Hò hẹn dăm lần bảy lượt, cuối cùng tôi cũng vào được TP. Hồ Chí Minh một chuyến. Thanh Tùng, bạn tôi, một kỹ sư cơ khí của Công ty Công nghệ Cơ khí Hưng Phát “chốt” lịch nghênh tiếp tôi ở Sài Gòn ngày 18 tháng 5.
Thế nhưng, người đón tôi ở sân bay Tân Sơn Nhất lại là một người bạn của Tùng. Tôi trưng ra vẻ mặt thản nhiên, mà trong lòng giận tím tái. Thế mà điện thoại “ Mười mấy năm rồi, nhớ bồ lắm đó nha”; thế mà tin nhắn “Bọn thằng Hải, thằng Dũng, thằng Hoàng cũng bồn chồn lắm, chỉ chờ bồ vô là tụ tập cho thỏa chí…”
Trên đường về chung cư nhà Tùng, anh bạn Tùng bảo, sáng nay Tùng đi lo gấp mấy chục thùng Sá xị Chương Dương. Vậy là bạn tôi chuyển nghề sang đi giao nước ngọt? Không, bạn Tùng giải thích, Tùng là trưởng ban phụ huynh, bữa mai trường cấp 1 nơi con anh học làm lễ tổng kết cuối năm, nên phải mua chuẩn bị. Trẻ con trong này khoái sá xị Chương Dương không hà!
Rồi tôi cũng gặp Tùng trên tầng 18 của khu chung cư cao cấp, nhìn xuống là Kênh Tàu Hũ. Không biết nhìn một người đàn ông đã 40 tuổi, cha của hai đứa con, vừa “tập kết” gần 5 chục thùng sá xị lên phòng, một tay lần hàng khuy cởi dở chiếc áo sơ mi đẫm mồ hôi, tay kia tu lon sá xị Chương Dương ngon lành thì cảm giác của bạn thế nào?
Tùng cười chống chế, ở trong này người lớn uống sá xị đâu có gì lạ! Năm 1952 người Pháp phát minh ra công thức độc đáo, chiết xuất rễ cây sá xị tạo thành một loại nước giải khát có gas với mùi vị đặc trưng, được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng. Năm 1977, thông qua đàm phán, người Pháp chuyển nhượng lại cho Nhà máy nước ngọt Chương Dương.
Từ đây sá xị mang tên Chương Dương, rất phổ biến ở các tỉnh phía Nam. Khi nói tới sá xị là nói tới sá xị Chương Dương, mặc dù sau này cũng có một số hãng nước giải khát khác sản xuất các dòng sá xị mang tên Wonderfarm, Mirinda hay Zyzy. Cũng như có thời người ta gọi Honda để chỉ chung cho các loại xe máy.
Bố mẹ Tùng là thế hệ người tiêu dùng đầu tiên thưởng thức thứ nước giải khát kết hợp chiết xuất từ thiên nhiên với công nghệ thực phẩm. Ông bà cũng mua sá xị như một phần thưởng khích lệ sự tiến bộ của Tùng.
Thấy tôi có vẻ phấn khích với lịch sử của loại nước giải khát này, Tùng gợi ý tôi đến gặp Dũng, một nhân viên hành chính của Công ty CP. Nước giải khát Chương Dương. Dũng cho biết, năm 1993 Nhà máy đổi tên thành Công ty nước Giải khát Chương Dương. Đây cũng là thời điểm 2 “ông lớn” Coca-Cola và Pepsi gia nhập thị trường Việt Nam; tiếp đến là Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Masan Consumer… đều là các hãng khổng lồ, vốn đầu tư tính bằng tỷ USD.
Các hãng nước giải khát trên, với tiềm lực tài chính mạnh, mỗi năm chi hàng nghìn tỷ đồng cho quảng cáo. Như Masan Consumer, chủ sở hữu của nhãn hiệu nước khoáng Vĩnh Hảo, chi gần 1.500 tỷ đồng, Vinamilk khoảng 1.700 tỷ đồng, gấp trên 100 lần Chương Dương.
Với kinh phí dành cho công tác bán hàng khiêm tốn, từ năm 2013 Chương Dương bắt đầu mở rộng thị trường ra phía Bắc và Bắc Trung bộ để tăng sản lượng, thay vì tập trung vào thị trường truyền thống ở phía Nam.Đây cũng là năm doanh thu của Chương Dương có sự tăng trưởng rất mạnh, đạt 429 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước. Song điều quan trọng hơn, từ năm 2013 đến nay, nguồn thu từ mảng kinh doanh bán hàng là chủ đạo, thay cho mảng hoạt động tài chính như từ 2012 trở về trước.
Chương Dương quyết định tung hình ảnh Sá xị Chương Dương trên xe taxiĐầu năm 2016, Công ty đã điều chỉnh mạnh mẽ chiến lược về thị trường, thực hiện củng cố hệ thống phân phối tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, Miền Tây - Sông Tiền, xây dựng và phát triển các nhà phân phối mới tại các tỉnh khu vực Miền Đông, Miền Tây - Sông Hậu, Tây Nguyên và miền Trung với mục tiêu giảm áp lực sản lượng tiêu thụ cho khu vực TP. Hồ Chí Minh.
Chiến lược này đã mang lại kết quả ngoạn mục. Sản lượng tiêu thụ các loại nước giải khát vượt 25% so với 2015. Nhãn hiệu Sá xị Chương Dương với hương vị đặc trưng, công thức độc đáo, giữ nguyên bản từ năm 1952, tiếp tục chinh phục rất thành công các khu vực thị trường phía Nam, góp phần chủ lực đưa thị phần nước uống có gas của Chương Dương đứng thứ 3 thị trường Việt Nam.
Kế hoạch 2017 của Chương Dương là đầu tư mạnh cho công tác tiêu thụ và thị trường theo hướng xây dựng hệ thống phân phối truyền thống vững mạnh, xây dựng đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp, tăng độ phủ, chăm sóc khách hàng, đẩy mạnh các hoạt động marketing; với điểm nhấn là “Tái tung hình ảnh thương hiệu sá xị Chương Dương”.
Phục vụ cho kế hoạch này, Chương Dương đã tung hình ảnh sá xị Chương Dương lên 400 xe taxi tại TP. Hồ Chí Minh, đồng thời, làm tiếp ở 1 số tỉnh tiêu thụ trọng điểm.
Tuy nhiên, nói như ông Trần Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nước giải khát Chương Dương, từ nhiều năm nay, mỗi năm Chương Dương vẫn tăng trưởng đều đặn, nhưng để có mức tăng trưởng đột phá, phải có sự đầu tư bài bản. Nếu được phê duyệt trong quý II năm 2017, Chương Dương sẽ động thổ xây nhà máy mới ở KCN Tây Bắc Củ Chi, công suất 50 triệu lít/năm, khi cần có thể mở rộng lên 55 triệu lít.
Theo kế hoạch, Chương Dương phấn đấu trong 12 tháng (đúng quy trình là 24 tháng) sẽ đưa vào sản xuất để không lỡ thời cơ thị trường. Công nghệ của nhà máy mới cho phép Chương Dương cạnh tranh mạnh mẽ hơn về chất lượng, về an toàn vệ sinh thực phẩm, về mẫu mã và nhất là đa dạng hóa được nhu cầu, cho ra đời những sản phẩm dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe.
Nhà máy mới, công nghệ mới cũng chắp cánh cho Sá xị Chương Dương trở thành sản phẩm để đời trong lòng người tiêu dùng. Việc tung hình ảnh lên một phương tiện giao thông phổ biến như taxi là một phần trong kế hoạch tâm huyết này.