Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM, mã chứng khoán: VEA - sàn: Upcom) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022. Theo đó, VEAM ghi nhận 1.267 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý 4/2022, tăng 7,2% so với quý 4/2021. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán trong kỳ tăng cao nên lợi nhuận gộp của công ty trong quý 4/2022 đạt 186 tỷ đồng, giảm 17% so với quý 4/2021.
Trong kỳ, VEAM ghi nhận 224,5 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng tăng 40% so với cùng kỳ. Hoạt động liên doanh, liên kết giúp công ty ghi nhận khoản lãi hơn 2.369 tỷ đồng, tăng 39% sp với quý 4/2021. Đồng thời, hoạt động khác ghi nhận lãi gần 88 tỷ đồng trong quý 4/2022, thay vì lỗ 2,8 tỷ đồng như trong quý 4/2021.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh, VEAM ghi nhận 2.530,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 34% so với quý 4/2021.
Chi tiết kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP xem tại đây.
Luỹ kế cả năm 2022, VEAM đạt 4.747,6 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 18% so với năm 2021. Đáng chú ý, hoạt động liên doanh liên kết giúp công ty thu về khoản lãi lên tới 6.984 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của công ty trong năm 2022 đạt 7.672 tỷ đồng, tăng 32,5% so với năm 2021. Chỉ tiêu lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) năm 2022 của VEAM đạt 5.713,4 đồng.
Về hoạt động liên doanh, liên kết, tính đến ngày 31/12/2022, VEAM hiện sở hữu 30% vốn tại Công ty Honda Việt Nam; 20% vốn tại Công ty Ô tô Toyota Việt Nam; 25% vốn tại Công ty TNHH Ford Việt Nam. Trong những năm qua, lợi nhuận của VEAM chủ yếu đến từ khoản lãi liên doanh, liên kết tại 3 doanh nghiệp trên và khoản lãi từ tiền gửi.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của VEAM đạt 27.454,9 tỷ đồng, tăng 9,7% so với thời điểm đầu năm, chủ yếu do đầu tư tài chính dài hạn tăng 31% khi khoản liên doanh, liên kết tăng lên. Đáng chú ý,VEAM đang nắm giữ lượng tiền đạt khoảng 294 tỷ đồng và khoản đầu tư tài chính ngắn hạn có trị giá lên tới gần 12.593 tỷ đồng.
Đối với phần nguồn vốn, nợ phải trả của công ty tăng 68%, lên 2.225,3 tỷ đồng (chiếm hơn 8% tổng nguồn vốn). Nợ phải trả của VEAM gia tăng chủ yếu do khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng hơn 4 lần, lên 1.014,2 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty cũng tăng 6,5%, lên 25.224,9 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng 15%, đạt 11.713 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/1, giá cổ phiếu VEA của VEAM tăng 3,01%, đạt 41.100 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch bình quân 20 phiên giao dịch gần nhất của cổ phiếu VEA đạt hơn 77.000 đơn vị.