PV: Xin ông sơ lược về quá trình phát triển và những thành tựu nổi bật của IEMM trong chặng đường 35 năm vừa qua?
Ông Lê Thái Hà: Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ (IEMM), tiền thân là Viện Nghiên cứu và Thiết kế chế tạo máy mỏ, chính thức hoạt động từ ngày 01/7/1981. Nhiệm vụ chính của Viện là: Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất phục vụ ngành Than và các ngành kinh tế quốc dân.
Năm 1988, Viện chuyển về trực thuộc Công ty Cơ khí Mỏ (hoạt động theo nguyên tắc tự hạch toán lấy thu bù chi), đây là giai đoạn muôn vàn khó khăn với Viện khi cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, thiếu vốn, thiếu việc làm, thu nhập không ổn định…
Năm 1993, được sự ủng hộ của Bộ Năng lượng, mặc dù là một đơn vị sự nghiệp có thu nhưng Viện đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư xưởng thực nghiệm với công suất thiết kế chỉ 500 tấn sản phẩm cơ khí/năm. Kể từ đây hoạt động nghiên cứu và sản xuất, kinh doanh của Viện có bước chuyển biến mới, kết quả nghiên cứu đã thực sự được ứng dụng ngay vào phục vụ sản xuất.
Năm 1995, IEMM được sắp xếp lại và mang tên mới là Viện Thiết kế Máy năng lượng và Mỏ. Giai đoạn này, ngoài ngành Than, IEMM còn tham gia nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị phục vụ sản xuất cho các ngành kinh tế khác.
Năm 2000, Viện chính thức mang tên Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ, đến tháng 5/2001, Viện chuyển thành đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo 100% kinh phí của Tổng công ty Than Việt Nam, nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Từ năm 2010, IEMM chuyển hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP.
Khi mới thành lập, IEMM chỉ có gần 100 người, tổng tài sản gần 120 triệu đồng, đến nay IEMM đã có trên 300 CBCNV - người lao động, tổng nguyên giá tài sản cố định gần 139 tỷ đồng (số liệu năm 2015), có tiềm lực khoa học công nghệ tương đối hùng hậu như: Xưởng thực nghiệm (với trên 2.500 m2 nhà xưởng và hơn 100 thiết bị các loại, công suất 1.000 tấn sản phẩm/năm); Phòng thí nghiệm vật liệu tính năng kỹ thuật cao (cho phép kiểm tra lý, hóa tính, khuyết tật vật liệu và kiểm tra không phá hủy NDT); Phòng Thử nghiệm kiểm định hiệu suất năng lượng (cho các thiết bị tủ lạnh điều hòa không khí; Nhà máy chế tạo máy mỏ (quy mô trên 7.500 m2 nhà xưởng, công suất 3.000 tấn sản phẩm/năm)…
Trong 35 năm qua, IEMM đã thực hiện hàng trăm nhiệm vụ khoa học công nghệ (23 đề tài và 13 dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước, gần 300 đề tài và 13 dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ… và rất nhiều đề tài cấp Viện), áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không khó tìm thấy tại các mỏ, nhà máy, bến cảng của TKV sản phẩm do IEMM chế tạo như: máng cào MC-14, MC-11; băng tải (chiều dài trên 1.000 m, chiều rộng đến 1,2 m), máy cấp liệu, quang lật goòng, máy sàng than, máy tuyển từ, tuyển huyền phù, các loại tời mỏ… Nhiều sản phẩm mới phức tạp, đòi hỏi công nghệ cao cũng đã được đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ của IEMM sản xuất thành công với chất lượng và sự ổn định tương đối cao, thay thế hàng nhập khẩu như: Máy vắt công nghiệp MG-45, tời chở người TCCN, băng tải công suất lớn (độ dốc lên đến 28o, công suất đến 1000kW, năng suất trên 1.200 t/h), băng tải hãm (xuống dốc đến -21o), có hệ thống giám sát điều khiển tập trung, tự động hóa ở mức cao... Tại các ngành khác, Viện cũng đã cung cấp nhiều sản phẩm, tiêu biểu là: tiếp điểm cao, hạ thế đến 35kV; thiết bị làm mát cho máy phát - động cơ điện (đến 110 mW), phụ tùng cho tuabin khí phát điện (nhiệt độ làm việc trên 10000C), các loại bơm khuyếch tán…
Giá trị các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao do IEMM tạo ra hàng năm liên tục tăng (chiếm tỷ trọng trên 50% doanh số). Năm 2015, Viện đạt doanh thu 241 tỷ đồng, trong đó giá trị dịch vụ kỹ thuật cao đạt hơn 50 tỷ đồng… Với các sản phẩm phục vụ đắc lực cho sản xuất than, khoáng sản, IEMM không chỉ giải quyết nhiệm vụ cấp bách để phát triển sản xuất, hiện thực hóa chiến lược cơ giới hóa của Ngành, tăng năng suất, đảm bảo an toàn, cải thiện đáng kể điều kiện lao động của thợ mỏ còn góp phần nâng cao năng lực, làm chủ công nghệ của lực lượng khoa học nước nhà, chủ động sản xuất, thay thế nhập khẩu với nhiều sản phẩm đạt tỷ lệ nội địa hóa lên đến trên 90%…
Đánh giá chung nhất, trong 35 năm qua, Viện đã thực hiện thành công nhiệm vụ được giao, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào phục vụ sản xuất rất nhiều loại thiết bị trọn bộ, phụ tùng thay thế ở cả 3 lĩnh vực: khai thác, vận tải, sàng tuyển chế biến than… góp phần vào sự phát triển của Cơ khí Than nói riêng và ngành Than - Khoáng sản nói chung.
PV: Những kết quả mà IEMM đạt được thật đáng trân trọng. Vậy những nhân tố nào đã góp phần làm nên những thành công đó, thưa ông?
Ông Lê Thái Hà: Có thể khẳng định đối với một đơn vị làm công tác khoa học, đây là những con số đáng tự hào. Những con số này minh chứng cho định hướng, xây dựng lực lượng, lựa chọn đầu tư của IEMM thời gian qua là đúng đắn và phù hợp, đáp ứng nhu cầu và xu thế phát triển sản xuất của nền kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài Ngành. Lấy công tác nghiên cứu khoa học công nghệ làm nhiệm vụ trọng tâm trên nguyên tắc luôn gắn liền với nhu cầu của sản xuất, là cơ sở giúp IEMM vượt qua nhiều khó khăn, thử thách phát triển bền vững như ngày hôm nay.
Đến nay IEMM đã xây dựng được cơ sở vật chất kỹ thuật, các phòng thí nghiệm tương đối đầy đủ đồng thời đào tạo được một lực lượng cán bộ nghiên cứu, tư vấn thiết kế tương đối hùng hậu. Hiện IEMM có 3 địa điểm chính với hơn 10 ngàn m2 diện tích nhà xưởng cùng năng lực máy móc có giá trị trên 130 tỷ (mỗi năm đạt hơn 240 tỷ doanh thu sản xuất sản phẩm cơ khí và dịch vụ kỹ thuật). Hơn 65% cán bộ của Viện có trình độ đại học và trên đại học (10 tiến sỹ chuyên ngành kỹ thuật) và được trẻ hóa trong 5 năm gần đây. IEMM có định hướng xây dựng cán bộ chủ chốt giỏi về chuyên môn, có năng lực cao theo hướng trẻ hóa về tuổi đời, đồng thời ưu tiên công tác bình đẳng giới (tăng tỷ lệ cán bộ nữ)…
Đảng bộ Viện luôn chú trọng trong công tác xây dựng và phát triển đảng. Từ một chi bộ nhỏ khi thành lập, đến nay IEMM đã xây dựng được lực lượng đảng viên chiếm trên 20% trong tổng số CBCNV. Đảng bộ Viện và các chi bộ liên tục đạt danh hiệu tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, tiêu biểu nhiều năm. IEMM cũng đặc biệt chăm lo công tác xây dựng đảng từ đội ngũ đoàn viên thanh niên, ngoài việc bồi dưỡng, IEMM chuẩn bị mọi điều kiện và cơ hội (công việc, thiết bị, giao nhiệm vụ…) để đội ngũ này thể hiện, phát huy tối đa năng lực xây dựng phát triển Viện.
Đặc biệt nhất là IEMM đã xây dựng được cơ chế khoán nội bộ, phát huy hiệu quả từ trên 20 năm qua (tự hạch toán kỹ lưỡng chi tiết và được hiệu chỉnh cho phù hợp với từng năm). Cơ chế này được xây dựng trên cơ sở chú trọng nhân tố con người, nhất là đối tượng lao động trực tiếp, lấy động lực, phát huy năng lực, sức sáng tạo của từng cá nhân đặt lên trước tiên sau đó mới tới quyền lợi của tập thể, làm cho mỗi người lao động của Viện thực sự chủ động, sáng tạo mong muốn được cống hiến.
Đảng bộ, Lãnh đạo và
Công đoàn Viện thường xuyên quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao
động như: tăng cường máy móc thiết bị, cải thiện điều kiện nhà xưởng, trang thiết
bị bảo hộ… đồng thời chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần (thu nhập
tăng đi đôi với chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, tổ chức các hoạt động thăm
quan nghỉ mát, văn hóa thể thao…). Cùng với những cơ chế đãi ngộ đặc biệt dành
cho đội ngũ nghiên cứu, tư vấn thiết kế, IEMM đã thu hút, đào tạo được đáng kể
nguồn nhân lực chất lượng cao, là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển bền
vững của Viện.
Ông Lê Thái Hà: Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, trong thời gian tới IEMM tiếp tục rà soát chức năng nhiệm vụ, sắp xếp lại theo hướng thu gọn các đầu mối, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, từng bước chuyển các tổ chức nghiên cứu KHCN và sản xuất, kinh doanh có đủ điều kiện sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp hoặc cổ phần hóa, đồng thời tiếp tục đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động KHCN phù hợp yêu cầu mới.
Để thực hiện thành công nhiệm vụ mà Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giao phó, trở thành đơn vị cơ khí hàng đầu, dẫn dắt cơ khí Than phục vụ đắc lực cho mục tiêu cơ giới hóa khai thác than khoáng sản và khai thác xuống sâu, IEMM sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ: Đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao mức độ cơ giới hóa, tự động hóa trong các công đoạn khai thác, chế biến, vận chuyển than, khoáng sản như: Tăng cường nghiên cứu thiết kế, chế tạo các thiết bị vận tải ở mức phức tạp hơn nữa như băng tải cong, băng tải ống, các loại thiết bị chở người cả trong khai thác giếng nghiêng và giếng đứng, thiết bị chống giữ mỏ như giá, giàn chống thủy lực, thiết bị khai thác hiện đại như Combain…; Nghiên cứu thiết kế, tự chế tạo để nâng cao chất lượng thiết bị điều khiển tự động, liên động cho các thiết bị khai thác dưới hầm mỏ; Đi sâu vào công nghệ và thiết bị tuyển khoáng, nghiên cứu chế tạo các thiết bị cơ khí có giá trị gia tăng cao thay thế nhập ngoại trong chế biến than, khoáng sản, phù hợp điều kiện địa chất và khai thác mỏ Việt Nam hiện nay.
Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo sản phẩm mới, phân tích, kiểm tra, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn… IEMM sẽ cải tạo bổ sung trang thiết bị, các phòng thí nghiệm (đặc biệt là các phòng thí nghiệm chuyên ngành).
IEMM tiếp tục nghiên cứu nhập khẩu công nghệ, chuyển giao, phát triển công nghệ để làm chủ nhiều công nghệ kỹ thuật cao: kiểm tra không phá hủy, phân tích vật liệu, kiểm định hiệu suất năng lượng và kiểm toán năng lượng…
PV: Trân trọng cám ơn ông! Thay mặt Tạp chí chúc tập thể lãnh đạo, CBCNV IEMM tiếp tục phát huy những thành tựu đáng tự hào, vững vàng phát triển hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo!
Với nhiều sản phẩm cơ khí thay thế hàng nhập khẩu có giá trị cao, có thể khẳng định từ khi ra đời đến nay, IEMM có vai trò quan trọng, góp phần cơ giới hóa, nâng bước tiến công nghệ ngành Than - Khoáng sản. Với nỗ lực vượt khó vươn lên, nhiều cá nhân và tập thể của Viện đã được Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, Cờ Thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ...