Tập đoàn ngân hàng UBS dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu sẽ dần phục hồi trở lại khi các nền kinh tế dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát sự lây lan của đại dịch Covid-19 trong tháng này. Bên cạnh đó, giá dầu thô cũng nhận được sự hỗ trợ khi nhiều quốc gia và các hãng khai thác dầu thô cắt giảm mạnh sản lượng khai thác khi giá dầu thô xuống mức thấp kỷ lục.
UBS dự báo thị trường dầu thô sẽ tái cân bằng trở lại trong quý 3/2020 và sẽ thiếu hụt nguồn cung trong quý 4/2020; theo đó, giá dầu thô Brent sẽ phục hồi lên mức 43 USD/thùng vào cuối năm 2020 và tăng lên mức 55 USD/thùng vào giữa năm 2021.
Chốt phiên giao dịch ngày 5/5, giá dầu thô Brent được giao dịch tại mức 29,15 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 22,11 USD/thùng. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã lần lượt giảm 56% và 60%; và rơi vào tình trạng giá xuống trong tháng 4/2020 trong bối cảnh các biện pháp phong toả và hạn chế đi lại nhằm ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch Covid-19 đã khiến hầu hết hoạt động kinh tế bị đình trệ trên toàn cầu.
Tuy nhiên, UBS cũng cho biết nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu sẽ giảm mạnh trong quý 2/2020 với mức sụt giảm nhu cầu sử dụng ở mức 15 triệu thùng/ngày, giảm nhẹ so với mức dự báo giảm 20 triệu thùng/ngày được đưa ra trước đây.
Theo UBS, nguồn cung dầu thô trên toàn cầu trong quý 2/2020 sẽ giảm 6 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2019. Nhu cầu sử dụng dầu thô có thể sẽ tiếp ttucj phục hồi trong suốt nửa cuối năm 2020 nhưng UBS cũng cho biết những thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng do đại dịch Covid-19 gây ra có thể khiến nhu cầu sử dụng dầu thô không phục hồi nhanh về mức trước khi dịch bệnh xảy ra.
UBS dự báo với việc cắt giảm mạnh sản lượng khai thác trong tháng 5 và tháng 6/2020, các quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể sẽ tăng cường sản xuất trở lại với tổng mức sản lượng khai thác tăng thêm 2 triệu thùng/ngày.
Kể từ ngày 1/5 vừa qua, liên minh OPEC+ gồm OPEC và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu đã cắt giảm mạnh sản lượng ở mức cao lịch sử, giảm 9,7 triệu thùng/ngày tương ứng gần 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.