngang, dùng xà beng quay đều cho mặt nào của roto cũng ngập trong nước luộc.

Suốt đêm 30 và những ngày Tết của năm đó, Nhà máy huy động hàng trăm người lao động tham gia. Hàng chục anh chị em đã mua vé về quê tự nguyện đến nhà ga trả vé để ở lại tham gia “đại công trường”. Ông Hiền chia công nhân ra 4 bộ phận làm theo dây chuyền: luộc máy xong đến sấy khô, hiệu chỉnh, rồi thử cách điện và sơn phủ. Công việc xen kẽ nhau nhằm không để thời gian chết, nên chỉ sau 15 ngày đã hoàn thành giao cho chủ tàu.

Trong khi chủ tàu cho lắp đặt lại máy, thì Nhà máy cũng khẩn trương lập hóa đơn tính tiền. Ông Hiền cho thành lập một “tiểu ban hóa đơn” gồm các bộ phận tài vụ, kỹ thuật, thí nghiệm, vật tư. Tiểu ban làm việc cật lực trong 3 ngày vì phải chạy khắp Hải Phòng, Hà Nội để khảo giá vật tư mới ra được con số chi phí, nhân công. Theo tính toán, khoản thu về trong đợt sửa chữa 15 ngày, sau khi trừ chi phí có lợi nhuận bằng cả 1 quý sản xuất.

Nhưng sau khi tham khảo, việc tính toán như vậy “hớ” quá. Vì nếu mình không sửa chữa, họ phải kéo tàu đi Singapore, đi Hongkong sửa chữa, lại còn phải ăn đợi nằm chờ hàng tháng, tốn kém biết bao. Nhà máy thống nhất cần phải thu về nhiều hơn cho ngân sách nhà nước. Nhưng không có cách nào giải trình trong hóa đơn để ra được chi phí tăng gấp 10 lần cả. Cuối cùng, tiểu ban quyết định để cho Giám đốc Vũ Hiền tự viết 1 hóa đơn khác, tính toán tròn 1 cục với con số gấp 10 lần mà… không phân tích, giải trình gì cả!

Nhưng hóa ra, chủ tàu nhất trí ngay. Họ không quan tâm đến vật tư, công xá gì, chỉ để ý đến con số mà Nhà máy đưa ra vẫn còn “hời” so với việc kéo tàu sang nước khác sửa chữa. Chủ tàu còn cảm kích nói: “Mấy năm nay thế giới không thể hiểu Việt Nam, tôi cũng không thể hiểu Việt Nam làm sao thắng được Pháp ở Điện Biên Phủ.  Nhưng bây giờ tôi đã hiểu, vì tôi biết rằng, người Việt Nam đã giao nhiệm vụ gì thì sẽ hoàn thành bằng được, bằng nguồn lực, phương pháp và trí tuệ của mình”.

Hà Trung