TS. Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, thời gian tới nhu cầu xỉ lò cao cho sản xuất xi măng có thể đạt tới 20 triệu tấn. Đây chính là sản phẩm làm nguyên liệu quan trọng trong sản xuất xi măng nhưng thực tế lâu nay xỉ trong ngành sản xuất thép lại chỉ được coi là sản phẩm phụ, thậm chí còn được coi như phế thải thông thường. Hiện các doanh nghiệp đã bắt đầu chú ý nhiều hơn đến vấn đề tái chế, sử dụng xỉ gang thép. Thực sự Việt Nam còn nhiều dư địa để ngành thép cung cấp xỉ cho ngành công nghiệp xi măng phục vụ cho sản xuất.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch VSA cho biết: “Khối lượng xỉ của công nghiệp gang thép năm 2018 có thể đạt 4,23 triệu tấn và dự kiến đạt 7,1 triệu tấn năm 2020. Việc xử lý và sử dụng xỉ luyện gang và luyện thép mang lại nhiều lợi ích kinh tế và môi trường và có đóng góp to lớn cho sự phát triển bền vững”.
Tuy nhiên, thực tế thì việc tái chế, sử dụng xỉ gang thép còn rất nhiều khó khăn. Bà Đậu Thị Hoa, Cán bộ môi trường của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cho biết, hiện công ty đã nhận được hợp chuẩn làm cấp phối đường, làm nền; được công nhận là sản phẩm hàng hóa, nhưng khi sử dụng trong nhà máy hoặc chuyển giao ra bên ngoài, còn gặp nhiều khó khăn, mỗi đơn vị chủ quản yêu cầu cung cấp nhiều văn bản pháp lý khác nhau. Do đó, bà Hoa kiến nghị, Chính phủ cần ban hành tiêu chuẩn cơ bản khi đưa xỉ thép vào ứng dụng, đồng thời hỗ trợ cho doanh nghiệp đưa các sản phẩm tái chế từ xỉ thép ứng dụng các công trình xây dựng thay thế vật liệu tự nhiên, đặc biệt các nhà máy sản xuất xi măng. Bên cạnh đó, hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về lợi ích của vật liệu xỉ thép, tránh hiểu nhầm đây là chất thải hoặc có độc hại với môi trường.
Đại diện Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam - VNSTEEL, ông Nguyễn Thanh Thịnh - Phó Quản đốc phân xưởng sản xuất khẳng định, Công ty Thép Miền Nam luôn giữ vững quan điểm sản phẩm xỉ thu hồi phải là sản phẩm tốt. Thép miền Nam rất chú trọng việc xử lý phế liệu nhập khẩu, các phế liệu này phải được tách kim loại màu, loại bỏ tạp chất, xử lý sạch…, cắt nhỏ gọn đưa vào khu xử lý riêng, loại bỏ hết tạp chất… Điều này có lợi cho mọi ứng dụng “hậu kỳ” của xỉ thải của Công ty sau này.
Rõ ràng, nhận thức xỉ gang thép là chất thải rắn cần xử lý, chôn cất tại Việt Nam đã trở nên vô cùng lạc hậu, điều này không những gây tác động xấu đến môi trường mà còn tốn kinh phí và chiếm dụng diện tích đất nhất định cho việc xử lý xỉ gang thép. Tái chế sử dụng xỉ gang thép không những mang lại lợi ích về môi trường, kinh tế mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội. Khi hành lang về pháp lý được hoàn thiện, giá trị của xỉ gang thép sẽ được "ứng xử" một cách công bằng.