Vai trò của các cơ quan báo chí, xuất bản thuộc Bộ trong việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đảng

Ban cán sự đảng Bộ Công Thương xác định Báo chí là phương tiện thông tin, là công cụ tuyên truyền rất hữu hiệu trong việc đưa các cơ chế, chính sách quản lý nhà nước liên quan đến ngành Công Thương đến với người dân, giúp dân hiểu, dân tin và tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện nên đã quan tâm việc kiện toàn lại tổ chức bộ máy cũng như chú trọng công tác nhân sự tại các Báo, Tạp chí, Nhà xuất bản thuộc Bộ.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trong một lần đến thăm Tạp chí Công Thương
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trong một lần đến thăm Tạp chí Công Thương

 

Nhờ vậy, thời gian qua, các cơ quan báo chí, xuất bản thuộc Bộ đã thông tin, tuyên truyền tốt, phản ánh đầy đủ, chính xác và kịp thời các tin tức không chỉ liên quan đến ngành mà cả các tin tức, các sự kiện quan trọng của đất nước; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của cả nước; công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo; công tác thông tin đối ngoại…

Luật Báo chí năm 2016 định nghĩa: “Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử”. Qua định nghĩa, có thể thấy báo chí luôn quan hệ chặt chẽ với đời sống tinh thần xã hội, trực tiếp là công chúng.

Một số sự kiện, vấn đề liên quan báo chí trong thời gian qua cho thấy các sản phẩm thông tin khách quan, chính xác, lành mạnh, sinh động, những bình luận, đánh giá, cảnh báo có trách nhiệm của báo chí luôn đưa tới hiệu ứng xã hội tích cực, tác động hiệu quả đến nhận thức, tri thức, niềm tin và hành động của công chúng. Những sản phẩm thông tin thổi phồng tiêu cực, sai sự thật, tin giả… không những không giúp ích mà còn khiến công chúng nhận thức lệch lạc về một số vấn đề trong đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội, đến đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Trong bối cảnh các thế lực thù địch, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đang sử dụng truyền thông làm công cụ truyền bá quan điểm sai trái, tiến công vào nền tảng tư tưởng chính trị của Ðảng, lung lạc và tác động đến đạo đức, lối sống của xã hội,… thì việc phát huy vai trò tích cực của báo chí càng trở nên quan trọng, trong đó cần đặc biệt nhấn mạnh vai trò các cơ quan báo chí.

Tại Ðiều 16 Luật Báo chí năm 2016 quy định, cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của “cơ quan của Ðảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam” (khoản 1 Ðiều 14); và khoản 1 Ðiều 17 về điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí quy định cơ quan báo chí phải: “Xác định loại hình báo chí; tôn chỉ, mục đích phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản; đối tượng phục vụ; chương trình, thời gian, thời lượng, phương thức truyền dẫn, phát sóng (đối với báo nói, báo hình); tên miền, nơi đặt máy chủ và đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối (đối với báo điện tử)”. Qua đó nổi lên hai vấn đề cơ bản đối với cơ quan báo chí là tư cách ngôn luận của cơ quan chủ quản, sản phẩm thông tin phải luôn phù hợp với tôn chỉ, mục đích, với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản và đối tượng phục vụ.

Thấm nhuần các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ các đơn vị báo, tạp chí, thuộc Bộ Công Thương đã xây dựng các chương trình, mục tiêu phát triển bám sát các nội dung của Luật Báo chí 2016. Các đồng chí Thủ trưởng Báo, Tạp chí, Nhà xuất bản thuộc Bộ đều ý thức nghiêm túc về việc nêu cao trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc định hướng dư luận, trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”  trên cơ sở đó lãnh đạo, chỉ đạo việc sản xuất, đưa thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội, đáp ứng một cách có trách nhiệm, hiệu quả yêu cầu “chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt” như Nghị quyết TƯ 4 đã khẳng định. Đồng thời, các cấp ủy đảng, lãnh đạo các đơn vị Báo, Tạp chí, Nhà xuất bản thuộc Bộ đều rất quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phóng viên, biên tập viên về trình độ nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp…

Thực tế vừa qua cho thấy, đằng sau một quyết định hành chính, một hiện tượng kinh tế, văn hóa, xã hội gây tranh cãi, xuất hiện những ý kiến trái chiều, dư luận xã hội chưa đồng thuận. Các nhà báo khi đó phải có “trái tim nóng và cái đầu lạnh”; phải bình tĩnh, thận trọng, không vội vàng đưa tin hay bình luận khi chưa nắm chắc bản chất của vấn đề; Nôn nóng trong đưa tin lúc này nhiều khi “lợi bất cập hại”. Vì vậy, nhà báo cần hết sức thận trọng, khách quan, không định kiến, đồng thời tranh thủ ý kiến chuyên gia, nhất là những chuyên gia có uy tín xã hội, am hiểu vấn đề có liên quan để từ đó cân nhắc đưa thông tin từ nhiều góc độ, nhiều cách tiếp cận để định hướng nhận thức và dư luận xã hội. Thêm vào đó, các đơn vị báo, tạp chí thuộc Bộ cũng có những biện pháp giám sát, quản lý việc sử dụng mạng xã hội của các cán bộ, phóng viên mình quản lý.

Tại các buổi sinh hoạt đảng định kỳ, sinh hoạt nghiệp vụ của cơ quan đều có lồng ghép nhắc nhở về kỷ luật phát ngôn, lưu ý việc thông tin lên mạng xã hội cũng như việc bình luận trên mạng xã hội… Đến nay, các đơn vị báo chí thuộc Bộ Công Thương chưa xảy ra trường hợp nào vi phạm chủ trương đường lối của Đảng, các quy định của pháp luật trong hoạt động báo chí, truyền thông trên mạng xã hội.

Các cơ quan báo chí đã dành thời lượng đáng kể với những hình thức phong phú, nội dung thiết thực để tuyên truyền, cổ vũ nhân dân góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhiều bài báo có chất lượng tốt, phản ánh kịp thời những tấm gương điển hình tiên tiến; phát hiện, phê phán, lên án những tổ chức, cá nhân có biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tạo nên những áp lực đủ mạnh để các cơ quan, tổ chức chủ động, tích cực hơn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Việc tích cực tham gia Giải Búa liềm vàng trong những năm vừa qua đã tạo động lực quan trọng để nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng, qua đó phát huy hiệu quả vai trò của báo chí trong lĩnh vực công tác này. Các bài viết của các đơn vị Báo, Tạp chí thuộc Bộ đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp, cán bộ, đảng viên trong toàn Ngành về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Trong thời gian tới, để công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng đem lại hiệu quả cao, cần phải phát huy sự chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân. Trong đó, báo chí có vai trò rất quan trọng. Để “Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, trong thời gian tới, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị Báo, Tạp chí, Nhà xuất bản thuộc Bộ cần làm tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, các cấp ủy đảng trong các cơ quan báo chí cần tăng cường các hoạt động giáo dục, nâng cao lý luận chính trị cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên bằng nhiều hình thức phong phú để mỗi nhà báo đều trở thành những chiến sĩ cách mạng luôn tiên phong trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng ta. Cần chú trọng công tác phát triển đảng trong đội ngũ nhà báo. Việc tuyển chọn đội ngũ phóng viên cần thực hiện thận trọng, nhằm bảo đảm những người làm báo ngoài phẩm chất chính trị phù hợp, còn có đạo đức, nhân cách tốt để có thể thực hiện tốt công việc của mình. Ban biên tập các báo, tạp chí cần thực hiện tốt công tác kiểm soát kỹ nội dung, không để những thông tin chưa kiểm chứng hoặc phản ánh chưa đúng sự thật xuất hiện trên mặt báo.

Hai là, chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt của ngành Công Thương nói riêng và của xã hội nói chung.

Ba là, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm quy định về thông tin, báo chí, tuyên truyền”. Cũng như có cơ chế bảo vệ an toàn cho các phóng viên trước các thế lực xấu.

Bốn là, đổi mới nội dung, phương thức đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trước sự phát triển đa dạng, đầy biến động của “cư dân mạng”; cần đặc biệt coi trọng tăng cường các bài viết phù hợp với tư tưởng của đông đảo quần chúng đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái trên mạng xã hội. Trong đó, cần đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch theo hướng chủ động, có tính thuyết phục cao; vận dụng các hình thức tuyên truyền để định hướng, lôi kéo “cư dân mạng” đấu tranh, phản bác có hiệu quả.

Năm là, xây dựng đội ngũ cộng tác viên, hỗ trợ chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý cho lực lượng tham gia đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; khuyến khích, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân chủ động tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn bó và đồng hành với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

BAN CHỈ ĐẠO 35 BỘ CÔNG THƯƠNG