Những năm gần đây, người dân Việt Nam đã quá quen với những thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, đại loại phải chuẩn bị đối phó với nguy cơ thiếu điện trên diện rộng, năm sau thiếu điện nhiều hơn năm trước... Theo một quan chức ngành Điện, nguyên nhân cơ bản dẫn đến thiếu điện thời gian qua và tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện trong những năm tới là do, nền kinh tế đất nước đang chuyển biến tích cực, từ phát triển nông nghiệp là chính, chuyển sang công nghiệp hoá, đặc biệt một số ngành công nghiệp nặng như luyện kim, hoá chất, xây dựng, khai thác khoáng sản... phát triển mạnh, nên nhu cầu điện ngày càng tăng cao. Các địa phương xây dựng nhiều khu công nghiệp, có nơi nhu cầu dùng điện tăng tới 30-40%; các dự án nguồn điện chưa thực hiện đúng tiến độ; nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân tăng cao; việc sử dụng điện trong các tầng lớp dân cư còn lãng phí;... Đây là những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu điện hiện nay.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa ra nhiều giải pháp cả trước mắt lẫn lâu dài, nhằm khắc phục tình hình thiếu điện, song, xem ra vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn và nếu đi vào từng vấn đề cụ thể, mới thấy nhiều điều chưa ổn.
Nếu cứ nói mãi đến việc xây dựng công trình phải đảm bảo tiến độ, thì trách ai bây giờ? Các dự án điện hiện nay, chủ yếu là do EVN làm chủ đầu tư, EVN ấn định thời gian hoàn thành, EVN có quyền phạt những nhà thầu nào chậm, thậm chí EVN còn được Chính phủ ưu ái đến mức cho áp dụng cơ chế 797 chỉ định thầu, vậy tại sao vẫn cứ chậm? Ngoại trừ các dự án lưới điện xem ra đã “ổn” do các công ty truyền tải nhanh nhạy “đi trước một bước”, còn nguồn điện, lẽ ra, nếu công trình nào không vào đúng tiến độ thì EVN phải áp dụng biện pháp trừng phạt về kinh tế, hoặc xem xét, nếu không đủ điều kiện tiếp tục thực hiện thì giao cho nhà thầu khác, không nên ca mãi điệp khúc “tiến độ chậm”. Về giải pháp phải xây dựng các nhà máy điện theo quy hoạch được duyệt, hay đầu tư xây dựng các nhà máy điện ở các nước lân cận để cung cấp điện cho Việt Nam, điều này hoàn toàn khả thi. Chính phủ vẫn khuyến khích, vẫn trông chờ vào sự chủ động của ngành Điện, tạo cơ hội tốt nhất cho EVN về cơ chế, chủ trương, chính sách, thế là đủ lắm rồi, chứ có người không hiểu vẫn cứ nghĩ, ngành Điện được cấp vốn đầu tư, kinh doanh nên sinh ra độc quyền. Còn việc xây dựng thị trường điện, thị trường hoá giá điện để cân bằng tài chính cho nhà đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài... thì Nhà nước đã có chủ trương, có lộ trình. EVN cần huy động vốn, Chính phủ cho phép, phát động dân ta góp vốn, người dân cũng đồng tình. Chưa cần phải huy động đâu xa, huy động ngay chính CBCNV ngành Điện cũng thu được lượng vốn không nhỏ, bởi mới hôm nào, EVN giao bán cổ phiếu xây dựng nguồn điện, nhiều đơn vị đăng ký 100%, có công nhân bậc 3, bậc 5 đăng ký cả tỷ đồng. Vấn đề sử dụng điện, nếu quy mãi cho người dân là không tiết kiệm, sử dụng điện lãng phí thì kể ra cũng oan uổng quá, chỉ tại Việt Nam mình thiếu điện nên phải chắt chiu thôi, chứ ở các nước phát triển, điện đường phố, điện trong nhà cứ sáng choang lên, có ai khuyến khích, cấm đoán gì đâu. Hơn nữa, người dân ta cũng đều có ý thức tiết kiệm lắm rồi, không đến nỗi ném tiền qua cửa sổ, vì vậy, cần phải có một một tư duy khác hơn, có cái nhìn đổi mới hơn.
Trở lại chủ đề người ngành Điện đi bán đèn compact, không biết ở EVN, ai đã nghĩ ra cái sáng kiến đi bán đèn compact sẽ kéo được tỷ lệ sử dụng điện xuống thấp hơn, đó cũng là giải pháp tốt, nhưng bán đèn là việc của nhà sản xuất, chứ ngành Điện còn nhiều việc phải làm lắm, cứ loay hoay vào chuyện đèn đóm thì không chừng, dễ làm khó ngay chính người của mình. Trong buổi giao lưu trực tuyến năm 2008 mới đây, bạn đọc đã chất vấn một Phó Tổng giám đốc EVN rằng, có phải vì bán đèn compact lãi hơn kinh doanh điện không? Vậy thực tế, người ngành Điện có muốn bán đèn compact?
Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã đi nhiều nơi, xuống nhiều doanh nghiệp, thì quả thật, thấy nhiều công nhân ngành Điện đi bán đèn compact, nhưng người bán chẳng có kẻ mua, dù giá có rẻ, cũng chẳng ai dại gì đi tháo cái đèn tuýp đang sáng, để thay vào đó một cái bóng đắt hơn, lại còn phải tháo bộ cũ, thay cái đui đèn khác, cách rách quá. Đã có chuyện (thật 100%), hai vợ chồng cùng làm ở một Điện lực đã nảy sinh mâu thuẫn chỉ vì chuyện chồng bán được, vợ không bán được đèn compact. Đi đến đâu cũng thấy nói tới đèn compact. Để hiểu rõ hơn về giá bán một số loại đèn, bạn đọc có thể tham khảo bảng trên đây để so sánh với đèn của Trung Quốc.
Mục tiêu của chúng ta là làm sao sử dụng điện một cách tiết kiệm. Vậy thì hãy tuyên truyền để người dân sử dụng điện hợp lý, sử dụng bất cứ loại bóng đèn nào, kể cả bóng đèn không phải do trong nước sản xuất, miễn là TKĐ, bởi giá đèn ngành Điện và thị trường bán “đắt khét” như thế, người dân nào chịu được, trong khi giá đèn ngoại chỉ bằng một nửa...
Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thiết nghĩ còn nhiều giải pháp TKĐ cơ bản hơn. Ví dụ, muốn TKĐ hiệu quả có thể học tập kinh nghiệm của các nước như Trung Quốc, Hy Lạp, Isarel..., để ban hành luật nhà nước về quy chuẩn xây dựng. Khi cấp phép xây dựng công sở, các khu chung cư cao tầng, kể cả nhà ở của dân..., phải được thiết kế sử dụng đèn TKĐ, hoặc lắp đặt hệ thống sử dụng thiết bị đun nóng bằng năng lượng mặt trời. Các dự án công nghiệp, đặc biệt là những cơ sở sản xuất trọng điểm, kể cả dự án có đầu tư nước ngoài, cần thẩm duyệt thiết kế, nếu đảm bảo các yêu cầu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mới cho phép triển khai. Công tác thiết kế hệ thống đèn chiếu sáng cho đô thị loại 1, 2, 3 cũng phải được thực hiện theo tiêu chuẩn trong 5 năm, 10 năm, chứ không thể cứ có hệ thống chiếu sáng tốt thì nâng cấp lên đô thị loại này, loại kia, thiếu đồng bộ, nhất quán. Vì đã có nơi, muốn được công nhận đô thị loại 1 thì hệ thống đèn đường chiếu sáng phải cố gắng nâng cấp để đảm bảo yêu cầu, nhưng lên rồi thì lại bị cắt tỉa dần, thậm chí cắt hẳn...
Tóm lại, cần có một chiến lược lâu dài và các giải pháp đồng bộ hơn từ cấp Nhà nước đến cơ sở, có như vậy, mới có thể thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế.