Trong một bản báo cáo công bố ngày 3/4, tập đoàn dịch vụ tài chính Fitch Solutions cảnh báo giá dầu thô Brent giao tương lai có thể giảm xuống mức còn vài USD/thùng nếu như các quốc gia khai thác dầu thô lớn trên thế giới không đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác trong bối cảnh nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu đã sụp đổ bởi sự bùng phát của đại dịch Covid-19.
Fitch cảnh báo giá dầu Brent có thể sụp đổ, xuống dưới 10 USD/thùng
Dự kiến liên minh OPEC+ gồm 15 quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và 10 quốc gia khai thác dầu thô đồng minh sẽ nhóm họp vào ngày 9/4 tới đây nhằm thảo luận khả năng cắt giảm sản lượng khai thác.
Trước đó, dự kiến cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày hôm 6/4 nhưng Ả-rập Xê-út và Nga đều muốn dời cuộc họp. Giới quan sát cho rằng Ả-rập Xê-út đang muốn có thêm thời gian để thuyết phục thêm các quốc gia ngoài khối OPEC+ tham gia thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác lần này.
Kể từ năm 2017, liên minh OPEC+ đã cùng nhau thực hiện các biện pháp cắt giảm sản lượng khai thác để kiểm soát giá dầu thô trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, việc Ả-rập Xê-út phát động cuộc chiến giá dầu với Nga sau khi hai nước thất bại trong thoả thuận đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác vào đầu tháng 3/2020 đã khiến giá dầu thô lao dốc, giảm 30% chỉ trong ngày 8/3.
Các nhà phân tích tại tập đoàn Fitch Solutions nhận định việc nhu cầu giảm mạnh vì đại dịch Covid-19 kết hợp với nguồn cung dầu thô tăng cao vì cuộc chiến giá dầu thô có thể khiến tình trạng dư cung dầu thô lên đến 20 triệu thùng/ngày; đặt áp lực nghiêm trọng lên giá dầu thô.
Hãng Fitch Solutions cũng cảnh báo mặc dù không chắc chắn việc các kho chứa dầu trên toàn cầu sẽ bị lấp đầy bởi tình trạng dư cung nhưng mức dư cung lớn sẽ tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng dầu thô toàn cầu và đẩy giá dầu thô Brent sụp đổ về mức 1 con số.
Tính đến lúc viết bài báo này, giá dầu thô Brent đạt 33,53 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 27,72 USD/thùng. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô giao tương lai đã giảm khoảng 50%.
Báo cáo mới nhất của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho biết giá một số loại dầu thô tại khu vực Tây Canada đã giảm xuống dưới 10 USD/thùng, thậm chí giá dầu tại một số mỏ thuộc khu vực Bắc Mỹ đã giảm xuống mức âm hay các nhà khai thác phải trả tiền cho người mua để đem dầu thô đi khi các kho chứa dầu bị lấp đầy.
Xem thêm tại: Giá 1 thùng dầu thô tại Canada hiện rẻ hơn 1 vại bia vì dịch Covid-19 và cuộc chiến giá dầu
Trong ngày 6/4, ông Kirill Dmitriev - người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RFPI) cho biết Nga và Ả-rập Xê-út đã tiến rất gần đến một thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác. Cùng với Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak, ông Kirill Dmitriev là nhân vật chủ chốt đại diện cho Nga trong các cuộc đàm phán với khối OPEC.
Hoa Kỳ khó tham gia thoả thuận cắt giảm
Hiện liên minh OPEC+ kỳ vọng thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác lần này sẽ có sự tham gia của một số quốc gia khai thác dầu thô lớn ngoài OPEC+ như Hoa Kỳ, Canada, Na Uy và Brazil, đặc biệt là Hoa Kỳ - quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới.
Việc Hoa Kỳ cắt giảm sản lượng sản xuất sẽ tích cực thúc đẩy triển vọng thoả thuận cắt giảm sản lượng của các quốc gia. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump – người liên tục thúc ép Ả-rập Xê-út và Nga kết thúc cuộc chiến giá dầu vẫn chưa đưa ra bất kỳ cam kết cắt giảm sản lượng nào.
Khả năng các hãng khai thác dầu thô tại Hoa Kỳ tham gia thoả thuận này sẽ tương đối thấp do luật pháp nước này ngăn cấm việc hình thành các liên minh độc quyền kiểm soát giá.
Xem thêm tại: Thị trường dầu mỏ sẽ "vỡ trận" nếu Hoa Kỳ không ra tay?
Bên cạnh đó, ông Thom Payne, giám đốc tư vấn của tập đoàn năng lượng Westwood Global Energy Group, cho biết ngành công nghiệp dầu mỏ của Hoa Kỳ đang bị “phân mảnh”. Do đó rất khó có thể đặt ra một mức ngang bằng cho tất cả hãng khai thác dầu mỏ tại Hoa Kỳ để cắt giảm sản lượng khai thác, theo ông Thom Payne.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia phân tích hoài nghi tác động của việc các quốc gia khai thác dầu thô lớn cùng cắt giảm sản lượng khai thác, kể cả bao gồm Hoa Kỳ lên giá dầu thô do nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu đang sụt giảm kỷ lục vì đại dịch Covid-19.