Vì sao chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của Hải Phòng cao gấp 2,5 lần bình quân chung cả nước?

Ngoài vị trí địa lý, còn có yếu tố nào giúp công nghiệp Hải Phòng bứt phá ngoạn mục?

Dẫn đầu Vùng ĐBSH

Mới đây, tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Bộ Công Thương với UBND Thành phố Hải Phòng về tình hình công nghiệp – thương mại trên địa bàn Hải Phòng năm 2018, quý 1 năm 2019 và giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2019, ông Nguyễn Văn Tùng, chủ tịch UBND. Thành phố cho biết, những năm gần đây, sản xuất công nghiệp và phát triển thương mại trên địa bàn Hải Phòng có những bước tiến vượt bậc, trở thành điểm sáng trong bản đồ kinh tế của cả nước. Năm 2018 vừa qua, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 294.381 tỷ đồng tăng 27%, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 25,01% so với cùng kỳ 2017, cao gấp 2,5 lần bình quân chung cả nước, trong quý 1-2019 IIP của thành phố tăng 24,1%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 76.629 tỷ đồng; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ năm 2018 đạt 116.736,6 tỷ đồng tăng 14,91%, trong quý 1-2019 đạt 31.606,2 tỷ đồng tăng 14,25%...

a
Rô bốt hàn đang làm việc trong Xưởng hàn thân xe tại Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast, Hải Phòng

 

Theo đánh giá của Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương, năm 2018, chỉ số IIP của thành phố xếp thứ Nhất trong Vùng ĐB sông Hồng và xếp thứ 5/63 cả nước. 3 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 20,1% so với cùng kỳ (cả nước tăng 8,7%). Xếp thứ Nhất trong vùng ĐB sông Hồng và xếp thứ 8/63 tỉnh,thành cả nước.

Sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Hải Phòng gồm: sản phẩm may mặc, lốp cao su, xi măng, sản phẩm thép các loại, màn hình các loại, máy giặt, máy hút bụi, xe mô tô, xe thùng, điện sản xuất, điện thương phẩm... Trong 51 nhóm ngành kinh tế cấp 4 có 29 ngành có chỉ số sản xuất tăng trong đó: ngành sản xuất mô tơ, máy phát điện là ngành có mức tăng cao nhất, tăng 211,16%; tiếp theo ngành sản xuất thiết bị truyền thông tăng 140,05%; ngành tái chế phế liệu đứng thứ 3 với mức tăng 114,71%...

Đến nay, Hải Phòng có 13 khu công nghiệp (KCN) được phê duyệt quy hoạch, gồm 9 KCN trong Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải và 4 KCN nằm ngoài Khu Kinh tế. Hải Phòng hình thành nhiều ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn, công nghệ cao như sản xuất ô tô, sản xuất điện tử; sản xuất máy móc, thiết bị... bước đầu hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp biển với nhiều doanh nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu biển; chế biến thủy sản... Thương mại Hải Phòng cũng phát triển nhanh chóng với nhiều trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại; hệ thống chợ được đầu tư cải tạo, nâng cấp, tổng mức lưu chyển hàng hóa bán lẻ liên tục tăng nhanh. Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp, nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng  tăng cao, đạt hàng chục tỷ USD/năm, thị trường xuất khẩu được mở rộng tới nhiều nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ... Đáng chú ý, Hải Phòng có nhiều dự án công nghiệp, thương mại lớn như LG Electronics; LG Display; LG Innotek; nhà máy sản xuất ô tô Vinfast; Trung tâm thương mại Aeon...

Đáng chú ý, trên địa bàn thành phố đã hình thành 20 Khu – Cụm công nghiệp, hầu hết đã đi vào hoạt động hiệu quả. Thành phố cũng đạt kết quả ấn tượng trong thu hút nguồn lực đầu tư cả trong và ngoài nước, với những công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, đã sản xuất thành công nhiều sản phẩm công nghệ cao như máy photocopy, máy in, sản phẩm điện tử, thiết bị truyền thông, đặc biệt là sản phẩm điện thoại thông minh, xe điện ô tô thương hiệu Việt. Đồng thời ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư các trung tâm thương mại cao cấp, mô hình kinh doanh hiện đại tại Hải Phòng.

Thiên thời, địa lợi

Sự bứt phá của Hải Phòng trước hết đến từ những lợi thế từ vị trí địa lý:

- Hải Phòng có cảng biển lớn nhất phía Bắc Việt Nam, là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc và cả nước, là đầu mối giao thông quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trên hai hành lang - một vành đai hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.

- Hải Phòng là địa phương duy nhất miền Bắc hội tụ đủ 5 loại hình giao thông: Đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và đường hàng không. Lợi thế này đã giúp thành phố Cảng không chỉ đóng vai trò trung tâm kinh tế của khu vực đồng bằng sông Hồng, vùng Duyên hải Bắc bộ mà còn là nhịp cầu thông thương với cả các nước trong khu vực.

- Lợi thế của Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải -là 1 trong 16 Khu Kinh tế được hưởng khá nhiều ưu đãi đầu tư theo luật hiện hành; Nhà đầu tư được hưởng chế độ đặc biệt ưu đãi đầu tư khi đầu tư vào đây.

Nhưng đây cũng là kết quả của sự tăng tốc đầu tư vào hạ tầng giao thông và kinh tế. Năng lực hội nhập quốc tế của Hải Phòng ngày càng được nâng cao với sự hoàn thành và đưa vào sử dụng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi; một loạt công trình hạ tầng khác phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ ngày càng nhiều bao gồm khách sạn 5 sao; trung tâm thương mại; khu vui chơi giải trí; hệ thống cáp treo 21 km từ Cát Hải sang Cát Bà…

Bao quát lên tát cả là sự năng động, đổi mới trong tư duy, nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị Thành phố, nhất là trong thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô và nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao khác. Đó là những yếu tố quan trọng để cơ cấu kinh tế Hải Phòng có sự chuyển biến tích cực, đúng hướng, ngày càng hiệu quả và đi vào chiều sâu, giúp cho công nghiệp có sự bứt phá ngoạn mục và  chiếm tỷ trọng lớn trong tổng GRDP, có đóng góp ngày càng quan trọng để tăng nhanh tiềm lực kinh tế xã hội của Thành phố.

Có thể nói, Hải Phòng được cả thiên thời và địa lợi, từ khách quan (vị trí địa lý) đến chủ quan (thúc đẩy hạ tầng giao thông và hạ tầng kinh tế) giúp cho công nghiệp có sự bứt phá ngoạn mục, ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng GRDP, có đóng góp hết sức quan trọng trong tăng nhanh tiềm lực kinh tế xã hội của Thành phố.

Gia Lâm