Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu đã cùng nhau liên kết cắt giảm sản lượng khai thác để kiểm soát thị trường dầu mỏ kể từ năm 2017.
Tuy nhiên, việc Ả-rập Xê-út và Nga không tìm được tiếng nói chung trong việc đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác hồi đầu tháng 3/2020 đã khiến cuộc chiến giá dầu giữa hai quốc gia bùng nổ.
Cuộc chiến giá dầu khiến nguồn cung dầu thô tăng cao trong bối cảnh sự bùng phát của đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu sử dụng dầu thô giảm mạnh đã tạo thành cú sốc kép trên thị trường dầu mỏ, đẩy giá dầu thô giảm hơn 50% trong tháng 3/2020 – chạm mức thấp nhất kể từ năm 2002.
Dưới đây là các biểu đồ cho thấy cuộc chiến giá dầu giữa Ả-rập Xê-út và Nga diễn ra như nào.
Nhu cầu sử dụng dầu thô sụt giảm mạnh
Kể từ giữa tháng 1/2020, thị trường bắt đầu lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu sẽ giảm xuống khi sự bùng phát của đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc đã buộc nước này phải đóng cửa hàng loạt nhà máy và ngưng các hoạt động di chuyển. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Lo ngại suy giảm nhu cầu sử dụng dầu thô ngày càng tăng lên khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia khiến hàng loạt nước áp đặt các biện pháp hạn chế di chuyển và phong toả diện rộng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ giảm ít nhất 20% tương đương 20 triệu thùng/ngày trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu khiến nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ. Trong khi đó, hãng giao dịch dầu thô hàng đầu thế giới Vitol nhận định nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong tháng 4/2020 sẽ giảm khoảng 30% tương đương 30 triệu thùng/ngày.
Bế tắc giữa Ả-rập Xê-út và Nga
Vị thế hợp tác giữa Ả-rập Xê-út và Nga chuyển thành trạng thái đối đầu khi hai nước không đạt thoả thuận việc đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác thêm 1,5 triệu thùng/ngày vào ngày 6/3/2020. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, vào tháng 12/2019, khối OPEC+ đã đồng thuận cắt giảm sản lượng khai thác 1,7 triệu thùng/ngày trong 3 tháng đầu năm 2020 nhằm hỗ trợ giá dầu thô.
Vào ngày 8/3/2020, Ả-rập Xê-út đã chủ động nổ phát súng khơi mào cuộc chiến dầu thô với Nga bằng việc tuyên bố giám giá bán dầu thô từ 6 USD – 8 USD/thùng – mức giảm mạnh nhất của nước này trong vòng 20 năm qua.
Ngay lập tức sau thông báo của Ả-rập Xê-út, giá dầu thô quốc tế đã lao dốc. Giá dầu thô Brent và dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đã giảm hơn 24% trong ngày 8/3/2020 – mức giảm theo ngày mạnh nhất kể từ năm 1991 khi cuộc chiến Vùng Vịnh nổ ra.
Giới phân tích nhận định trong cuộc chiến giá dầu thô này Nga có thể thực hiện một số biện pháp nhưng không phải nhắm đến Ả-rập Xê-út mà nhắm đến Hoa Kỳ. Ông Dan Yergin, phó chủ tịch hãng phân tích thị trường IHS Markit, nhận định “Trong cuộc chiến giá dầu lần này, Ả-rập Xê-út nhắm đến Nga và Nga lại nhắm đến Hoa Kỳ”.
Xem thêm tại: Sự bùng phát của virus Covid-19 là dấu chấm hết cho hợp tác kiểm soát giá dầu giữa Nga và khối OPEC?
Cạnh tranh giành thị phần
Các tiến bộ đột phá trong khai thác dầu đá phiến đã giúp Hoa Kỳ trở thành một trong những nước có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thị trường năng lượng thế giới. Nhờ năng lực khai thác dầu đá phiến gia tăng mạnh, Hoa Kỳ đã vượt Ả-rập Xê-út và Nga để trở thành quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới kể từ năm 2018.
Theo tính toán của hãng tin CNBC dựa trên dữ liệu của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA), thị phần của Hoa Kỳ trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, tính đến tháng 11/2019, đã đạt 15%. Trong khi đó, thị phần của Ả-rập Xê-út và Nga chỉ lần lượt đạt khoảng 12% và 13%.
Tuy nhiên, vị thế của Hoa Kỳ đang bị lung lay bởi giá dầu thô xuống thấp khiến các đơn vị khai thác dầu thô có chi phí cao như các hãng khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ chịu sức ép tài chính mạnh. Nhiều hãng khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ đang đối mặt với nguy cơ phá sản nếu giá dầu thô tiếp tục xuống thấp.
Ông Dan Yergin nhận định “Nếu giá dầu thô tiếp tục ở mức thấp như này, sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ sẽ giảm xuống và Hoa Kỳ sẽ không còn chiếm thị phần cao nhất trên thị trường như hiện nay”.
Gia tăng sản lượng khai thác
Ả-rập Xê-út có thể sẽ trở thành quốc gia chiếm thị phần cao nhất trên thị trường dầu mỏ trong thời điểm hiện tại. Theo thông báo đưa ra hồi tháng 3/2020, tập đoàn khai thác dầu thô quốc doanh Ả-rập Xê-út Saudi Aramco cho biết sẽ nâng mức khai thác lên tối đa 12,3 triệu thùng/ngày kể từ ngày 1/4/2020. Con số này tương đương với mức tăng thêm gần 2 triệu thùng/ngày so với mức sản lượng khai thác của Ả-rập Xê-út hồi tháng 3/2020, theo chuyên trang dữ liệu Refinitiv Eikon.
Hãng tin Reuters dẫn lời một số hãng cung cấp dịch vụ dầu khi cho biết tập đoàn Saudi Aramco đã yêu cầu hỗ trợ để có thể nâng sản lượng khai thác lên mức 13 triệu thùng/ngày trong thời gian tới.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết nước này có thể nâng sản lượng khai thác thêm từ 200.000 thùng – 300.000 thùng/ngày trong ngắn hạn và lên 500.000 thùng/ngày trong dài hạn. Sản lượng khai thác của Nga trong tháng 2/2020 đạt khoảng 11,3 triệu thùng/ngày.
Bên cạnh đó, Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) cũng cho biết nước này sẽ nâng sản lượng khai thác lên mức 4 triệu thùng/ngày, tăng gần 1 triệu thùng/ngày so với mức khai thác hồi tháng 3/2020.
Theo đánh giá của ông Ravi Krishnaswamy, phó chủ tịch cấp cao khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của hãng tư vấn thị trường Frost & Sullivan, sự gia tăng sản lượng khai thác của các quốc gia khai thác dầu thô lớn có thể kéo dài ít nhất đến tháng 6/2020 – thời điểm khối OPEC+ dự kiến nhóm họp.
Ông Ravi Krishnaswamy cũng cảnh báo giá dầu thô rất có khả năng sẽ tiếp tục giảm xuống nữa thậm chí giá dầu thô WTI có thể xuống mức dưới 20 USD/thùng trong thời gian tới.