Báo cáo nhanh của lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố cho biết, trước những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19 vừa khó lường vừa phức tạp, lực lượng quản lý thị trường luôn chủ động tích cực thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch bệnh.
Từ 12h00 ngày 23/4 đến 12h00 ngày 24/4/2020 diễn biến thị trường tại các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành bán theo giá niêm yết. Các siêu thị, cửa hàng tiện ích tăng lượng dự trữ hàng hóa nên nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tương đối đầy đủ.
Tại Đà Nẵng, từ ngày 23/4/2020, thành phố Đà Nẵng nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, UBND thành phố vẫn tiếp tục khuyến khích người dân mua hàng mang về, không tụ tập đông người.
Phần lớn các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống đã bắt đầu hoạt động trở lại. Để thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo, hoạt động bán hàng trực tuyến (online) vẫn là lựa chọn của đa số người dân.
Nhìn chung, tình hình thị trường thành phố Đà Nẵng tương đối ổn định, hàng hóa phong phú, dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố.
Để hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận các điểm bán khẩu trang vải (khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng giọt bắn, khẩu trang vải thường) để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Tổng cục Quản lý thị trường cung cấp danh sách các điểm bán khẩu trang vải các loại trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trong cả nước trên trang thông tin điện tử của Tổng cục.
Tuy nhiên, báo cáo của lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố cũng cho biết, dù ra quân, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng nhiều cơ sở kinh doanh thiết bị y tế vẫn cố tình vi phạm.
Cụ thể, trong công tác kiếm tra, kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Đà Nẵng đã xử lý 9 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt hơn 13 triệu đồng.
Các hành vi vi phạm phổ biến gồm: không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá; không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định của pháp luật; kinh doanh khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trong thời gian tới, Cục QLTT Thành phố tiếp tục yêu cầu các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát tình hình thị trường, hoạt động kinh doanh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn do Đội quản lý.
Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm và phổ biến, tuyên truyền các nội dung chỉ đạo của Tổng cục và UBND thành phố trong công tác phòng dịch .
Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, dung dịch diệt khuẩn, vật tư y tế.
Trước đó, ngày 22/4, Cục QLTT Hải Phòng phối hợp với Công an thành phố Hải Phòng kiểm tra phát hiện xe ô tô cứu thương vận chuyển 7.500 chiếc khẩu trang không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.
Xe ôtô cứu thương BKS 15B-029.91 do lái xe Phạm Văn Vương, sinh năm 1980, đăng ký hộ khẩu thường trú xã Việt Tiến, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng điều khiển.
Tại thời điểm kiểm tra phát hiện trên xe vận chuyển 3 thùng cát tông bên trong đựng 7.500 chiếc khẩu trang chưa qua sử dụng, thông tin ghi trên hộp thể hiện là khẩu trang kháng khuẩn cao cấp, nhưng không có thông tin về đơn vị sản xuất.
Mở rộng điều tra, xác minh vụ việc, ngày 19/4/2020, tổ công tác đã phối hợp với Công an huyện Tiên Lãng, Công an xã Quang Phục tiến hành kiểm tra về việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với xưởng sản xuất mũi giày Khánh Nga tại thôn Hoàng Đông, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.
Chủ cơ sở thừa nhận số khẩu trang vận chuyển trên xe cứu thương trên được sản xuất tại xưởng sản xuất mũi giày Khánh Nga.
Kiểm tra thực tế tại xưởng có 40 máy may công nghiệp trong đó có 05 máy may công nghiệp đã được sử dụng để sản xuất khẩu trang.
Chủ cơ sở đã tự nguyện giao nộp 500 chiếc khẩu trang loại màu xanh, 300 chiếc khẩu trang loại màu trắng, 04 hộp khẩu trang vỏ hộp màu xanh lá cây (loại vải màu xanh, 50 chiếc/hộp), 55 vỏ hộp khẩu trang màu trắng loại vỏ hộp màu xanh da trời, trên vỏ hộp có ghi chữ “HINACO” không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa để phục vụ công tác điều tra, xử lý.
Kết quả kiểm tra, xử lý
Ngày 24/4/2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát 38 vụ việc.
Lũy kế từ ngày 31/1 đến ngày 23/4/2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát 8.483, số tiền xử phạt vi phạm hành chính: 4,33 tỷ đồng.