Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, về công tác quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đã tăng cường triển khai kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế trên thị trường.
Đó là thẩm định và trả lời trên 13 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế theo quy định của Luật Cạnh tranh 2004; Tiếp nhận và xử lý trên 50 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018; Chủ động nghiên cứu, rà soát các giao dịch mua bán, sáp nhập trên thị trường.
Đồng thời, giám sát việc thực hiện quyết định xin hưởng miễn trừ tập trung kinh tế của doanh nghiệp; Thường xuyên rà soát các giao dịch tập trung kinh tế trên thị trường, cập nhật, thống kê và tổng hợp dữ liệu về tình hình mua bán, sáp nhập, hợp nhất, liên doanh của các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước, các doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Về quản lý hành vi hạn chế cạnh tranh: Chủ động tiến hành điều tra tiền tố tụng khoảng gần 100 vụ việc trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề để thu thập, xác minh các thông tin, dấu hiệu về các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh, trên cơ sở đó khởi xướng điều tra 5 vụ việc và đã có báo cáo Hội đồng cạnh tranh để xử lý đối với 4 vụ việc, trong đó có những vụ việc có tính thời sự và nhận được nhiều sự quan tâm.
Về quản lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh: Đã tiến hành điều tra theo thủ tục tố tụng cạnh tranh với 56 vụ việc, thu về tổng số tiền phạt 12.806.250.000 đồng và nộp về ngân sách nhà nước tổng cộng 13.366.250.000 đồng (bao gồm cả phí xử lý vụ việc cạnh tranh) - số liệu bao gồm cả điều tra và xử lý theo thủ tục tố tụng cạnh tranh đối với hành vi bán hàng đa cấp bất chính của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị điều tra và xử lý tập trung chủ yếu vào các dạng hành vi: quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, dèm pha doanh nghiệp khác, chỉ dẫn gây nhầm lẫn, bán hàng đa cấp bất chính.
Đối với quản lý hoạt động bán hàng đa cấp: Công tác chỉ đạo, điều hành trong công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được đẩy mạnh, công tác cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, hạn chế tối đa nguy cơ doanh nghiệp lợi dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thực hiện các hoạt động thu lợi bất chính.
Theo đó, từ năm 2017 đến nay chỉ có 3 doanh nghiệp được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Trong giai đoạn năm 2016 - 2020, đã điều tra và xử lý theo thủ tục tố tụng cạnh tranh đối với gần 20 doanh nghiệp bán hàng đa cấp có hành vi vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp với tổng số tiền phạt hơn 11 tỷ đồng; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 24 doanh nghiệp.
Song song với hoạt động điều tra và xử lý vi phạm theo thủ tục tố tụng cạnh tranh, Bộ cũng thực hiện hiệu quả việc xử phạt doanh nghiệp bán hàng đa cấp vi phạm theo chức năng thanh tra chuyên ngành được giao. Đến nay, chỉ còn 22 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động trên thị trường.
Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tiếp tục đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động. Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nhằm hỗ trợ xây dựng và kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng từ Trung ương tới địa phương (tới cấp huyện); từng bước đảm bảo nguồn lực để tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương.
Số lượng các vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng được giải quyết tại Bộ Công Thương tiếp tục có sự gia tăng rõ nét so với giai đoạn 2011 - 2015 trước đó.
Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng tại đầu số 1800.6838 tiếp nhận trung bình năm là 8.000 cuộc gọi tới, tỷ lệ cuộc gọi được tư vấn là gần 60%. Cùng với đó, số lượng khiếu nại gửi tới Bộ Công Thương duy trì ở mức 600 - 700 hồ sơ khiếu nại trung bình năm. Tỷ lệ giải quyết khiếu nại thành công luôn ở mức cao, trên 95%.