Thông tin chung đề tài:
Lĩnh vực: Công nghiệp thực phẩm - Công nghệ Sinh học
Tác giả: Trần Ngọc Thông, Nguyễn Thị Út, Trần Thị Phương Nhung, Nguyễn Thái Thúy Duy, Đinh Viết Toản
Đơn vị: Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu
Nội dung chính của giải pháp/nghiên cứu
- So sánh sơ bộ các giống đậu tương triển vọng (1 vụ, 2018).
- Khảo nghiệm cơ bản các giống đậu tương triển vọng (3 vụ, 2018-2019).
- Khảo nghiệm sản xuất các giống đậu tương triển vọng (1 vụ, 2019).
- Khảo nghiệm DUS giống đậu tương triển vọng (2 vụ, 2019-2020).
- Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật canh tác cho giống đậu tương triển vọng (2 vụ, 2019-2020).
- Xây dựng mô hình thâm canh giống đậu tương triển vọng (1 vụ, 2020).
- Tự công bố lưu hành giống đậu tương (2020).
Mục tiêu giải pháp/nghiên cứu
Đề tài được thực hiện từ năm 2018 - 2020, nhằm chọn được giống đậu tương mới có năng suất và hàm lượng dầu cao, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người dân canh tác cây trồng này.
Kết quả nghiên cứu/giải pháp
Giống đậu tương VDT7 là giống triển vọng có khả năng thích nghi trên nhiều loại đất, thời vụ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. VDT7 có thời gian sinh trưởng ngắn (82-90 ngày), số quả/cây cao (67,9-85,8 quả), khối lượng 1000 hạt khá cao (151,7-158,8g), năng suất cao (2,73-3,93 tấn/ha), hàm lượng dầu (20,49-21,18%), hàm lượng protein 33,9%, giống có khả năng chống đổ ngã và tách hạt, phù hợp cho ngành công nghiệp dầu và chế biến thực phẩm.
Xây dựng được 01 quy trình canh tác cho giống đậu tương VDT7 thích hợp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Mô hình canh tác giống đậu tương VDT7 theo quy trình mới tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có năng suất và hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện nông hộ, lợi nhuận tăng thêm 17.051.000-25.712.000 đồng/ha/vụ.
Giống đậu tương VDT7 của Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã được Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT chấp thuận công bố lưu hành tại Thông báo số 1450/TB-TT-VPNN ngày 01/12/2020, được phép lưu hành trong sản xuất tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Giống VDT7 đã được Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu tự công bố lưu hành tại vùng ĐBSCL từ ngày 01/12/2020, là giống triển vọng có tiềm năng để xây dựng dự án sản xuất giống đại trà, cung ứng giống cho khu vực phía Nam.
Giá trị ứng dụng
Giống đậu tương VDT7 được tuyển chọn có nhiều đặc điểm phù hợp canh tác tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long: thời gian sinh trưởng ngắn (82-90 ngày), chống đổ ngã và tách hạt ngoài đồng, số quả/cây cao (67,0-85,8 quả), năng suất 2,7-3,9 tấn/ha và hàm lượng dầu cao (20,49-21,18%).
Mô hình sản xuất giống đậu tương VDT7 tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện nông hộ địa phương. Mô hình canh tác giống VDT7 có lợi nhuận 17.051.000-25.712.000 đồng/ha/vụ, cao hơn canh tác truyền thống (chỉ đạt 11.680.000 - 17.340.000 đồng/ha/vụ).
Quy trình canh tác giống đậu tương VDT7 đơn giản, dễ áp dụng và giảm ô nhiễm môi trường do sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, phù hợp với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Vì vậy, việc bổ sung giống VDT7 vào bộ giống đậu tương quốc gia và sử dụng rộng rãi trong sản xuất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng có điều kiện tương tự, sẽ góp phần cải thiện năng suất, hàm lượng dầu, và hiệu kinh tế của cây đậu tương.