Nhưng vì sao Bộ Tài nguyên và Môi trường lại có quyền gia hạn?
Quyền này căn cứ vào Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển và nhiệm vụ được giao tại Công văn số 192/TTg-NN ngày 31/1/2019, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định trường hợp gia hạn thời hạn sử dụng khu vực biển cho Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất.
Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 10 Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường được quyền “quyết định giao khu vực biển nằm ngoài vùng biển 03 hải lý; khu vực biển liên vùng, trừ các khu vực biển thuộc thẩm quyền giao của Thủ tướng Chính phủ”.
Đồng thời, Khoản 2, Điều 10 nêu rõ: “Cơ quan quản lý nhà nước (trong trường hợp này là Bộ Tài nguyên và Môi trường - người viết) hoặc cấp có thẩm quyền ra quyết định giao khu vực biển nào thì có quyền gia hạn, sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển, thu hồi, cho phép trả lại khu vực biển đó”
Thủ tướng Chính phủ lưu ý việc xem xét, quyết định gia hạn cần đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của Nghị định số 51/2014/NĐ-CP và các quy định pháp luật liên quan khác.
Về việc thu tiền sử dụng khu vực biển đối với trường hợp gia hạn thời hạn giao khu vực biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện theo đúng ý kiến của Bộ Tài chính tại Công văn số 9340/BTC-QLCS ngày 4/8/2020.
Như vậy, Khoản 1, Điều 10 giao Bộ Tài nguyên và Môi trường quyền quyết định giao sử dụng khu vực biển cho doanh nghiệp. Khoản 2, Điều 10 giao Bộ này quyền xem xét, gia hạn.
Nói thêm về Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất. Công ty được thành lập tháng 2/2017, vốn điều lệ 30.000 tỷ đồng và là chủ đầu tư xây dựng, vận hành Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi.
Đây là dự án chiến lược quan trọng, sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo vị thế nhà sản xuất thép hàng đầu khu vực Đông Nam Á cho Tập đoàn Hòa Phát.
Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất có tổng vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng, được thiết kế với quy mô công suất 4 triệu tấn một năm, sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao và sản phẩm dẹt là thép cuộn cán nóng.
Hòa Phát áp dụng công nghệ lò cao khép kín tương tự mô hình đã triển khai thành công tại tỉnh Hải Dương, nhưng ưu việt hơn, thiết bị hiện đại hơn được nhập khẩu từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới.
Đây là công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, sản xuất than coke bằng công nghệ dập coke khô, thu hồi hoàn toàn nhiệt và khí thải, tận dụng triệt để sản phẩm phụ để phát điện, phục vụ trở lại sản xuất.
Toàn bộ nguồn nước sản xuất cũng được sử dụng tuần hoàn, không xả ra môi trường.
Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất sẽ bao gồm hệ thống cảng biển nước sâu cho phép tàu 200.000 tấn cập bến, dễ dàng vận chuyển nguyên vật liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra đi các thị trường trong và ngoài nước.
Dự án Khu Liên hợp Gang Thép Hòa Phát Dung Quất đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản số 152/TTg-CN, ngày 25/1/2017 và được tỉnh Quảng Ngãi trao chứng nhận đầu tư vào 6/2/2017.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 được triển khai trong 24 tháng từ tháng 2/2017, công suất 2 triệu tấn/năm thép dài bao gồm 1 triệu tấn thép dài xây dựng và 1 triệu tấn thép dài chất lượng cao.
Giai đoạn 2 của dự án sản xuất 2 triệu tấn một năm thép dẹt cán nóng phục vụ cơ khí chế tạo, được triển khai ngay từ tháng 8/2017. Toàn bộ dự án được hoàn thành đi vào sản xuất từ quý II/2020.