Công nghệ in 3D – Tương lai mới của ngành thời trang
Chúng ta có thể thưởng lãm tương lai của công nghệ in 3D qua các triển lãm. Ví dụ, ‘Manus x Machina, tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, vào năm 2016. Triển lãm đã chỉ ra sự khác biệt giữa hàng may mặc thủ công và hàng may mặc kỹ thuật mới. Đồng thời, một vài kiệt tác như các bộ suit của Chanel được in bằng kỹ thuật 3D cũng được giới thiệu.
Triển lãm này đã hé lộ bức màn của sự hiện diện mới mẻ của kỹ thuật in 3D trong thời trang. Nhiều người xem đây là bước ngoặt mới mở ra giải pháp cho các ngành công nghiệp may dệt. Ngành may mặc vốn đang đối mặt với những vấn đề liên quan đến môi trường.
Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ này ở quy mô đại trà vẫn là một sự thách thức. Bởi lẽ, công nghệ này đòi hỏi khá nhiều chi tiết phức tạp.
Công nghệ 3D khuếch trương khả năng sáng tạo
Công nghệ 3D phù hợp để hiện thực hóa các cấu trúc phức tạp. Như chiếc váy của nhà Zac Posen mà Jourdan Dunn đã mặc tại MET Gala năm nay. Hoặc những chiếc đầm mang hình ảnh khung xương người của nhà thiết kế Hà Lan Iris van Herpen. Các thiết kế này được chế tác hoàn toàn từ kỹ thuật in 3D. Và những kiểu giày cao gót 25cm của thiên tài quá cố Alexander Mcqueen trong show diễn Plato Atlantis năm 2010.
Valérie Vriamont, nhà phát triển kinh doanh và tư vấn đổi mới tại Materialize cho biết: “Kỹ thuật in 3D giúp chắp cánh cho sự sáng tạo của các nhà thiết kế”. Công ty có trụ sở tại Bỉ này chuyên gia công các sản phẩm thời trang kỹ thuật 3D cho nhà Iris Van Herpen.
Materialize còn sản xuất gọng kính và đế giày cho nhiều thương hiệu thời trang bình dân. Theo Vriamont, tỷ lệ sử dụng gọng kính in 3D đã tăng mạnh. Phương pháp in 3D cung cấp sự linh hoạt trong sản xuất. Bởi vì kỹ thuật 3D cho phép cập nhật mẫu mã gọng kíng thật nhanh, theo xu hướng thời trang mới. Chỉ cần thay đổi những thông số trên file thiết kế điện tử. Công nghệ 3D còn giúp tránh rủi ro tồn đọng hàng, vốn là điều khó tránh khỏi nếu sử dụng phương thức sản xuất truyền thống.
Những đôi giày Futurecraft của Adidas
“Tưởng tượng bạn bước vào một cửa hàng Adidas. Chỉ cần chạy vài phút trên máy chạy bộ. Ngay lập tức, máy sẽ sản xuất một đôi giày in 3D vừa vặn như in với bàn chân bạn!”.
Đây là tuyên bố của Adidas khi giới thiệu mẫu Futurecraft, một đôi giày thể thao với đế in 3D. Năm ngoái, Adidas đã bán hơn 100,000 đôi Futurecraft 4D. Giá bán lẻ khoảng 300 đô-la Mỹ nhưng Adidas vẫn bán cháy hàng. Thậm chí, thương hiệu thể thao còn muốn tăng sản lượng trong tương lai.
Khác với kỹ thuật gia công thông thường, đế giày được sử dụng công nghệ in 3D có thể thay đổi dễ dàng theo vóc dáng của người mua hàng. Ví dụ tùy chỉnh độ dày mỏng dựa vào nhân trắc học, thói quen sinh hoạt và trọng lượng của người mặc. Tuy nhiên, việc cá nhân hóa từng chiếc giày còn khá xa vời. Adidas hiện đang hợp tác với công ty công nghệ Carbon của Mỹ để rút ngắn thời gian in ấn. Đồng thời, đánh giá doanh thu tiềm tàng của loại giày này trong tương lai.
Những hạn chế của công nghệ in 3D trong thời trang
Cho đến nay, ngành in ấn 3D mới chủ yếu được áp dụng cho các sản phẩm concept. Hoặc những thiết kế thời trang và nữ trang haute couture.
Ông Alexander Artschwager, nhà nghiên cứu tại viện Denkendorf phát biểu: “Vẫn còn rất nhiều việc phải làm cho đến khi công nghệ này được đưa vào thực tiễn”. Ông cũng nhận định, hẳn còn mất một thời gian rất dài trước khi công nghệ in 3D được áp dụng vào việc sản xuất hàng loạt. Đặc biệt vì công nghệ in 3D chưa giải quyết được vấn đề dệt vải. Nếu có, các dự án đang dừng chân ở thể trạng thử nghiệm.
Bên cạnh đó, chi phí in ấn 3D cũng còn khá cao. Đây là một bức tường ngăn trở sự mở rộng của công nghệ này trong ngành may mặc. Những sinh viên trẻ muốn áp dụng công nghệ 3D vào tác phẩm tốt nghiệp phải chi trả lên đến 2,500 Euro. Còn một mẫu áo khoác in bằng 3D hoàn toàn phải có mức giá hơn 10.000 Euro.
Ứng dụng công nghệ in 3D trong thời trang tại Việt Nam
Hôm 01/6/2019, nhà sản xuất công bố dự án phim Phượng khấu. Đây là một bộ phim nói về bà thái hậu Từ Dũ. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết: “Phim sẽ phỏng dựng các trang phục của triều Nguyễn”. Bộ phim sẽ sử dụng gần 300 chiếc mão của triều đình cho vua, quan và các cung tần mỹ nữ. Để làm một chiếc mão như vậy phải mất một năm. Nhà sản xuất sẽ ứng dụng công nghệ in 3D vào việc sản xuất những chiếc mão này để đáp ứng nhu cầu dựng phim.
Đây là dự án đầu tiên ứng dụng công nghệ in 3D tiên tiến của thế giới vào ngành thời trang Việt Nam.
Tương lai của công nghệ in 3D trong ngành thời trang
Ông Artschwager nhận định: “Thời trang vẫn phát triển nếu không có kỹ thuật in 3D. Và ngược lại. Chính vì vậy, cả hai cần tương tác với nhau một cách sáng tạo hơn.”
Có thể kỹ thuật 3D sẽ không thể được ứng dụng rộng rãi. Song, các công ty gia công có thể áp dụng công nghệ này để rút ngắn các khâu sản xuất. Chẳng hạn, như trong công đoạn sản xuất hàng mẫu. Các sản phẩm mẫu in 3D sẽ dễ dàng giúp nhà sản xuất thay đổi thông số, kích cỡ hay họa tiết. Chắc chắn đây sẽ là những bước tiến đầu tiên của sự hòa nhập giữa kỹ thuật in 3D và ngành may mặc.