Nhiều nội dung mới đã được thảo luận, đặc biệt là nội dung Quy hoạch bảo vệ môi trường là vấn đề đã được Chính phủ nhất trí không đưa vào dự thảo nhưng được các Đại biểu Quốc hội quan tâm và đặt câu hỏi. Với vai trò cán bộ theo dõi hoạt động bảo vệ môi trường và tham gia biên tập Luật Bảo vệ môi trường, tác giả xin được đưa ra một số quan điểm để trao đổi cùng các nhà nghiên cứu chính sách nhằm hỗ trợ quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.
Quy hoạch môi trường hay Quy hoạch bảo vệ môi trường?
Theo dõi quá trình thảo luận tại Hội trường, các Đại biểu quốc hội đưa ra cả khái niệm Quy hoạch môi trường và Quy hoạch bảo vệ môi trường, vậy quy hoạch môi trường và quy hoạch bảo vệ môi trường là gì?
Cho đến nay, chưa có một định nghĩa cụ thể trên phương diện pháp lý (trong các phiên bản Luật bảo vệ môi trường từ năm 1993 đến nay) cũng như các tài liệu khoa học chính thống tại Việt Nam có định nghĩa về Quy hoạch bảo vệ môi trường. Trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 có xác định nội dung Quy hoạch bảo vệ môi trường khu đô thị theo đó đây là nội dung quy hoạch các cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải môi trường như hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại hay quy hoạch nghĩa trang … Theo Dự thảo luật bảo vệ môi trường sửa đổi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20 tháng 2 năm 2014 vừa qua, Quy hoạch bảo vệ môi trường là hệ thống quy hoạch hạ tầng kỹ thuật môi trường hay nói cụ thể hơn là các hệ thống công trình phục vụ công tác bảo vệ môi trường như hệ thống công trình thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp, hệ thống các trạm quan trắc, hạ tầng môi trường nước. Như vậy, chúng ta đã gặp phải một vấn đề không mới và hoàn toàn đã được quy định tại các văn bản Luật chuyên ngành có liên quan như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Tài nguyên nước... Đây là lý do các Thành viên Chính phủ đã nhất trí không đưa nội dung Quy hoạch bảo vệ môi trường vào dự thảo trình Quốc hội ngay từ kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIII.
Quy hoạch môi trường là gì?
Từ những năm 2004, 2005 đã có khá nhiều nghiên cứu và tài liệu khoa học tiếp cận vấn đề này. Theo đánh giá tổng hợp về Phương pháp luận Quy hoạch môi trường năm 2004 trong giai đoạn đầu nhưng năm 2000 đã có các Quy hoạch môi trường đồng bằng sông Hồng, Quy hoạch môi trường vùng Đông nam bộ, Giáo trình Quy hoạch môi trường và các tài liệu hướng dẫn xây dựng Quy hoạch môi trường được Tổng cục môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện … Tuy nhiên chưa có một định nghĩa chính thức nào về Quy hoạch môi trường được đưa ra và ứng dụng một cách thống nhất từ các tài liệu này. Thậm chí, tài liệu nghiên cứu Phương pháp luận về quy hoạch môi trường do Trung tâm nghiên cứu vùng Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện năm 2004 chỉ đưa ra một định nghĩa mang tính suy diễn về vấn đề này. Theo đó tài liệu viết cụ thể: “Thực chất Quy hoạch môi trường là việc tổ chức không gian lãnh thổ và sử dụng các thành phần môi trường phù hợp với chức năng môi trường và điều kiện tư nhiên trong vùng quy hoạch”. Tài liệu này cũng cố gắng giải quyết nhưng chưa thực sự thỏa đáng các câu hỏi lớn như: Quy hoạch môi trường làm đồng thời với quy hoạch kinh tế-xã hội thì thực hiện như thế nào? Những vùng đã có quy hoạch kinh tế xã hội thì xây dựng quy hoạch môi trường như thế nào?
Từ một góc nhìn quản lý khác, chúng ta đều biết rằng quy hoạch sử dụng đất cũng là một mô hình tổ chức không gian lãnh thổ, vậy câu hỏi đặt ra là hai mô hình tổ chức không gian trên cùng một chủ thể “lãnh thổ” có chồng chéo hoặc không tương thích với nhau hay không? Chúng ta có điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp với yêu cầu của quy hoạch môi trường hay không?
Cũng cần lưu ý rằng, Quy hoạch sử dụng đất của chúng ta trong quá trình xây dựng đã được xem xét và điều chỉnh nhằm giải quyết các tác động đến môi trường và đảm bảo phát triển bền vững khi phải thực hiện Đánh giá môi trường chiến lược. Vậy vấn đề đặt ra đối với các nhà làm chính sách là liệu chúng ta có thể tăng cường, vận dụng tốt hơn các công cụ và quy hoạch đã có là Quy hoạch sử dụng đất và Đánh giá môi trường chiến lược hay phải thiết lập thêm một Quy hoạch quản lý môi trường mới trong khi vẫn còn mơ hồ về cách thức thực hiện.
Giải pháp là gì?
Đúc rút từ các nghiên cứu đã có và thực tế hệ thống quản lý tại Việt Nam hiện nay, có thể thấy Quy hoạch môi trường là khái niệm đã được nghiên cứu nhưng có nhiều nội hàm chưa chứng minh được sự phù hợp với hệ thống quản lý đang áp dụng (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch các ngành, lĩnh vực …). Bên cạnh đó Đánh giá môi trường chiến lược là nội dung quản lý đã được thực hiện nhiều năm, có cùng mục tiêu nguyên nghĩa là đánh giá hiệu quả và hậu quả về mặt môi trường của các chiến lược, quy hoạch từ đó điều chỉnh Chiến lược, quy hoạch nhằm phát triển bền vững. Từ đó, việc tăng cường, bổ sung các nội hàm thông tin quản lý vào hoạt động xây dựng và phê duyệt Đánh giá môi trường chiến lược đối với các chiến lược, quy hoạch đảm bảo gìn giữ môi trường có khả năng mang lại hiệu quả quản lý cao hơn. Đặc biệt, có thể xây dựng, bổ sung các quy định riêng về lồng ghép, kết hợp chặt chẽ các nội dung Đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình xây dựng Quy hoạch sử dụng đất của cả nước và các địa phương.