Hoạt động theo cơ chế tự chủ 100%
Báo cáo trong buổi làm việc, Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô, ông Cao Văn Sơn đã giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển Viện trong suốt gần 55 năm qua.
Theo đó, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô được thành lập ngày 05/02/1969 theo Quyết định số 24/CP của Hội đồng Chính phủ. Trải qua nhiều quá trình, ngày 12/01/2017, Bộ Công Thương đã ra Quyết định số 88/QĐ-BCT về việc chuyển Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam về trực thuộc Bộ Công Thương, Viện hoạt động theo mô hình tự chủ về chi thường xuyên và chi đầu tư. Từ đó đến nay, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô hoạt động theo cơ chế tự chủ 100% (chi thường xuyên và chi đầu tư). Các nguồn thu chính của Viện từ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KHCN, dịch vụ KHCN và sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh sự hỗ trợ một phần kinh phí từ NSNN thông qua các nhiệm vụ KHCN, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô cũng đã tập trung mọi nguồn lực để nâng cao năng lực thử nghiệm và giám định. Giai đoạn 2018-2022, Viện đã xây dựng được 01 phòng thử nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017 (mã số VILAS 1051) về lĩnh vực giấy, bột giấy và các sản phẩm có liên quan và 01 phòng giám định đạt chuẩn ISO/IEC 17020:2012 (mã số VILAS 073) về lĩnh vực giấy, bột giấy, giấy loại và nguyên liệu gỗ, dăm mảnh gỗ, vật tư hoá chất ngành giấy (10 quy trình giám định).
Cũng trong giai đoạn 2018-2022, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã nghiên cứu được một loạt các công nghệ mới, sản phẩm mới có khả năng ứng dụng cao, đem lại hiệu quả thiết thực cho Viện cũng như cho các doanh nghiệp trong ngành. Tiêu biểu là nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sản xuất giấy in, giấy vẽ khối lượng riêng thấp. Công nghệ này đã được áp dụng triển khai sản xuất thương mại trên dây chuyền sản xuất tại Xưởng thực nghiệm của Viện với sản lượng trên 300 tấn/năm và đã được chuyển giao cho Công ty CP Giấy Vạn Điểm, Công ty CP Giấy Việt Thắng…
Bên cạnh đó, Viện đã nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, cải tạo dây chuyền thiết bị để sản xuất giấy bao gói thực phẩm dạng khô công suất 3 tấn/ngày trên cơ sở dây chuyền sản xuất thực nghiệm của Viện; Nghiên cứu và làm chủ được công nghệ giấy in nhiệt, chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Chuyển giao công nghệ cho một nhà máy tại Nam Định; Nghiên cứu và làm chủ công nghệ chế tạo chế phẩm enzyme trợ nghiền từ vi khuẩn - xạ khuẩn chịu nhiệt và ứng dụng trên dây chuyền sản xuất giấy tissue. Chế phẩm cho phép giảm tới 30% năng lượng nghiền trong sản xuất; Nghiên cứu, tạo được chế phẩm sinh học có chứa chủng xạ khuẩn CXD2-17 và vi khuẩn CVSCV1-1 phù hợp cho xử lý nhựa trong dăm mảnh nguyên liệu gỗ trong quá trình sản xuất bột giấy hoá học tẩy trắng. Sản phẩm này đã được đăng ký sở hữu trí tuệ, đây cũng là sản phẩm đầu tiên, duy nhất được nghiên cứu và ứng dụng ở quy mô công nghiệp đối với quá trình sản xuất bột giấy tại Việt Nam…
Viện cũng đã thành công trong nhiệm vụ Nghiên cứu ứng dụng công nghệ MBBR (Moving Bed Biofilm Reactor- Giá thể sinh học tự do) nâng cao hiệu quả xử lý sinh học hiếu khí tại nhà máy giấy bao bì đã được chuyển giao, ứng dụng thành công trên hệ thống xử lý nước thải của Công ty CP Giấy Vạn Điểm công suất 4.200 m3/ngày đêm, chất lượng nước sau xử lý đạt cấp A theo QCVN 12-MT:2015/BTNMT và đang tiếp tục được chuyển giao, ứng dụng tại dây chuyền 2 của Công ty CP Giấy Hưng Hà…
Cần phát huy vai trò chủ động để tạo sự bứt phá
Báo cáo về định hướng của Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô trong giai đoạn tới, Viện trưởng Cao Văn Sơn cho biết: “Trong giai đoạn đến năm 2030 các nhiệm vụ khoa học công nghệ của Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô tập trung vào 7 hướng trọng tâm, nhưng ứng dụng CNSH trong sản xuất bột giấy và giấy được đưa vào ưu tiên hàng đầu”.
Phát biểu trong buổi làm việc, ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương ghi nhận những nỗ lực vươn mình của Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô trong thời gian qua. Vụ trưởng Lý Quốc Hùng đưa ra những yêu cầu sau với Viện:
“Tên gọi là Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô không chỉ khẳng định vai trò đầu ngành của Viện, mà còn khẳng định xã hội và ngành Công Thương rất cần Viện. Trong những năm qua, Viện đã không ngừng cố gắng, những gì đã làm được thì Viện tiếp tục phát huy, còn với những khó khăn, vướng mắc hiện tại, trước mắt, từng bước một hãy phát huy mọi quan hệ với Hiệp hội Giấy, với Tổng công ty, với các doanh nghiệp phối hợp hoạt động với nhau để cùng tìm cách đồng hành và tháo gỡ. Nhiệm vụ tối quan trọng của các nhà nghiên cứu của Viện là duy trì, tìm tòi, nghiên cứu thêm những công trình, giải pháp xử lý vấn đề nhức nhối nhất của ngành Giấy là môi trường.
Tiếp theo, đối với những lĩnh vực mà Viện gần như “độc quyền” như là giám định, kiểm định, với 2 trung tâm thử nghiệm và kiểm định đã xây dựng và hoạt động rất tốt thì phải cố gắng phát huy năng lực hơn nữa. Thời gian tới, Viện cần rà soát lại hệ thống quy chuẩn liên quan đến giấy để báo cáo Bộ Công Thương. Đặc biệt, ngoài các hoạt động khoa học và công nghệ được giao, Viện cũng cần phát huy vai trò chủ động để đề xuất thêm những đề tài, nhiệm vụ mới thiết thân với hoạt động của Viện. Từ đó sẽ có thêm nhiều cơ hội để bứt phá hơn trong giai đoạn tới” – ông Hùng nhấn mạnh.
Kết thúc buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cũng lưu ý đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Viện bám sát các vấn đề nổi cộm của ngành để tập trung giải quyết, thể hiện vai trò của nghiên cứu khoa học trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo gắn nghiên cứu với thực tiễn sản xuất và các kết quả nghiên cứu thực sự có hiệu quả.