Võ Quý Huân sinh và lớn lên trong một gia đình giáo học, giàu truyền thống cách mạng, tại Thanh Chương, Nghệ An. Năm 1937, ông đã làm chủ nhiệm tờ báo Đông Dương hoạt động (L’ activité Indochinoise), có tư tưởng tiến bộ tại Vinh. Sau đó, để tránh sự truy lùng của mật thám thực dân Pháp, ông sang Pháp vừa làm vừa học… Năm 1940, ông đã tốt nghiệp 3 bằng kỹ sư: Cơ điện, Đúc, Công nghệ chuyên nghiệp và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Pháp từ tháng 7/1939. Ông là 1 trong 4 trí thức Việt kiều yêu nước, gồm: bác sĩ Trần Hữu Tước, kĩ sư Mỏ-Luyện kim Võ Đình Quỳnh, kĩ sư Phạm Quang Lễ (sau này là Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa) và kĩ sư Đúc-luyện kim Võ Quý Huân theo Bác Hồ về nước tham gia kháng chiến.
Về Tổ quốc trong không khí cả nước đang sôi sục vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, kỹ sư Võ Quý Huân được đồng chí Phạm Văn Đồng khi đó là Bộ trưởng Bộ Kinh tế phân công giữ chức Chánh văn phòng Bộ. Sau một thời gian ngắn, tháng 4/1947, ông được phân công đảm trách cương vị Giám đốc Sở Khoáng chất - Kỹ nghệ Trung bộ, kiêm Tổng thư ký Hội đồng sản xuất kỹ nghệ miền Nam và Liên khu IV.
Ngày 19/12/1946 – toàn quốc kháng chiến, Võ Quý Huân chỉ huy sơ tán 2 nhà máy Xe lửa Tràng Thi và Điện Bến Thủy lên rừng núi phía Tây. Các nhà máy Kinh tế 1, 2, 3 cùng trường Cán bộ kỹ thuật Trung bộ lần lượt được thành lập. Tại Nhà máy Kinh tế 3 đã xây dựng lò cao sản xuất gang đầu tiên, phục vụ kháng chiến, sau được gọi là Nhà máy Kim khí kháng chiến (gọi tắt 3KC), do Võ Quý Huân làm giám đốc kiêm “tổng công trình sư” thiết kế lò cao 3KC1. Mày mò, thử nghiệm, chiều 15/11/1948, mẻ gang đầu tiên của nước ta đã được ra lò, từ quặng sắt Vân Trì, Nghi Lộc, Nghệ An đã được nhiệt luyện, nóng chảy trong lò cao 450 lít (cao 2,4m, nhiệt độ lò: 400 độ C, áp lực gió 400 mm cột nước). Dòng suối gang chảy ra trong sự reo hò của cán bộ, công nhân nhà máy cùng bà con Cầu Đất, Con Cuông, Nghệ An. Theo sau đó những trái mìn, những quả lựu đạn, những vũ khí “made in Vietnam” được chế tạo theo thiết kế của ông Trần Đại Nghĩa và sản xuất đại trà bằng gang của Võ Quý Huân lần lượt ra chiến trường, góp phần vào công cuộc kháng chiến.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, tháng 10/1954, kỹ sư Võ Quý Huân được cấp trên cử về làm Hiệu trưởng Trường Trung cấp kỹ thuật I, tiền thân là Trường Kỹ nghệ thực hành Hà Nội và nay là Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Trên cương vị Hiệu trưởng, ông đã tích cực xây dựng Trường, góp phần đào tạo ra hàng nghìn cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề phục vụ công cuộc xây dựng kinh tế trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Không chỉ là người làm ra mẻ gang đầu tiên của ngành Đúc-Luyện kim Việt Nam, mà Võ Quý Huân còn là người thầy đào tạo ra những “thợ cả” đầu tiên chuyên ngành Đúc-Luyện kim của nước nhà. Các học trò của ông từ thời kháng chiến, như các ông: Hà Học Trạc, Hoàng Bình, Thái Duy Thẩm, Nguyễn Đình Nam, Nguyễn Hựu, Nguyễn Thái Đồng, Phan Cầu… và sau ngày hòa bình 1954 là các ông: Trần Lum, Lê Ba, Trần Bạch Đằng, Vũ Đình Hoành… đều trở thành những cán bộ chủ chốt trong ngành Đúc- Luyện kim và Bộ Công nghiệp nặng. Ông là một trong những người sáng lập ra Hội Đúc-Luyện kim Việt Nam và được bầu là Phó Chủ tịch đầu tiên của Hội Đúc-Luyện kim Việt Nam.
Tháng 9/1967, do bệnh nặng, ông đã mất khi mới 55 tuổi, để lại bao niềm tiếc thương cho gia đình và đồng nghiệp ngành Đúc-Luyện kim cả nước.
Tri ân và ghi nhớ công ơn của ông
Giáo sư Vũ Khiêu
Gần đây nhất, ngày 10/10/2011, Nhà nước đã truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho nhà giáo Võ Quý Huân. Tại Hội thảo - tưởng niệm Võ Quý Huân - Người kỹ sư nặng tình non nước, đã có rất nhiều bài phát biểu của đại diện Bộ Công Thương, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao, các nhà sử học, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, cựu học sinh… ca ngợi công lao, sự đóng góp và cả sự hy sinh gia đình cá nhân vì nghĩa lớn của ông. NGƯT. TS. Trần Đức Quý - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã thay mặt hơn 1.500 cán bộ, giáo viên và 6 vạn HSSV Nhà trường có lời tri ân người Hiệu trưởng tiền bối Võ Quý Huân - người học trò xuất sắc của Bác Hồ đã về nước đặt những viên gạch đầu tiên cho Nhà trường có sự phát triển như ngày hôm nay. Nhà trường có thêm sự tự hào về truyền thống hào hùng, về sự đóng góp nguồn nhân lực cho đất nước trong mọi giai đoạn lịch sử từ 113 năm nay và hứa sẽ nối tiếp phát huy truyền thống, tiếp tục vươn lên cống hiến hết mình cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước nhà. Hội thảo - tưởng niệm Võ Quý Huân được tổ chức đúng vào dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là một sự kiện mang nhiều ý nghĩa quý báu với Nhà trường.
Ông Đặng Duy Phúc - nguyên cựu học sinh của Trường, nguyên Giám đốc Sở Công nghiệp Hà Nội đã có bài thơ viết về kỹ sư, nhà giáo Võ Quý Huân.
Em được học thầy
Trong hòa bình sau chiến tranh thắng Pháp
Nhưng danh tiếng thầy
Em nghe biết từ lâu
Một trí thức Việt kiều
Bỏ lại phía sau
Mọi cám dỗ sang giàu
Theo Bác Hồ
Về quê hương dấn thân lửa đạn
Việt Bắc
Bao phen băng rừng vượt cạn
Chẳng quản gian nan sức yếu vai gầy
Rèn luyện gang đêm ngày đánh giặc….
Em đã đi
Dưới những tán lá cây rừng dày đặc
Đất Thanh Chương giàu truyền thống quê thầy
Nhìn tận mắt những lò cao nhả khói vượt tầng mây
Kháng chiến rực lửa lòng đúc vũ khí
Võ Quý Huân
Ý chí khiến quân thù kiêng sợ….
Tuổi thanh niên
Chúng em được thầy tận tình giúp đỡ
Những kiến thức ban đầu
Ghi dạ chẳng sao quên
Những chàng trai quê bỏ qua bỡ ngỡ
Kỹ thuật khó ngày tiếp ngày thông tỏ
Thành thạo chuyên môn hiểu đạo làm người
Từ suối con hòa nhập biển khơi
Công ơn lớn suốt đời nhớ mãi
Thời gian
Chẳng bao giờ trở lại
Hình ảnh thầy
Luôn vĩ đại trong em!