Trên thị trường thế giới, từ chiều qua giá vàng bật tăng trở lại trên ngưỡng 1.500 USD/ounce sau khi đánh mất mốc này trong buổi sáng. Trước áp lực của các nhà dầu tư chốt lời bán tháo, giá vàng đã tăng trở lại cùng những thông tin tốt lành từ thị trường kinh tế thế giới.
Cập nhật giao dịch sáng nay, giá vàng bật tăng lên 1507 USD và biến động trên mức 1.500 USD/ounce và tiếp tục có dấu hiệu tăng trưởng. Giá vàng theo hợp đồng tương lai trên sàn Comex giao tháng 12 đã tăng thêm 5 USD, lên 1516,6 USD mỗi ounce. Mức giá cao nhất chốt được là 1518,8 USD mỗi ounce.
Quy theo giá USD ngân hàng, vàng thế giới hiện có giá 41,84 triệu đồng/lượng. Chưa tính thuế và phí, giá vàng thế giới hiện đang thấp hơn giá vàng trong nước 140 ngàn đồng/lượng.
Hiện tại, vàng SJC đang niêm yết giá 41,45-41,95 triệu đồng mỗi lượng. So với phiên trước, giá đã tăng thêm 300.000 đồng lần lượt với cả 2 chiều giá mua và giá bán.
Vàng Doji mua bán ở 41,4 - 42 triệu đồng mỗi lượng.
Giá vàng tăng do lợi suất trái phiếu Mỹ giảm bởi gia tăng dự đoán chính sách nới lỏng tiền tệ hơn nữa để giải quyết lo ngại về suy giảm toàn cầu. Giá vàng đã tăng mạnh đầu tháng này lên mức cao nhất trong 6 năm, phần lớn do lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc và dự đoán Fed sẽ tiếp tục giảm lãi suất.
Biên bản cuộc họp chính sách tháng 7/2019 của Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ phát hành trong ngày 21/8. Các nhà đầu tư cũng theo dõi sát sao hội thảo Jackson của Ngân hàng trung ương và Hội nghị thượng đỉnh G7 cuối tuần này.
Lãi suất thấp hơn sẽ gây áp lực cho USD và lợi suất trái phiếu, tăng sức hấp dẫn của vàng.
Sau khi giá vàng đã được hỗ trợ bởi một loạt các yếu tố có lợi trong vài tháng qua, một số nhà phân tích có quan điểm lạc quan nhận định vàng đang trên đà hướng tới mức cao kỷ lục 2.000 USD/ounce.
Nhà báo Brien Lundin của ấn phẩm lâu đời nhất thế giới chuyên về thị trường vàng Gold Newsletter cho biết nhu cầu về vàng hiện đang rất mạnh mẽ.
Ngay cả khi các yếu tố ngắn hạn như căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể dâng cao hay lắng dịu, giới đầu tư dài hạn tin tưởng rằng các vấn đề như đồng tiền mất giá và tình hình địa chính trị khác sẽ tiếp tục tác động đến thị trường này.
Những lo ngại về sự suy thoái kinh tế tiềm ẩn, xuất phát từ sự đảo ngược gần đây của đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm, bên cạnh những số liệu không mấy lạc quan của kinh tế toàn cầu cùng đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kể từ năm 2008, đã khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn như một kênh đầu tư “trú ẩn an toàn.”
Nhà báo Lundin cho rằng giá vàng gần như chắc chắn sẽ tăng lên cao hơn và mức 1.800 USD/ounce hay thậm chí 2.000 USD/ounce là hoàn toàn khả thi cho kim loại quý này.
Đà đi lên của giá vàng sẽ còn “tăng tốc” hơn nữa nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Fed quay trở lại chương trình nới lỏng định lượng (QE).
QE - chương trình mua tài sản quy mô lớn của Fed để giúp kích thích nền kinh tế và “rót” thêm thanh khoản vào thị trường vốn - sẽ hỗ trợ rất lớn cho giá vàng do động thái trên có thể gây áp lực lên đồng USD và dẫn đến lạm phát. Vàng thường được coi là một công cụ đối phó với lạm phát tăng quá cao.
Theo ông Deric Scott, Phó Chủ tịch và nhà phân tích cao cấp của trang chuyên về giao dịch kim loại quý Metals.com, cho rằng để vàng đạt được mức tăng giá lớn như vậy, đồng USD sẽ phải giảm khá mạnh để đối phó với sự mất giá của đồng nhân dân tệ (nhân dân tệ) Trung Quốc.
Một diễn biến gần đây được giới quan sát chú ý là đồn đoán về việc Trung Quốc đã hạn chế nhập khẩu vàng kể từ tháng Năm.
Ngoài ra, các yếu tố khác có thể làm tăng đáng kể giá vàng bao gồm rủi ro địa chính trị leo thang liên quan đến các sự kiện như xung đột ở Iran, biểu tình ở Hong Kong (Trung Quốc) ...
Song bất kể thế nào, việc giá vàng tăng lên mức 1.800 USD/ounce hoặc 2.000 USD/ounce gần như chắc chắn sẽ xảy ra, dù thời điểm chính xác vẫn chưa rõ ràng.