Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Iran

Thực hiện Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2022, ngày 01/4/2022 Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Iran sẽ tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Iran.

Phiên tư vấn được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại khách sạn Adonis, số 55 Quang Trung, Hà Nội, đồng thời phát trực tuyến trên nền tảng Zoom và fanpage Facebook Cục Xúc tiến thương mại.

Tại Phiên tư vấn, ông Nguyễn Thành Long, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Iran sẽ thông tin cập nhật tới các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam về tình hình thị trường, trao đổi các vấn đề về tiếp cận, áp dụng các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm… của Việt Nam sang thị trường Iran.

Phiên tư vấn cũng sẽ có sự tham gia chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn kinh doanh với thị trường Iran của bà Nguyễn Thị Hiền Giang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lâm Thành Hưng, người đã có nhiều năm sinh sống, học tập tại Iran và công tác tại Đại sứ quán Iran tại Việt Nam.

Với dân số gần 86 triệu người, Iran là thị trường có dung lượng tiêu thụ lớn tại khu vực Trung Đông. Theo số liệu của Hải quan Iran, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước này trong năm 2021 (tính theo lịch Iran, bắt đầu từ ngày 20/3/2021 đến ngày 21/12/ 2021 (không bao gồm xuất khẩu dầu thô) đạt 72,1 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 35,1 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, các mặt hàng nhập khẩu chính của Iran là: máy móc không dùng điện (chiếm 17% tổng kim ngạch nhập khẩu), sắt thép (14%), hóa chất và các sản phẩm liên quan (11%), phương tiện vận tải (9%) và máy móc, công cụ và thiết bị điện (7%)).

Các đối tác nhập khẩu chính của Iran là: Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (chiếm 31% tổng kim ngạch nhập khẩu) và Trung Quốc (17%). Những nước khác bao gồm: Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức.

Việt Nam và Iran đã ký một số thỏa thuận hợp tác như “Thỏa thuận chung về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật”, Hiệp định về thương mại (trong đó có điều khoản MFN) và lập Ủy ban hỗn hợp, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư… Hai nước có nhiều cơ hội hợp tác thương mại chưa được khai thác.

Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại Việt Nam – Iran chỉ dừng ở mức trên 100 triệu USD. Đây là con số rất khiêm tốn so với tiềm năng tiêu thụ của thị trường Iran đối với nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam.

Trong cơ cấu hàng hóa, Việt Nam xuất khẩu sang Iran chủ yếu các loại nông thủy sản như: hạt tiêu, hạt điều, chè, cà phê, hải sản, ngoài ra là một số mặt hàng cao su tự nhiên, rau củ quả, thủy hải sản, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ... và nhập khẩu từ Iran các mặt hàng như sản chất dẻo, phẩm dầu mỏ, cao su, kim loại thường, tân dược...

Việc tham gia Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Iran sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có được những thông tin hữu ích liên quan đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa với thị trường Iran.

Việt Hằng