Lưới điện thông minh là gì?
Lưới điện
thông minh - theo Climate Group định nghĩa là tập hợp các thiết bị phần cứng và
các công cụ phần mềm nhằm truyền tải điện hiệu quả hơn, giảm công suất dư thừa,
quản lý thông tin tức thời theo nhu cầu thực tế. Lưới điện thông minh đạt hiệu
quả cao trong giám sát điện năng, truyền và thu thập dữ liệu ngay trên đường
truyền tải.
Theo Adam và Wintersteller thì lưới điện thông minh là lưới điện có
sử dụng công nghệ kỹ thuật số để tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, kết hợp
tốt hơn các nguồn năng lượng "xanh” và thông tin đến khách hàng thông qua
các thiết bị thông minh. Như vậy có thể thấy có nhiều các định nghĩa về lưới
điện thông minh trên thế giới hiện nay, trong đó các định nghĩa đều tập trung
vào ứng dụng các công nghệ mới cho hệ thống truyền tải, phối hợp giữa các nguồn
điện cho sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng “xanh”, cung cấp các dịch vụ linh
hoạt (phần mềm quản lý và giám sát) để khách hàng lựa chọn phương thức sử dụng
điện hợp lý, dùng các cảm biến thông minh có khả năng xử lý giao thức truyền
thông và mạng truyền thông công nghiệp.
Mô tả về lưới điện thông minh và các thành
phần chính có thể được thể hiện trên hình dưới đây.
Như vậy có thể thấy hướng nghiên cứu vể Smartgrid đang là xu thế chung của thế giới. Việc nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới cho hệ thống này là cần thiết ở Việt Nam, khi Chính phủ đã phê duyệt đề án “Phát triển lưới điện thông minh ở Việt Nam”, từ năm 2012 đến năm 2020, theo Quyết định số 1670/QĐ TTg ngày 8/11/2012.
Những nghiên cứu về lưới điện thông minh cần có dự án lớn tổng thể, có trọng tâm nhằm khai thác triệt để các nguồn năng lượng xanh, sạch. Nên tiếp tục khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào thị trường điện, tiếp tục nghiên cứu và phát triển các hướng nghiên cứu thực nghiệm liên quan đến hệ thống các thiết bị đo và quản lý năng lượng trong lưới điện thông minh trong công nghiệp,…
Những bước đi mới
Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức (GIZ) do ông Yiannis Neophytou - Bí thư thứ nhất, phụ trách phát triển, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam làm trưởng đoàn
Tại buổi tiếp và làm việc, hai bên đã lắng nghe đề xuất về việc thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật “Lưới điện Thông minh cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng”, thành quả của nỗ lực trao đổi hợp tác trong lĩnh vực truyền tải điện giữa Cục Điều tiết điện lực Việt Nam (ERAV) và GIZ.
Dự án được tài trợ bởi nguồn Quỹ Sáng kiến khí hậu và công nghệ Đức (German Climate and Technology Initiative) của GIZ phối hợp với Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và dự kiến được thực hiện trong 4 năm (2017-2021) bởi ERAV và GIZ. Định hướng của dự án là xác định các nhược điểm của hệ thống truyền tải điện của Việt Nam, từ đó đưa ra các khuyến nghị về chính sách, về ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để tối ưu hóa hiệu suất của hệ thống. Dự án sẽ có 3 nhóm hoạt động chính:
(i) Hỗ trợ xây dựng khung pháp lý và các chính sách, quy định liên quan để phát triển Lưới điện Thông minh trong đó tập trung vào lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin.
(ii) Hỗ trợ nâng cao năng lực thông qua tổ chức các hội thảo, khóa đào tạo và đoàn công tác tham quan học hỏi để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển Lưới điện Thông minh.
(iii) Hợp tác công nghệ thông qua nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ, dịch vụ mới trong lĩnh vực Lưới điện Thông minh.Đại diện GIZ tin tưởng dự án sẽ còn là một cơ hội tốt để Việt Nam có sự trao đổi, học hỏi từ Đức các công nghệ, thực hành tiên tiến trong lĩnh vực truyền tải điện để có những đầu tư công nghệ thích hợp không chỉ cho nhu cầu ổn định lưới điện hiện tại mà còn cởi mở đối với việc nâng cấp hệ thống trong tương lai.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đồng tình với ý kiến này và bày tỏ sự vui mừng nhận thấy những bước tiến của quan hệ hợp tác năng lượng giữa hai nước nói chung và hợp tác trong lĩnh vực truyền tải điện giữa GIZ và ERAV nói riêng, đồng thời khẳng định lộ trình Lưới điện Thông minh là một chủ trương từ cấp lãnh đạo cao nhất của Việt Nam. Về chủ trương, Bộ Công Thương hoàn toàn tán thành việc thực hiện dự án Lưới điện Thông minh trên cơ sở đề cương được trình bày và giao ERAV làm đầu mối tiếp nhận dự án và chủ trì việc tiếp tục trao đổi với GIZ để đi đến ký kết biên bản ghi nhớ tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện dự án.