Vì sao IPA sẽ có hiệu lực muộn hơn EVFTA?

Dự kiến IPA và EVFTA sẽ được ký kết và phê chuẩn trong đầu năm 2019. EVFTA có hiệu lực ngay khi 2 bên phê chuẩn; nhưng IPA có hiệu lực muộn hơn, vì sao?

18/10/2018, Ủy ban châu Âu đã thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), để ký chính thức Hiệp định này và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào đầu năm 2019.

Cho đến nay, Việt Nam và EU đã hoàn tất rà soát pháp lý cả 2 Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và EU.

Hai bên đang trong quá trình hoàn thành việc dịch các Hiệp định sang tiếng Việt và các ngôn ngữ chính thức của EU trước khi trình lên Hội đồng châu Âu cho phép ký. Cả hai Hiệp định dự kiến được ký kết và phê chuẩn trong đầu năm 2019, trước khi nhiệm kỳ hiện nay của Nghị viện châu Âu kết thúc. Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực ngay sau khi Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Hiệp định IPA sẽ có hiệu lực muộn hơn do cần có thêm sự phê chuẩn của các nước thành viên EU.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh làm việc với Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmström tại Brussels,tháng 12/2017.

 

Theo cam kết trong EVFTA, các nước EU sẽ xóa bỏ 84% dòng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực. Trong 7 năm, từ ngày EVFTA có hiệu lực, hơn 99% dòng thuế sẽ được xóa bỏ cho Việt Nam. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA ký kết cho đến nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay chỉ có 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt nam sang EU được hưởng mức thuế suất 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Tuy nhiên thời gian tới, khi Việt Nam đạt đến trình độ phát triển kinh tế nhất định thì GSP không còn nữa.

Sự kiện này cũng đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên của khu vực Đông Nam Á kết thúc thành công đàm phán thương mại tự do với EU. Do đó, EVFTA sẽ khiến hàng hóa nước ta tăng khả năng cạnh tranh về giá, nhất là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực đang phải chịu thuế suất cao như dệt may, giày dép, nông sản…

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với thương mại hàng hóa trị giá 47,6 tỷ euro và thương mại dịch vụ ở mức 3,6 tỷ euro một năm, chỉ sau Singapore. Nhập khẩu của EU từ Việt Nam chủ yếu là các thiết bị viễn thông, hàng may mặc và thực phẩm. Ngược lại, EU xuất khẩu sang Việt Nam máy móc và thiết bị vận tải, hóa chất và nông sản.

Đối với Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA), tháng 6/2018 tại Brúc-xen, Vương quốc Bỉ, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom đã chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU. Qua đó, thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Giới phân tích Châu Âu nhận định, khi Hiệp định bảo hộ đầu tư có hiệu lực, sẽ có làn sóng đầu tư mới từ các nước EU vào Việt Nam, đặc biệt trên các lĩnh vực công nghệ cao.

Việt Nam và EU cũng đã thảo luận lộ trình hợp tác trong thời gian tới để có thể đảm bảo tạo điều kiện tốt nhất cho việc phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai bên, trong đó có việc EU giúp đỡ Việt Nam nâng cao năng lực để có thể tận dụng hiệu quả Hiệp định FTA khi được ký kết và đưa vào thực thi. Khuôn khổ hỗ trợ này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục xây dựng hệ thống pháp lý, hỗ trợ triển khai các cam kết trong Hiệp định FTA, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ, v.v... hướng tới mục tiêu cuối cùng là tăng cường các hoạt động thương mại và đầu tư song phương trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Tân Hải