Vi phạm hành chính về phân bón bị phạt tới 200 triệu đồng

Theo quy định tại Nghị định số 31/2023/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi vi phạm quy định về sản xuất phân bón bị phạt tới 200 triệu đồng.
vi pham hanh chinh phan bon
Vi phạm hành chính về phân bón bị phạt tới 200 triệu đồng

 

Đối với các hành vi vi phạm về sản xuất phân bón

Nghị định quy định phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Không có khu vực chứa nguyên liệu và khu vực thành phẩm riêng biệt;

- Không thực hiện báo cáo tình hình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón định kỳ hàng năm trong 02 năm liên tiếp hoặc không thực hiện báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

- Không có phòng thử nghiệm được công nhận phù hợp với tiêu chuẩn ISO 17025 mà không có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng phân bón do mình sản xuất ra (trừ các cơ sở chỉ hoạt động đóng gói phân bón).

Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Người trực tiếp điều hành sản xuất phân bón không có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học;

- Không thực hiện thu hồi hoặc không tuân thủ thời hạn thu hồi phân bón theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

- Không lưu mẫu sản phẩm của từng lô phân bón xuất xưởng theo quy định về thời gian bảo quản mẫu lưu;

- Không lưu hồ sơ kết quả thử nghiệm theo quy định về thời gian của từng lô phân bón sản xuất đã xuất xưởng.

Đối với hành vi vi phạm quy định về Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón

- Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón;

- Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với hành vi không nộp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

- Phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng đối với hành vi sản xuất phân bón không đúng loại phân bón, dạng phân bón được ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón;

- Phạt tiền từ 60 – 70 triệu đồng đối với hành vi sản xuất phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón đã hết hạn hoặc bị tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi.

Nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 90 – 100 triệu đồng đối với hành vi sản xuất phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam (trừ trường hợp sản xuất phân bón để nghiên cứu, khảo nghiệm; phân bón sản xuất trong khuôn khổ dự án sản xuất thử nghiệm, chương trình hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trong thời gian thực hiện dự án, chương trình) hoặc phân bón có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hết hiệu lực hoặc khi đã bị hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 100 triệu đồng trở lên khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự có một trong các quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án.

Đối với hành vi vi phạm quy định về buôn bán phân bón

Nghị định quy định phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Buôn bán phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón;

- Buôn bán phân bón trong thời gian bị tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón;

- Không duy trì đầy đủ các điều kiện về buôn bán phân bón theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Trồng trọt năm 2018 trong quá trình hoạt động.

Phạt tiền từ 50 – 60 triệu đồng đối với hành vi buôn bán phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hoặc phân bón có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hết hiệu lực hoặc phân bón đã bị hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự có một trong các quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án.

Đối với hành vi sử dụng phân bón nhập khẩu không đúng mục đích ghi trong Giấy phép nhập khẩu phân bón bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng phân bón sẽ bị phạt cảnh cáo đối với hành vi sử dụng phân bón không đúng với nội dung hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn phân bón. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phân bón không có nguồn gốc xuất xứ.

Đối  với hành vi vi phạm quy định về lấy mẫu phân bón; thử nghiệm chất lượng phân bón

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về lấy mẫu phân bón để đánh giá chứng nhận hợp quy hoặc phục vụ quản lý nhà nước sau đây:

+ Không có Giấy chứng nhận lấy mẫu phân bón hoặc Giấy chứng nhận tập huấn lấy mẫu phân bón hoặc Chứng chỉ đào tạo người lấy mẫu phân bón đã thực hiện việc lấy mẫu phân bón;

+ Không áp dụng phương pháp lấy mẫu theo Tiêu chuẩn quốc gia về lấy mẫu phân bón hoặc không áp dụng phương pháp lấy mẫu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với loại phân bón chưa có Tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp lấy mẫu.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không công bố phương pháp lấy mẫu, phương pháp thử nghiệm mẫu theo quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở đối với loại phân bón chưa có quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia.

- Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về thử nghiệm phân bón, cụ thể như sau:

+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi thử nghiệm chất lượng phân bón phục vụ quản lý nhà nước sử dụng phép thử nằm ngoài phạm vi được chỉ định;

+ Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi thử nghiệm chất lượng phân bón phục vụ quản lý nhà nước khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chỉ định hoặc quyết định chỉ định đã hết hiệu lực.

Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/7/2023.

Nghị định này thay thế các quy định tại các văn bản sau đây:

- Các nội dung quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, thời hiệu xử phạt, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực giống cây trồng quy định từ Điều 1 đến Điều 18 Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

- Các nội dung quy định về thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng tại các Điều 32, 39 và 40 của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

- Nghị định số 55/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón;

- Các nội dung quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.