Sáng 26/12, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chủ trì và điều hành Hội nghị các Trụ cột Cộng đồng ASEAN nhân kỷ niệm 50 năm ASEAN.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị các bộ, ngành kiểm điểm quá trình tham gia hợp tác ASEAN theo từng lĩnh vực hợp tác cụ thể, đề xuất các biện pháp nhằm đóng góp chủ động, tích cực, có trách nhiệm và tăng cường hiệu quả thực chất các hoạt động trong tham gia hợp tác ASEAN, đồng thời đề xuất lộ trình, các bước triển khai cụ thể chuẩn bị tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chủ trì và điều hành Hội nghị (ảnh TTXVN)Đánh giá kết quả hội nhập kinh tế ASEAN của Việt Nam và định hướng cho giai đoạn 2018 – 2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định hợp tác kinh tế ASEAN lấy ASEAN làm hạt nhân để thúc đẩy quan hệ toàn diện với nhiều đối tác quan trọng khác trên thế giới đến nay đã đem lại những kết quả thiết thực, cụ thể, đóng góp to lớn cho thành tựu phát triển chung của ASEAN.
Thành tựu nổi bật nhất của trụ cột kinh tế là Việt Nam đã tranh thủ được những cơ hội trong hội nhập kinh tế ASEAN để mở rộng thị trường xuất khẩu, bước đầu tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải cách chính sách trong nước, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với yêu cầu hội nhập.
Cụ thể, sau hơn 20 năm tham gia ASEAN, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN đã tăng xấp xỉ 7,7 lần, từ 5.91 tỉ đô la Mỹ năm 1996 lên tới 45,23 tỷ đô la Mỹ tính tại thời điểm cuối tháng 11 năm 2017, trong đó xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào ASEAN tăng 12,4 lần so với thời điểm bắt đầu tham gia Khu vực thương mại tự do ASEAN, với tốc độ bình quân 10%/năm.
Tuy vậy, trong lĩnh vực này, ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức như sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, tâm lý coi trọng hợp tác song phương hơn đa phương và nhất là sự thiếu vắng các sản phẩm mũi nhọn khiến hợp tác kinh tế chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Đại diện các Bộ Công Thương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng một số đại diện các Bộ ngành đã có tham luận về từng lĩnh vực hợp tác.
Các đại biểu nhất trí đánh giá ASEAN đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực; 22 năm tham gia hợp tác mang lại cho Việt Nam những lợi ích quan trọng, thiết thực, trong đó có kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.
Hội nghị đánh giá trong bối cảnh ngày nay, tham gia ASEAN của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, nhất là về nhận thức, nguồn lực, cơ chế điều phối, phối hợp giữa các bộ, ngành. Do vậy, để đạt được các mục tiêu đặt ra, các đại biểu kiến nghị cần đặc biệt tập trung thúc đẩy nhận thức của người dân về ASEAN, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh biểu dương sự tham gia tích cực và đóng góp hiệu quả của các bộ, ngành tham gia hợp tác ASEAN thời gian qua; chỉ ra những hạn chế, tồn tại đề nghị các bộ, ngành sớm khắc phục để tận dụng hết hiệu quả và lợi ích do hợp tác ASEAN mang lại.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần có biện pháp cụ thể nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của ASEAN đối với Việt Nam; sớm kiện toàn bộ máy và tăng cường năng lực cho cán bộ; xây dựng lộ trình triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể theo từng lĩnh vực.
Để chuẩn bị cho Việt Nam tiếp nhận cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp với Bộ Ngoại giao cùng trao đổi, đề xuất các ưu tiên, trọng tâm sáng kiến, thể hiện đóng góp “chủ động, tích cực và có trách nhiệm” của Việt Nam trong tham gia hợp tác ASEAN.